Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, giá trị giao dịch thấp thì phân tích kỹ thuật không còn phản ánh đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường, phân tích cơ bản được xem là công cụ hữu hiệu cho nhà đầu tư. Dưới đây là một số vấn đề cần chú ý khi phân tích doanh nghiệp sản xuất gạch đỏ theo phương pháp này.
Thứ nhất, tình hình tài chính của doanh nghiệp thông qua các chỉ số: thu nhập trên cổ phiếu (EPS), lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận/tổng tài sản (ROA), nợ/tổng tài sản, khả năng thanh toán… 9 tháng đầu năm 2008, một số doanh nghiệp sản xuất gạch đỏ có EPS khá cao như DTC (hơn 17.000 đồng), HLY (hơn 12.000 đồng), NHC (hơn 8.000 đồng)…
Thứ hai, thị trường tiêu thụ. Cạnh tranh được xem là "linh hồn" của nền kinh tế thị trường nên nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần làm thường xuyên, liên tục là phát triển thị trường tiêu thụ. Đối với thị trường gạch đỏ, doanh nghiệp trong nước không phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập, sức ép cạnh tranh không gay gắt như các ngành hàng khác.
Theo thống kê của Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam, năm 2008 nước ta sản xuất khoảng 20 tỷ viên gạch mà vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, đặc biệt là quý I và II/2008. Trong đó, sản lượng gạch thủ công chiếm tới 50% thị phần gạch đỏ.
Mặt khác, Chính phủ đã có quyết định xoá dần lò gạch thủ công gây ô nhiễm, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn vào năm 2010, chuyển đổi sang mô hình lò nung gạch liên tục kiểu đứng, lò gạch tuynel, lò gạch công nghệ mới. Điều đó cũng có nghĩa rằng, thị trường tiêu thụ của các công ty gạch đỏ (như BHV, DAC, DTC, HLY, NHC, VTS) sẽ được mở rộng.
Thứ ba, tiềm năng và triển vọng ngành. Đây là môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển bền vững. Hiện Chính phủ đang kích cầu tiêu dùng và đầu tư, tập trung vào ngành xây dựng, đặc biệt chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng và nhà ở cho người nghèo.
Thu nhập bình quân của Việt Nam năm 2008 đạt trên 1.000 USD/người là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư. Khi nền kinh tế phát triển ổn định, thu nhập của người dân ngày càng cao thì nhu cầu sinh hoạt và làm việc (nhà ở, văn phòng, giải trí…) sẽ tăng.
Theo Quyết định số 76/2004/QĐ-TTg ngày 6/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020, nước ta phấn đấu phát triển nhà ở đô thị đến năm 2010 đạt 15 m2 sàn/người và 20 m2 sàn/người vào năm 2020; phát triển nhà ở nông thôn bình quân người đạt khoảng 14 m2 sàn vào năm 2010 và 18 m2 sàn vào năm 2020.
Theo dự báo, đến năm 2010 dân số nước ta khoảng 88,5 triệu người (nông thôn chiếm 65% và đô thị chiếm 35%, tương đương 31 triệu người). Do đó, nhu cầu về nhà ở, văn phòng làm việc, hệ thống cơ sở hạ tầng khu đô thị, công trình giao thông, văn hoá… trong tương lai sẽ rất lớn.
Nếu đạt mục tiêu đến năm 2010, nhà ở khu vực đô thị bình quân người đạt 15 m2 sàn và 14 m2 sàn đối với khu vực nông thôn thì nước ta cần tới 1.270 triệu m2 sàn nhà ở, đó là chưa kể nhu cầu về phát triển các khu công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, công trình văn hoá, trung tâm thương mại… Điều đó cho thấy, nhu cầu các loại vật liệu xây dựng trong tương lai rất lớn.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, các công ty sản xuất gạch đỏ cũng gặp không ít khó khăn như: nguồn nguyên liệu (đất sét) ngày càng khan hiếm do quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá diễn ra nhanh, thị trường bất động sản ảm đạm… Trong khi đó, vốn điều lệ của các công ty này thường là nhỏ (chỉ có NHC và VTS có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng), đôi khi tạo rủi ro về tính thanh khoản cho nhà đầu tư.
Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư cần cân nhắc, xem xét kỹ các yếu tố thuận lợi và bất lợi, chiến lược đầu tư dài hạn hay ngắn hạn và đặc biệt là phải xác định mục tiêu trước khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu của một ngành cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: