Trên thị trường gần đây xuất hiện ý kiến quan ngại thiếu xi măng khi thị trường bất động sản ấm lên, những báo cáo mới nhất cho thấy, lượng tồn kho vẫn còn “khá”.
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, 4 tháng đầu năm 2014, ngành xi măng tiêu thụ được 21,5 triệu tấn xi măng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013, giúp giảm lượng hàng tồn kho xuống còn 2,5 triệu tấn (bao gồm cả xi măng và clinker).
Điểm đáng chú ý là, hầu hết nhà máy điều chỉnh sản xuất phù hợp so với mức tiêu thụ, lượng tồn kho chỉ tương đương 12 - 14 ngày sản xuất.
Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn (BCC) cho biết, tiêu thụ xi măng 4 tháng đầu năm 2014 có những dấu hiệu khả quan so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, sức tiêu thụ từ tháng 3 đến nay tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 1,5 triệu tấn.
Hết quý I/2014, BCC đạt doanh thu thuần 980 tỷ đồng, tăng 12,19% so với cùng kỳ năm 2013. Lợi nhuận gộp quý I của BCC tăng 21,86%, đạt 222,97 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 15,5 tỷ đồng, giảm khoảng 9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013.
Mặc dù vậy, ông Ngô Sỹ Túc, Tổng giám đốc BCC cho hay, chi phí tài chính tăng 17%, chi phí bán hàng tăng 113% do phát sinh chi phí vận chuyển clinker và xi măng ủy thác xuất khẩu (trong khi quý I/2013 không phát sinh chi phí này) đã khiến lợi nhuận quý I/2014 của Công ty giảm mạnh.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi động trở lại do tác động từ thị trường nhà ở thu nhập thấp, nhu cầu xi măng trong dân sinh tăng là những yếu tố thuận lợi kích cầu tiêu dùng xi măng 4 tháng đầu năm nay.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng được xem là kênh tiêu thụ tốt, đẩy sản lượng xi măng tiêu thụ tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013.
Doanh nghiệp có năng lực về xuất khẩu, đóng góp chủ yếu vào kết quả xuất khẩu của ngành điển hình như Xi măng Thăng Long, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Tập đoàn Xi măng The Vissai…
Mặc dù thị trường xi măng có những chuyển động thuận lợi, sản lượng tiêu thụ tăng khá so với cùng kỳ năm 2013, nhưng điều đáng ghi nhận là, giá bán xi măng khá ổn định, bất chấp từ ngày 1/4/2014, quy định siết tải trọng của ngành giao thông đang gây áp lực lớn về chi phí bán hàng cho doanh nghiệp xi măng.
Cụ thể, mức giá bán lẻ xi măng tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung phổ biến 1.050.000 - 1.500.000 đồng/tấn, tại các tỉnh miền Nam phổ biến 1.460.000 -1.800.000 đồng/tấn.
Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), nhà sản xuất đang chiếm gần 36% thị phần thị trường xi măng cho biết, dù giá vận tải đã tăng, nhưng các doanh nghiệp thành viên Vicem chưa điều chỉnh tăng giá.
Một trong những vấn đề lo ngại của doanh nghiệp xi măng thời gian qua là cung đã vượt cầu, khi năng lực sản xuất tính đến năm 2014 là 72 - 73 triệu tấn.
Trong khi nhu cầu năm 2014 được Bộ Xây dựng dự báo khoảng 62 - 63 triệu tấn, tăng 2 - 3% so với năm 2013, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 48,5 - 49 triệu tấn, xuất khẩu 13,5 - 14 triệu tấn, thì sự gia tăng tiêu thụ xi măng 2 tháng trở lại đây (tháng 3 tiêu thụ gần 4,7 triệu tấn, tháng 4 hơn 6 triệu tấn) đã giải tỏa phần nào nỗi lo về đầu ra của các doanh nghiệp xi măng. Theo ước tính, trong tháng 5, sản lượng xi măng tiêu thụ tính cả nội địa lẫn xuất khẩu đạt 5,5 - 6,5 triệu tấn, đưa tổng lượng xi măng tiêu thụ 5 tháng đầu năm ước đạt hơn 26 - 27 triệu tấn.
Đại diện Công ty cổ phần Xi măng Fico cho biết, sẽ chạy hết công suất nhà máy để cung ứng khoảng 1,5 triệu tấn xi măng ra thị trường trong năm 2014.
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, thị trường xi măng đang có dấu hiệu cải thiện và trong trường hợp có những biến động tăng mạnh hơn về sản lượng tiêu thụ, ngành xi măng vẫn đảm bảo điều tiết tốt cung - cầu.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: