Top

Bất động sản: Vùng trũng tín dụng

Cập nhật 14/11/2007 15:00

Sức nóng của thị trường bất động sản đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Dấu hiệu vốn chảy từ thị trường cổ phiếu sang nhà đất gần đây cũng xuất hiện rõ nét hơn.

Ngoài các nhà đầu cơ, những nhà đầu tư nhỏ thu được lợi nhuận từ chứng khoán đã rút một phần vốn lớn để bỏ vào thị trường bất động sản, tìm chốn “an cư, lạc nghiệp”. Trong khi đó, việc quyết liệt siết chặt tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước khiến các ngân hàng cổ phần phải tăng tốc đẩy nhanh tín dụng để có thể điều chỉnh dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán xuống mức 3%.

Trước diễn biến này, các ngân hàng đang chạy đua tranh thủ cơ hội “bơm” tiền cho nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng mua nhà, đất. Hình thức vay chủ yếu là trả góp, với giá trị khoản vay cao và thời gian kéo dài gấp đôi so với trước, lên đến 20 năm.
 
Theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành, nếu không thận trọng, các nhà băng sẽ khó hạn chế rủi ro và nợ xấu cho vay bất động sản gia tăng, vì thị trường bất động sản cũng có những diễn biến “nóng - lạnh” khó lường.

Ngay sau khi Phú Mỹ Hưng chính thức công bố đăng ký mua sản phẩm Sky Garden III, có 11 ngân hàng tung ra sản phẩm hỗ trợ khách hàng mua trả góp căn hộ tại dự án này. Trong đó, có Eximbank Việt Nam, Techcombank, HSBC, HDBank, Vietcombank (Tân Thuận), Indovina Bank, VID Public Bank, MHB, Sacombank, ABBANK và ANZ.

Điều kiện vay được các nhà băng nới rộng, đồng thời tăng sự thuận lợi trong việc mua căn hộ Sky Garden III. Theo đó, các ngân hàng đều áp dụng chung những điều khoản về giá trị khoản vay từ 70 - 80%, thậm chí lên đến 90 - 100% giá trị nếu khách hàng thế chấp bằng bất động sản khác ngoài căn nhà chuẩn bị mua. Lãi suất tương đối cạnh tranh, chỉ dao động từ 0,95 - 1,1%/tháng, thay vì 1,1 - 1,3%/tháng như trước đây.

Đơn cử, Eximbank Việt Nam chỉ áp dụng mức lãi suất dưới 1%/tháng đối với loại hình tín dụng này. Ngoài Sky Garden 3, Eximbank Việt Nam còn hỗ trợ vốn cho khách hàng mua bất động sản tại các khu dự án Vạn Phát Hưng, Vista, các dự án của Công ty Phát triển nhà Phú Nhuận, dự án An Phú, An Khánh. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng như: HDBank, HSBC, Techcombank và một số ngân hàng khác còn thiết kế riêng chương trình với nhiều ưu đãi hơn.

Các khách hàng mua sản phẩm Sky Garden 3 của Phú Mỹ Hưng được Techcombank ưu đãi thời hạn cho vay tối đa là 20 năm với mua nhà, tỷ lệ cho vay tối đa 80% tổng nhu cầu vốn. Ngoài lãi, khách hàng chỉ phải thanh toán 15% vốn gốc trong 1/4 thời gian đầu và 25%, 30% và 30% trong thời gian còn lại. Khách hàng có thể sử dụng chính ngôi nhà đã mua làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của mình.

Rõ ràng, sự tăng trưởng của thị trường bất động sản đã thu hút ngày càng nhiều ngân hàng tham gia tài trợ vốn cho người có nhu cầu vay mua nhà, đất. Không chỉ có nguồn vốn hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của các ngân hàng đang chờ đợi người dân đến vay mua nhà đất, mà còn là hàng loạt sản phẩm cho vay đa dạng, dễ dàng, phù hợp với nhiều đối tượng.

Đơn cử, ABBANK nhắm đến đối tượng khách hàng là những người trẻ, có thu nhập tương đối ổn định bằng sản phẩm cho vay mua nhà, đất trả góp (YOUhouse). Mức vốn cho vay tối đa 90% nếu tài sản thế chấp không phải là bất động sản khách hàng dự định mua, với thời hạn 20 năm; 70% tổng nhu cầu vốn vay nếu tài sản thế chấp là bất động sản dự định mua. Lãi suất dao động trên dưới 1%/tháng.

ABBANK còn tung ra sản phẩm YOUhousePlus - cho vay trả góp mua nhà, đất 30 năm, đồng thời có bảo hiểm nhân thọ cho người vay. Dự nợ tín dụng bất động sản của ABBANK hiện đạt 1.110 tỷ đồng. Hai tháng nay, ngân hàng ANZ cũng tung ra các sản phẩm cho vay bất động sản với thời hạn 20 năm, lãi suất 0,94%/tháng.

bất động sản lên giá tạo cơ hội cho nhà băng “bơm” tiền trong bối cảnh vốn khả dụng đang dưa thừa. Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia ngành tài chính, ngoài những khách hàng có nhu cầu vốn thực sự để mua nhà - đất, không thể loại trừ các nhà đầu cơ bất động sản. Vì vậy, việc nâng cao hạn mức giá trị khoản vay, đồng thời tạo điều kiện dễ dàng để nhanh chóng thu hút khách hàng là nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cho những nhà băng thiếu sự kiểm soát chặt chẽ các khoản tín dụng bất động sản.

Tình trạng này đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra khuyến cáo cách đây khoảng 3 năm, khi thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu đóng băng. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước TP. HCM cũng có khuyến nghị đối với các ngân hàng trên địa bàn trong việc “bơm” tiền vào thị trường bất động sản.

Theo nhận xét của một quan chức trong ngành, hiện vốn khả dụng của nhiều nhà băng trong tình trạng dư thừa, đồng thời để điều chỉnh được dư nợ cầm cố chứng khoán xuống mức 3%, nhiều ngân hàng phải đẩy nhanh dư nợ. Vì vậy, khi có cơ hội sẽ nhanh chóng giải bài toán đầu ra, trong đó có cả việc đẩy vốn vào thị trường nhà đất.

“Nếu không phân tích và đánh giá kỹ, đồng thời thẩm định cho vay chặt chẽ thì nguy cơ nợ xấu gia tăng là rất lớn khi giá bất động sản biến động”, một cán bộ Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Theo VnEconomy