Top

Thị trường gạch ốp lát: Vũ khí mới của đối thủ cũ

Cập nhật 27/04/2010 16:55

Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam vừa triệu tập Hội nghị toàn quốcmở rộng lĩnh vực sản xuất gạch ceramic và granite tại Hà Nội, nêu lên những khó khăn bất cập mà ngành này đang phải đối mặt. Một trong những vấn đề nổi cộm nhất là tình trạng đối phó với gạch ceramic nhập lậu từ Trung Quốc.


DN sản xuất gạch ốp lát Việt Nam đau đầu với gạch Trung Quốc.

“Một mình một cõi”

Các thành viên Hiệp hội đã thảo luận và thống nhất đề xuất trình Chính phủ để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các nhà sản xuất trong nước, lập hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế gạch nhập lậu kém chất lượng từ Trung Quốc. Đối với phạm vi toàn cầu, rất nhiều năm nay Trung Quốc gần như đứng đầu thế giới về các sản phẩm gạch ngói nói chung và họ xuất khẩu vào hầu hết các thị trường trên thế giới. Cả những nước có bề dày truyền thống và năng lực sản xuất gạch ốp lát như Tây Ban Nha, Italia cũng khó lòng cạnh tranh với gạch Trung Quốc về mẫu mã và giá cả.

So với cuộc chiến với gạch ceramic Trung Quốc cách đây gần chục năm về trước trên thị trường Việt, giờ đây đã xuất hiện nhiều yếu tố khác lạ và có phần khó xử hơn. Không những cạnh tranh bằng chiêu bài giá thấp đối với mặt hàng gạch bình dân, hiện nay mối nguy lớn nhất từ gạch ốp lát của Trung Quốc chính là những sản phẩm có kích thước, kiểu dáng, mẫu mã… vô cùng đa dạng phong phú. Điều khó nhất lúc này đối với các DN Việt Nam là kế sách ứng xử với dòng gạch đang mặc nhiên được coi là hàng chất lượng cao từ Trung Quốc, dòng gạch này được người bán hàng tự do “chỉnh” lên với mức giá rất cao mà không lo ngại bị người tiêu dùng… phản ứng (từ 1,3 - 3 triệu đồng/m2), bởi nó chưa có “đối thủ” tại Việt Nam.

Với hiệu ứng trang trí bề mặt đa dạng (dạng thủy tinh long lanh như soi gương, hoặc như thép lên nước óng, hiệu ứng pha lê cùng các loại hoa văn và họa tiết đẹp như tranh), cùng với kích thước lạ mắt có thể lên đến 1,2x1,2m; 1,5x1,5m… rất mãn nhãn khi ứng dụng trong các công trình kiến trúc hiện đại, chúng gần như “một mình một cõi”.

Khi được hỏi: DN Việt Nam có sản xuất được những mặt hàng có kích thước, mẫu mã, hiệu ứng bề mặt đẹp, lạ và khác biệt như vậy không? Một nhà sản xuất có thương hiệu lớn cho hay: Đủ sức làm được, nhưng lại không thể làm! Vậy, điều gì dẫn đến câu trả lời có phần kỳ quặc như vậy?

Tìm hiểu được biết, DN đã đầu tư máy ép công suất lớn, dây chuyền sản xuất hiện đại, chủ động về xương, men nhưng với công suất thấp và đặc biệt với cách thức sản xuất của các DN Việt Nam hiện nay, khó mà đưa ra nhiều mẫu mã bởi nếu cứ thay đổi mẫu mã, kích thước, xương men lại phải dừng cả dây chuyền và hiệu chỉnh sản xuất, dẫn đến sản phẩm làm ra mất một khoảng thời gian vừa đủ lâu để đạt đến độ “đồng nhất” cho bề mặt thì buộc phải dừng để chuyển đổi mẫu mã khác. Vậy nên “làm được mà lại không thể làm” chính là vì vậy!

“Cuộc chiến” thứ hai ?


Đã đến lúc các DN Việt Nam cần phải khôi phục lại “cuộc chiến” lần thứ hai với hàng Trung Quốc để bảo vệ mình. Lần trước, hàng Trung Quốc cũng ngập chợ, rồi bị đẩy lùi vì DN Việt Nam ý thức được phải đầu tư toàn diện trên cả hai lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Cuộc chiến lần này thoạt nhìn vào khó hơn, nhưng suy cho cùng vẫn phải xuất phát từ ý thức đầu tư và tăng cường năng lực. Nếu cần, hãy học chính cách người Trung Quốc đã làm.

Đó là việc họ quy hoạch hẳn một vùng để sản xuất gạch ngói gốm sứ ở Phật Sơn, các DN phân công nhau về mẫu mã, kích thước khi sản xuất, nên khi đã vận hành là cả dây chuyền cứ “chạy một lèo” khiến chất lượng và màu sắc luôn tạo được sự đồng nhất tương đối; chưa kể việc phân công sản xuất giúp họ tiết giảm chi phí để hạ giá thành ở mức tối ưu. Do đó họ đủ sức mang gạch đi “ốp lát” cả thế giới chứ không nói riêng thị trường Việt Nam nhỏ bé.

Tất nhiên, không thể phủ nhận gạch Trung Quốc vào thị trường Việt Nam còn có nhiều sản phẩm chưa xứng đáng được gọi là đẳng cấp cao dù giá bán rất cao nhưng đó là câu chuyện xin được đề cập ở bài viết khác. Cũng không thể phủ nhận gạch Trung Quốc thâm nhập từ con đường gian lận thương mại, điều này rất cần được cảnh báo và đưa ra những hành động ứng phó kịp thời để bảo vệ các nhà sản xuất chân chính.

Tuy nhiên, về lâu dài, để ngăn chặn và bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ sản xuất một cách hiệu quả nhất, không gì khác là DN sản xuất gạch ốp lát phải vượt lên chính mình, hợp lực với nhau để không chỉ bảo vệ thị trường nội địa mà tạo ra nội lực để tiến công ra thị trường ngoài nước.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng