Top

Các sở xây dựng phía Nam tìm cách chống đầu cơ, lũng đoạn cát

Cập nhật 20/11/2017 09:18

Cát tại mỏ vẫn xuất đi, nhưng mua trên thị trường không có. Nguyên nhân được xác định là các cơ sở kinh doanh ghim hàng nhằm đầu cơ, tích trữ, chờ bán giá cao.

Nạo vét, khai thác cát tại tỉnh An Giang - Ảnh: SƠN LÂM

Thông tin trên được bà Nguyễn Ngọc Thanh, trưởng phòng vật liệu xây dựng Sở Xây dựng TP.HCM, đưa ra tại hội nghị giao ban chương trình hợp tác giữa Sở Xây dựng TP.HCM với sở xây dựng các tỉnh miền Tây và miền Đông năm 2017, tổ chức tại Long An vào ngày 17-11.

Bà Thanh cho biết từ quý 2-2017, giá cát tự nhiên giữa các địa phương có sự chênh lệch lớn và ngày càng tăng cao, trong đó TP.HCM ảnh hưởng nặng nề nhất khi có thời điểm giá cát tại đây lên đến hơn 727.000 đồng/m3 loại cát bêtông.

Nguyên nhân được cho là do vẫn chưa có giải pháp thay thế cát trên thị trường vật liệu xây dựng, trong khi đó bất động sản đã hồi phục khiến thị trường xây dựng trở nên sôi động trong bối cảnh việc quản lý khai thác cát đang bị siết chặt.

Bên cạnh đó, tại một số tỉnh thành có nhu cầu sử dụng cát tự nhiên lớn nhưng không có nguồn cung, vì thế cát được vận chuyển qua nhiều trung gian nên giá tăng cao, đồng thời có cả tình trạng đầu cơ cát.

Để bình ổn giá cát, theo bà Thanh, các địa phương cần rà soát, thống kê danh sách các doanh nghiệp khai thác, sản xuất kinh doanh cát cũng như chống các hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường, tránh tình trạng ghim hàng, đẩy giá lên cao.

Sở Xây dựng TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương cho phép tiếp tục thực hiện các dự án xã hội hóa tận thu cát để bù vào chi phí nạo vét, duy tu các tuyến luồng đường thủy theo quy định.

Song song đó, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Bộ Công an, Bộ Công thương tăng cường tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp đầu cơ, lũng đoạn thị trường...

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ