Top

Tìm lời giải cho bài toán xi măng

Cập nhật 27/04/2010 15:55

Hiện nay cả nước đã có đến 108 dây chuyền sản xuất xi măng các loại với tổng công suất khoảng 65 triệu tấn/năm. Căn cứ vào thực tế nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước năm 2010 (khoảng 50 - 55 triệu tấn), nếu các nhà máy chạy hết công suất sẽ dư thừa trên 10 triệu tấn, còn dự báo năm nay sẽ dư nguồn cung khoảng 5 triệu tấn.


Một hiện tượng rất phổ biến là trong khi dư thừa vẫn cứ dư thừa, đầu tư xây dựng các nhà máy mới vẫn cứ tiến hành, rồi bùng nổ cuộc tranh luận “trong - ngoài” quy hoạch.

Thế rồi, trong quy hoạch thì dự án chậm tiến độ 1-2 năm là chuyện thường, còn 3-4 năm là chuyện không phải hiếm, trong khi ngoài quy hoạch lại hoàn thành trước dự kiến, cho sản phẩm và hiệu quả kinh tế thấy rất rõ rệt. Câu chuyện “trong - ngoài” quy hoạch nếu cứ tiếp tục tranh cãi sẽ mãi không có hồi kết.

Vì sao xi măng sẽ dư thừa trong khi các nhà máy mới vẫn tiếp tục khởi công xây dựng? Thậm chí Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã từng đề nghị dừng cấp phép tất cả các dự án xi măng cho dù dự án đó có hiệu quả hay không bởi theo dự báo đến năm 2020, khi dân số Việt Nam ước khoảng 100 triệu người, với mức tiêu thụ 1 tấn/người (tương đương mức tiêu thụ tại Trung Quốc - nước sản xuất nhiều xi măng nhất thế giới) thì lượng xi măng dư thừa sẽ vào khoảng 30 triệu tấn.

Thử hỏi một đất nước 86 triệu dân với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ xi măng như hiện nay thì bài toán bình quân nhu cầu tiêu thụ trên mỗi người dân khoảng 1 tấn xi măng liệu có hoang đường? Hơn thế, giải pháp làm đường bê tông xi măng áp dụng cho đường cao tốc được xem là khả thi cho vấn đề tiêu thụ xi măng lại không được đón nhận mặn mà.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ và trao đổi với Bộ GTVT để cùng hợp sức giải bài toán dư thừa xi măng nhưng tất cả chỉ dừng lại ở hội thảo, đề án. Một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ là tại sao tính ưu việt của đường bê tông xi măng đã được chứng minh mà không thể áp dụng trên thực tế? Lời giải không còn của riêng nhà sản xuất mà chủ đầu tư các dự án mới là người quyết định.

Trở lại với vấn đề vì sao thừa mà các nhà máy mới vẫn được xây dựng, các dự án vẫn được cấp phép đầu tư? Nếu không vì lợi nhuận chẳng ai lại bỏ đến vài ngàn tỷ đồng để đầu tư một dây chuyền xi măng lò quay công suất khoảng trên 1 triệu tấn. Còn các nhà máy xi măng lò đứng, đại đa số là công nghệ Trung Quốc (đúng ra là dây chuyền mà Trung Quốc đã thải ra) xuất đầu tư thấp nên lợi nhuận thu về nhanh.

Thế là dù “dài hơi” hay “ngắn hơi”, “đứng” hay “quay” thì đầu tư xi măng vẫn lãi. Chẳng thế mà ở Thanh Liêm (Hà Nam) một vùng quê thuần nông thì một thôn cũng có đến 4 nhà máy xi măng. Người dân thay vì hít thở khí trời lại mặc sức “hưởng” khói bụi từ công nghiệp sản xuất xi măng mang lại. Đâu đó, không phải chuyện lạ khi những nhà máy xi măng lò đứng khói bụi ngút trời mà công suất cả năm của nó cũng chỉ bằng một nhà máy lớn sản xuất trong 3 ngày.

Trong bối cảnh hiện nay, không thiếu gì các dự án gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong vùng. Vì vậy, yếu tố môi trường và vùng nguyên liệu là vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc. Trong khi nhiều dự án xi măng cứ cố gắng bám đường quốc lộ để tiện cho việc vận chuyển bởi chi phí vận chuyển sẽ đẩy giá thành lên cao thì một số nhà đầu tư đã tính chuyện “dài hơi” khi quyết định đầu tư tại các vùng miền núi, nơi có vùng nguyên liệu dồi dào lại không gây ô nhiễm môi trường dù “đoạn đường” vận chuyển có xa hơn.

Nhà máy xi măng Tân Thắng (Tân Kỳ) và Đô Lương đang được xây dựng tại miền núi Nghệ An là một ví dụ. Một số nhà máy khác đầu tư dây chuyền mới trên cơ sở hạ tầng sẵn có kết hợp với vùng nguyên liệu được xem là hiệu quả và tính khả thi cao như: Hoàng Thạch, Bút Sơn, Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Hà Tiên 2 - 2… bởi đây là những thương hiệu có đẳng cấp trên thị trường xi măng Việt Nam, sản phẩm sẽ không mấy khó khăn để chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ. Trong điều kiện xi măng dư thừa thì khó khăn vẫn thuộc về những nhãn hiệu xi măng mới. Vì thế, bài toán thế nào là hiệu quả cho đầu tư xi măng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng