Thông tư 05 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng đã được hoan nghênh một cách "thận trọng" bởi mặc dù có ý nghĩa quan trọng trong việc "cứu" các nhà thầu song việc xác định giá đúng với thị trường vẫn còn bất cập. Giá được điều chỉnh luôn thấp hơn giá thị trường.
Vấn đề mà hầu hết các nhà thầu đều kêu ca đó là việc xác định giá. Thông tư 05 quy định: "Giá vật liệu xây dựng (VLXD) tại thời điểm điều chỉnh được xác định theo giá VLXD do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo" (được hiểu là "báo giá của địa phương" như hiện nay).
Và "trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo giá VLXD không kịp thời hoặc không phù hợp với thực tế hoặc giá VLXD không có trong thông báo thì chủ đầu tư và nhà thầu căn cứ chứng từ, hoá đơn hợp lệ để xác định giá VLXD và chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác".
Theo các nhà thầu, quy định này là khó thực hiện bởi giá VLXD do địa phương công bố luôn chậm và thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Vì vậy, nếu căn cứ vào giá này thì nhà thầu luôn bị thiệt thòi.
Bên cạnh đó, giá VLXD là bao gồm giá được công bố và giá cước vận chuyển đến chân công trình. Đối với nhiều địa phương vùng sâu vùng xa, VLXD khan hiếm thì cước vận chuyển rất cao.
Vì vậy, việc chủ đầu tư xác định và chịu trách nhiệm về giá cước vận chuyển thường rất khó khăn do những quan điểm còn nhiều khác biệt trong các cuộc thanh tra, kiểm tra.
Ông Nguyễn Ngọc Long, Cục trưởng Cục giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông cho biết: "Có những trường hợp kể cả khi chủ đầu tư đã lấy được thông báo giá của liên Sở Tài Chính - Xây dựng nhưng vẫn không được công nhận và yêu cầu phải thu hồi kinh phí trong kết luận thanh tra".
Cũng theo ông Long, việc chủ đầu tư có trách nhiệm trong việc xác định giá có mặt tích cực là làm cho chủ đầu tư được chủ động, nhưng mặt trái của nó là dễ tạo ra nhưng lỗ hổng trong công tác quản lý, tạo điều kiện dẫn đến các vi phạm hoặc bị đánh giá là vi phạm.
Chính vì vậy, nhiều chủ đầu tư cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc công bố kịp thời và chính xác về giá hoặc sẵn sàng trong việc phối hợp và kiểm tra xác nhận những đơn giá do chủ đầu tư tổ chức lập thì mới đủ đảm bảo về pháp lý để thực hiện.
Nhà thầu không tự bảo vệ được mình
Việc quy định chủ đầu tư và nhà thầu phải tự xác định khối lượng xây lắp bị ảnh hưởng giá, mức điều chỉnh phải tự chịu trách nhiệm về những điều đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chủ đầu tư và nhà thầu phải tự thoả thuận với nhau về mức giá điều chỉnh.
Ông Nguyễn Thành Phương, Phó TGĐ Công ty Vinaconex khẳng định: Chủ đầu tư thực chất chỉ quản lý về mặt tiến độ, chất lượng công trình, không đủ thẩm quyền và căn cứ để xác định mức giá điều chỉnh. Do vậy, nếu thực hiện theo thông tư 05, chủ đầu tư và nhà thầu phải tự thương thảo một mức giá tạm tính. Và ở đây sẽ không tránh khỏi cơ chế " xin - cho" hoặc nảy sinh mâu thuẫn do không cùng quan điểm giải quyết.
Đó là chưa kể một số chủ đầu tư né tránh trách nhiệm kéo dài và trì hoãn việc xác định mức giá điều chỉnh, gây khó khăn cho các nhà thầu...
Ông Phương còn đưa ra trường hợp đối với những dự án vốn ngân sách nhà nước, việc xác định giá còn liên quan đến trách nhiệm của Kho bạc nhà nước, thanh tra, kiểm toán.
Nếu chủ đầu tư và nhà thầu có những ý kiến trái chiều thì đơn vị nào sẽ đủ thẩm quyền quyết định cuối cùng? Điều này thực sự gây hoang mang cho nhà thầu khi phải tiếp tục thi công mà vẫn có nguy cơ không được chấp nhận thanh toán.
Trong khi đó, giá VLXD vẫn không ngừng tăng và cuối cùng nhà thầu vẫn là người phải gánh chịu tất cả. Thực tế, phần lớn vốn thi công của nhà thầu là vốn vay thì sự chậm trễ trong thanh toán của chủ đầu tư khiến nhà thầu càng thêm sức ép từ lãi suất ngân hàng dẫn đến nhiều công trình lợi nhuận có khi không đủ bù lãi vay vốn thi công.
Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: