Top

100% vật liệu không nung tại Việt Nam sau năm 2015: Mục tiêu khó khả thi

Cập nhật 09/06/2014 15:37

Ông Gregory Lukasik, Tổng giám đốc Boral Gypsum Việt Nam cho rằng, nếu không có những nỗ lực mạnh mẽ và quyết tâm từ phía cơ quan quản lý và các DN, thì mục tiêu 100% vật liệu không nung tại Việt Nam sau năm 2015 là rất khó khả thi.

Ông Gregory Lukasik

* Theo quy định của Bộ Xây dựng, từ 15/1/2013, các công trình xây dựng tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung; các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung, sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Ông đánh giá ra sao về mục tiêu này?

Việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại từ nhiều phía tại Việt Nam. Thứ nhất, về trở ngại từ suy thoái kinh tế: Từ năm 2008, bất động sản đóng băng, kinh tế suy thoái đã làm cho ngành vật liệu xây dựng rơi vào tình trạng khó khăn và tình hình càng trầm trọng hơn đối với tình hình tiêu thụ vật liệu xây không nung.

Thứ hai, trở ngại từ người tiêu dùng: Sử dụng vật liệu xây đất sét nung vốn đã xuất hiện từ những ngày đầu trong ngành xây dựng Việt Nam. Xây nhà là việc cả đời, tuy nhiên việc thiếu thông tin về vật liệu thân thiện môi trường mới với giá cả cao hơn nhiều so với vật liệu truyền thống khiến cho chủ nhà, chủ đầu tư trở nên e ngại khi chọn lựa.

Thứ ba, trở ngại từ người thiết kế: Các tiêu chuẩn sản phẩm, quy phạm xây dựng, kết cấu kiến trúc, đơn giá xây dựng của các loại vật liệu không nung chưa được ban hành đồng bộ, đầy đủ từ các cơ quan quản lý. Do đó, kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế xây dựng chưa tự tin và khó chỉ định thiết kế, dự toán khối lượng vật liệu xây không nung cho công trình. Các đơn vị tư vấn thiết kế vẫn quen dùng thông số kỹ thuật của gạch nung, do đó, khi đưa vật liệu không nung vào các công trình thì e ngại phải thay đổi thiết kế. Ngoài ra, thuyết phục chủ đầu tư lựa chọn sản phẩm mới này cũng là một rào cản không nhỏ đối với các đơn vị tư vấn.

Thứ tư, trở ngại từ các nhà thi công: Thi công vật liệu xây không nung đòi hỏi kỹ năng xây tô, lắp đặt khác với truyền thống, nên nhà thầu và thợ xây dựng gặp không ít khó khăn trong quá trình thi công, sự cố kỹ thuật. Nhiều loại vật liệu mới chưa được ban hành hướng dẫn thi công và nghiệm thu đồng bộ cũng đã gây lúng túng, bất tiện cho nhà thi công.

Thứ năm, trở ngại từ chính sách: Vẫn chưa có nhiều khuyến khích mạnh mẽ từ phía Chính phủ dành cho các nhà đầu tư sản xuất và các công trình sử dụng vật liệu xây không nung, chính sách hiện nay chỉ mới dừng ở việc bắt buộc sử dụng đối với các công trình từ 9 tầng trở lên. Bên cạnh đó, khung chế tài cho việc thực thi chính sách khuyến khích vật liệu không nung chưa đủ mạnh để xử lý những công trình vi phạm. Các địa phương vẫn còn thiếu nguồn lực và kiến thức cần thiết để triển khai chương trình phát triển vật liệu không nung.

Theo tôi, nếu không có những nỗ lực mạnh mẽ và quyết tâm từ phía chính quyền và các DN, thì mục tiêu 100% vật liệu không nung tại Việt Nam sau năm 2015 là rất khó khả thi.

* Chi phí cao có phải là rào cản chính khiến DN không muốn sử dụng loại vật liệu thân thiện với môi trường vào các dự án?

Giá thành cao thường được nhìn nhận là rào cản cho sự phát triển vật liệu xanh, nhưng trên thực tế chưa hẳn là như vậy.

Hiện nay, các giải pháp vật liệu xanh tiên tiến trên thế giới đã được mang vào Việt Nam từ các tập đoàn hàng đầu thế giới. Chi phí tính theo m2 tường của vật liệu xanh là khá cao so với gạch đất sét nung truyền thống, nhưng nếu đưa vào thiết kế ngay từ đầu sẽ giảm được chi phí móng, giảm kích thước kết cấu, giảm chiều cao tầng, tiết kiệm năng lượng điều hòa do tính cách nhiệt cao. Tốc độ thi công nhanh hơn tường gạch nung, giúp rút ngắn thời gian xây dựng, sớm đưa công trình vào sử dụng, giảm chi phí lãi vay đầu tư. Vì vậy, nếu so về tổng thể lâu dài, giải pháp xanh sẽ ưu thế hơn về giá và các lợi ích dài hạn khác cho môi trường, xã hội.

* USG Boral Building Products là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới của các hệ thống xây dựng và vật liệu xây dựng xanh. Ông có thể cho biết những giải pháp mới nhất của Tập đoàn liên quan đến mảng vật liệu xanh là gì?

USG Boral là tập đoàn tiên phong trong ngành vật liệu xanh. Ngoài sản phẩm khung xương, tấm thạch cao truyền thống và các phụ kiện đã cung cấp đại trà tại thị trường trong nước, chúng tôi đã giới thiệu nhiều giải pháp vật liệu mới như: Sản phẩm tấm thạch cao thế hệ mới Fiberock có lõi gia cường sợi cenlulose không phủ giấy trên mặt nhưng có các tính năng chống cháy, chống nước, chống nấm mốc, khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu lực cao…

* Ông có thể đánh giá tiềm năng sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường tại Việt Nam trong thời gian tới?

Là một thị trường mới phát triển, ngành xây dựng Việt Nam sẽ còn tiến xa, nên tôi hoàn toàn tin rằng, còn rất nhiều cơ hội cho vật liệu xanh. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành với Việt Nam để góp phần phát triển vật liệu xanh không nung.

Hiện nay, Công ty đã đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất tấm thạch cao mới có công suất 30M m2 nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong tương lai. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu đổi mới sản phẩm tấm thạch cao với công nghệ sản xuất tấm thạch cao tiên tiến nhất thế giới của Mỹ, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và thân thiện với môi trường hơn. Bên cạnh đó, USG Boral cũng hợp tác với Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) thực hiện nghiên cứu so sánh giữa giải pháp tường thạch cao và tường gạch đất sét cho một công trình cụ thể, góp phần tạo một cái nhìn tổng thể về lợi ích của vật liệu nhẹ từ chi phí đến các lợi ích môi trường, xã hội và tiếp thị…

Mục tiêu của chúng tôi là thay đổi phương cách thiết kế, xây dựng và sử dụng công trình, cũng như giúp khách hàng xây nên những công trình bền vững hơn, tốt hơn cho sức khỏe cư dân, tiện lợi và thân thiện môi trường hơn. Bước đầu tiên trong hành trình của chúng tôi là đồng hành với cơ quan quản lý thuyết phục các đơn vị thiết kế, nhà thầu, chủ đầu tư ủng hộ vật liệu xây không nung.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản