Trong thời gian qua, tại thị trường trong nước, giá thép đã tăng nhanh đến chóng mặt và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, làm điêu đứng các nhà thầu, chủ đầu tư công trình, người xây nhà… Giá thép tăng do giá nhập khẩu phôi để sản xuất thép tăng, đó là hệ lụy tất yếu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, lợi dụng việc thị trường thế giới và trong nước đang có “bão giá”, đã xuất hiện một số hành vi đầu cơ, nâng giá, lũng đoạn thị trường thép. Chính vì thế, Chính phủ đã phải “vào cuộc” để chấn chỉnh tình hình này.
2 tháng đầu năm, giá thép tăng từ 13-18%
Theo tin từ Trung tâm thông tin thương mại, hiện nay, giá các nước chào bán phôi thép ở mức 750 - 760 USD/tấn, tăng 10 - 25 USD/tấn so với tháng 2-2008. Đồng thời giá thép phế - nguyên liệu chính ể sản xuất phôi cũng tăng mạnh.
Thời điểm này, giá thép phế chào bán về đến Việt Nam khoảng 490 - 500 USD/tấn (CFR), tăng khoảng 20 USD so với tháng trước và tăng gần 100 USD/tấn so với cuối năm 2007. Trong khi đó, Việt Nam phải nhập tới 50% nhu cầu phôi thép.
Bên cạnh đó, từ ngày 25-2, do giá dầu mazud tăng từ 8.500 đ/kg lên 9.500 đ/kg, trong khi để sản xuất mỗi tấn thép phải tiêu tốn hết 40 kg dầu mazud. Đó là những nguyên nhân chính khiến giá thép xây dựng tăng lên.
Do chi phí đầu vào tăng cao và đón trước giá phôi thép nhập khẩu sẽ tăng, ngày 25-2-2008, Tổng công ty thép Việt Nam đã tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán các loại thép cán và thép hình thêm 400-500 đ/kg (tương đương mức tăng từ 3-3,7%) so với lần điều chỉnh trước (ngày 6-2-2008). Như vậy, đây là lần điều chỉnh tăng giá bán lần thứ 3 trong tháng 2 và lần thứ 4 kể từ đầu năm đến nay, với tổng mức tăng là 1.500-2.100 đ/kg (tăng 13-18%).
Tại miền Bắc, hiện giá thép cuộn phi 6 của Gang thép Thái Nguyên là 13.910 đ/kg và VPS là 14.100 đ/kg. Tại miền Nam, giá thép cuộn phi 6 của Vinakyoei là 13.560 đ/kg. Giá bán lẻ thép xây dựng trên thị trường dao động trong khoảng 15.000-17.000 đ/kg.
Ông Phạm Hùng - Giám đốc Công ty CP xây dựng Sông Hồng (thuộc Tổng công ty xây dựng Sông Hồng) đã “kêu trời” khi thấy giá thép xây dựng trước đây chỉ có 10.000 - 12.000 đ/kg, chỉ sau một thời gian ngắn đã “vọt” lên tận 17.000 đ/kg, làm đảo lộn các dự toán công trình xây dựng. Chính vì thế, nhiều đơn vị thi công đã phải tạm dừng xây dựng, chờ chủ đầu tư điều chỉnh giá công trình, nếu không sẽ lỗ nặng.
Giá thép còn tiếp tục tăng
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sau khi đàm phán với các nhà cung cấp quặng sắt, từ ngày 1-4 tới, giá quặng sắt sẽ tăng thêm 65% so với giá của năm 2007. Như vậy, có khả năng giá quặng sắt sẽ tăng lên 70 USD/tấn, cùng với giá cước vận tải tăng khoảng 40 USD/tấn, giá than mỡ dự báo cũng sẽ tăng trong thời gian tới, điều này sẽ tác động mạnh tới giá phôi thép và xu hướng tiếp tục tăng giá thép là khó tránh. Với mức tăng của quặng sắt, dự tính giá phôi thép có thể tăng tới trên 800 USD/tấn.
Năm 2008, dự báo nhu cầu về thép của Việt Nam tăng khoảng 20% so với 2007 do đầu tư nước ngoài tăng mạnh và nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước như: Thủy điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các công trình giao thông, hạ tầng sử dụng vốn ODA… cần một khối lượng thép lớn.
Thép có thể không thiếu, nhưng nhu cầu tăng cùng với giá đầu vào tăng là lý do khiến nhiều người lo ngại thị trường thép năm 2008 sẽ có những diễn biến khó lường. Bên cạnh đó là việc xuất hiện tình trạng “nhập nhèm” về giá, găm giữ, đầu cơ, “đục nước béo cò”, làm lũng đoạn thị trường thép.
Ngày 4-2-2008, Bộ Công thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ (số 09/BC-BCT) về kết quả kiểm tra việc tăng giá thép. Qua kiểm tra đã phát hiện một số các cơ sở kinh doanh thép tại địa phương không thực hiện niêm yết giá, đoàn kiểm tra phải lập biên bản xử lý.
Theo tính toán của Bộ Công thương, vào thời điểm đoàn đi kiểm tra, nếu giá phôi thép nhập khẩu khoảng 760 USD/tấn (hiện giá nhập là 730 - 735 USD/tấn), cộng với các chi phí sản xuất, lưu thông khác cũng không thể “đội” giá bán lẻ thép xây dựng phi 6 và 8 trên thị trường tới mức 16.000-17.000 đ/kg.
Trao đổi với Báo giới, một chuyên gia từ Tổ điều hành thị trường trong nước nhận xét: “lỗ hổng” lớn nhất của ngành thép hiện nay là không tổ chức được mạng lưới phân phối chuyên nghiệp, không có các đại lý “ruột” mà chỉ có các bạn hàng mua đứt bán đoạn. Thép xuất xưởng ra khỏi nhà máy là để mặc cho các nhà kinh doanh, đại lý thao túng về giá, trong khi đó mặt hàng thép lại có vị trí chiến lược trong việc phát triển của nền kinh tế, cần được bình ổn giá.
Phải quản lý giá bán và công khai giá bán thép
Trước thực trạng trên, ngày 14-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có yêu cầu các cơ quan chức năng: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường thép, chống hàng giả, hàng nhái để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính xử lý nghiêm những vi phạm về liên kết độc quyền giá, nâng giá thép thành phẩm bất hợp lý và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Tổng công ty Thép Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất phôi và thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước; Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (sản xuất và thương mại) và phối hợp cùng các liên doanh với Tổng công ty tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý giá bán, công khai giá bán trong toàn hệ thống phân phối của mình; Đẩy mạnh việc bán thép qua hệ thống phân phối đến người sử dụng; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sản xuất phôi thép…
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính xem xét đề xuất việc sử dụng các công cụ điều tiết như thuế, dự trữ quốc gia... một cách tích cực hơn trong việc kiểm soát và kiềm chế tăng giá thép, nhất là trong điều kiện nền kinh tế của ta còn phụ thuộc lớn vào thị trường phôi thép thế giới; chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương xây dựng, đề xuất cơ chế khuyến khích việc sản xuất phôi thép trong nước, nhất là việc sản xuất phôi từ quặng sắt, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Hiệp hội Thép Việt Nam chỉ đạo tích cực và quyết liệt hơn nữa các thành viên Hiệp hội tăng cường quản lý, tiết kiệm chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, củng cố và mở rộng hệ thống thương mại và chi nhánh bán hàng trực tiếp cho các đối tượng tiêu dùng trực tiếp, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết công khai giá bán thép; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm như găm hàng chờ tăng giá gây lũng đoạn thị trường thép.
Hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trong thời gian tới thị trường thép sẽ bình ổn.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: