Giá thép vừa qua đã "cộng dồn" hai lần, lên gần 1,1 triệu đồng/tấn nhưng thay vì giảm giá, Hiệp hội Thép lại kiến nghị Nhà nước tăng thuế nhập khẩu để bảo hộ trước sự cạnh tranh của thép ngoại giá rẻ.
Trước tình hình tiêu thụ hàng hóa trong nước phục hồi chậm, Chính phủ đã quyết định sẽ hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm công nghiệp đang tồn đọng trong đó có phôi thép.
Tuy nhiên, với ngành thép, sự hỗ trợ đó dường như chưa đủ. Mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) lại vừa kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu thép ống từ 5% lên 10% và tôn mạ crome, mạ thép từ 7% lên 12% nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.
Theo VSA, kiến nghị này nhằm bảo hộ sản xuất trong nước trước thép Trung Quốc, nhất là với các mặt hàng như thép cuộn, tôn mạ crome, mạ thép… Sở dĩ thép Trung Quốc trở nên cạnh tranh về giá vì cách đây một tháng, nước này đã bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng thép ống, tôn mạ từ 15% xuống còn 0%.
Không chỉ hạ giá, thép Trung Quốc còn vào Việt Nam với nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn như thưởng 1% nếu giá trị lô hàng trên 250.000 NDT. Kết quả, giá thép Trung Quốc chào bán vào Việt Nam chỉ còn khoảng 10,9 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, giá thép nội bán lẻ trên thị trường đã dao động từ 13,3-13,5 triệu đồng/tấn. Mức giá cao vượt trội này có nguyên nhân “cộng dồn” giá ngay trong mấy ngày đầu năm 2009. Lần cộng thứ nhất là tăng thuế VAT từ 5% lên 10%. Tính ra, nguời tiêu dùng phải trả thêm 587.000 đồng/tấn thép.
Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp thép trong nước đã tăng thêm 500.000 đồng/tấn. Như vậy, tổng cộng người tiêu dùng phải trả thêm cho thép nội gần 1,1 triệu đồng/tấn, vào khoảng 13,5 triệu đồng/tấn, cao hơn 2- 2,5 triệu đồng so với thép Trung Quốc.
Rõ ràng, ngành thép nội địa đã không quan tâm đến lợi ích người tiêu dùng cũng như thực tế đang diễn ra là sức mua đang giảm dần. Chưa kể, mặt hàng này đã được đưa vào danh sách sẽ được Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ trong thời gian tới với các chương trình kích cầu đầu tư vào các dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: