Top

Giá vật liệu xây dựng giảm mạnh: Công trình vẫn “ngủ đông”

Cập nhật 06/11/2008 11:00

Gần đây, giá vật liệu xây dựng (VLXD) liên tục giảm mạnh, từ 10% đến hơn 50%, tùy loại. Nhiều dự báo cho rằng, với diễn biến này cộng với lãi suất cho vay của các ngân hàng đang giảm dần là thời điểm thích hợp kích cầu xây dựng. Tuy vậy, hầu như mọi động thái vừa qua vẫn chưa đủ “ép phê” nên nhiều công trình xây dựng tiếp tục “ngủ đông”, không bóng thợ.

“Bó gối” nhìn gạch... mọc rêu!

Khác thời điểm nóng bỏng lúc thị trường lên cơn sốt từ cuối năm 2007 đến tháng 8-2008 khách hàng phải chen nhau mua hàng dự trữ, bước sang đầu quý 4, cảnh chợ chiều xảy ra với hầu hết cửa hàng VLXD trên địa bàn TPHCM.

So với đợt giá cao kỷ lục trong tháng 7 vượt hơn 22 triệu đồng/tấn, nay giá sắt thép giảm sâu với hơn 10 triệu đồng/tấn. Cụ thể, sau những lần giảm giá trước đó nhằm kích cầu, giải phóng hàng chưa mang lại hiệu quả, cuối tháng 10, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VN Steel) trụ sở phía Nam tiếp tục giảm giá thép thêm 500.000 - 700.000 đồng/tấn, đưa thép cuộn và cây giao tại nhà máy xuống mức 11,05 - 11,15 triệu đồng/tấn, thép cây 11,35 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, những ngày qua trên thị trường, thép cuộn bán lẻ phi 6, 8 giảm thêm gần 3 triệu đồng/tấn, xuống mức trên dưới 11 triệu trồng/tấn. Các loại thép gân cũng giảm khá mạnh với phi 12 giảm 31.000 đồng/cây, xuống còn 110.000 đồng/cây; phi 16 ở mức 210.000 đồng/cây, giảm 45.000 đồng/cây; phi 20 giảm 67.000 đồng/cây, còn 325.000 đồng/cây…

Theo các chủ cửa hàng kinh doanh VLXD, nguyên nhân thép giảm giá là do giá phôi thép thế giới giảm mạnh, thêm vào đó lượng hàng tiêu thụ chậm, trong khi nhiều nhà sản xuất đang ra sức giảm giá bán để thu hồi vốn trả nợ vay ngân hàng sắp đến kỳ đáo hạn. Cùng cảnh là thị trường xi măng, dù các cửa hàng VLXD ra sức giảm giá thấp hơn giá gốc của tổng đại lý giao, nhưng chỉ bán nhỏ giọt cho những công trình nhà sửa chữa vào dịp tết sắp tới.

Bà Nguyễn Thị Hân, chủ cửa hàng VLXD Thanh Hòa trên đường Dương Quảng Hàm phường 7 quận Gò Vấp cho biết, lúc “sốt” 1 tuần có thể tiêu thụ 400 - 500 bao xi măng, còn bình thường cũng được 100 bao. Thế nhưng, từ tháng 9 đến nay, dù đã hạ giá xi măng các loại như Hà Tiên 1 xuống mức dưới 70.000 đồng/bao (thấp hơn giá cam kết với công ty 2.000 đồng/bao), các thương hiệu khác từ 64.000 - 68.000 đồng/bao nhưng mỗi tuần cũng chỉ bán chừng 30 - 40 bao.

“Xi măng, sắt thép không tiêu thụ được thì nhận ít đại lý vẫn giao. Nhưng gạch, mỗi lần đến nhà máy mua phải chở cả xe tải, hàng chục thiên (ngàn viên). Trong khi dạo này trời hay mưa nên để hơi lâu là gạch mọc rêu, đến lúc đó mong có người mua để bán tháo, còn để đó chỉ biết bó gối mà nhìn!”, bà Hân buồn bã nói.

Quả vậy, với những cửa hàng VLXD có quy mô, thừa lúc gạch lên cơn “sốt” mua vào nhiều dự trữ hoặc mỗi lần lấy về nhiều nhưng sau đó bán không hết, nay gặp những cơn mưa cuối mùa đều mọc đầy rong rêu. Và dĩ nhiên, nếu gặp nắng gạch khô thì khi đưa vào sử dụng chắc chắn chất lượng cũng bị ảnh hưởng.

Nhà thầu... “né” nhận thầu



Một dãy nhà thi công dở dang. Ảnh
chụp chiều 4-11 tại huyện Bình Chánh.
Ảnh: Đức Trí.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH SX XD Thanh Minh (Bà Rịa - Vũng Tàu), tuy hiện nay giá dầu mới giảm nhẹ nhưng cũng đã tác động tích cực đến một số công đoạn sản xuất, vận tải. Do đó, ngoài sắt thép, xi măng giảm mạnh, giá gạch cũng giảm từ 800 - 1.200 đồng/viên xuống còn 450 - 650 đồng/viên; cát, đá giảm 10.000 - 30.000 đồng/xe, xuống mức dưới 200.000 đồng/xe.

Tuy nhiên, giai đoạn này sắp kết thúc mùa xây dựng, vì vậy các công trình mới hầu như không triển khai. Mặt khác, giá cả liên tục biến động trong thời gian qua nên chủ đầu tư đắn đo, tiếp tục chờ giá cả ổn định.

Trong khi đó, hiện nay đa số nhà thầu xây dựng đều không dám nhận thầu vì sợ giá VLXD “trở chứng” vào năm 2009. Bên cạnh đó, họ cũng không có vốn để mạnh dạn nhận thầu khi mà ngân hàng đang “quay lưng” với bất động sản.

Ông Nguyễn Quốc Vi Liêm, Trưởng phòng tiếp thị Công ty TNHH Xây dựng địa ốc Đất Xanh (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng, tuy giá VLXD giảm mạnh nhưng sớm nhất phải đến hết quý 1-2009 may ra các công trình mới có thể khởi động lại. Bởi thực tế, hiện nay thị trường nhà đất gần như tê liệt, nên tính thanh khoản không có, trong khi hầu hết nhà đầu tư thuộc lĩnh vực xây dựng đều chôn vốn vào bất động sản.

Mặt khác, thời gian đáo hạn định kỳ tại các ngân hàng lại đang cận kề nên doanh nghiệp lo gom tiền trả nợ đã hụt hơi còn vốn đâu mà đầu tư. Đó là chưa kể, tuy nhiều ngân hàng đã thông báo giảm lãi, nhưng để vay được doanh nghiệp phải chi nhiều loại phí, rút cuộc cũng phải vay với lãi suất nằm ngoài khả năng, nên không doanh nghiệp nào dám vay.

“Như vậy, đồng nghĩa với việc các công trình muốn xây dựng phải tiếp tục chờ kinh phí. Còn muốn bất động sản phục hồi không giải pháp nào tốt hơn là nới lỏng chính sách, vốn cho các nhà đầu tư”, ông Liêm phân tích.

Các chuyên gia ngành xây dựng, Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cũng cho rằng, sớm nhất đến cuối năm 2009, thị trường bất động sản mới sôi động trở lại và sẽ tới đỉnh vào năm 2010. Nguyên nhân là thị trường bất động sản Việt Nam có tính đặc thù. Hầu hết người dân coi đây là nơi để cất giữ tiền tin cậy.

Ngoài ra, với những biến động bất thường của thị trường chứng khoán, sự không ổn định của giá vàng và đô la hiện nay, thì bất động sản được xem như một địa chỉ giữ tiền an toàn nhất.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng