Top

Vì sao gạch không nung khó tiêu thụ?

Cập nhật 08/06/2014 06:32

Theo thông tin tại Hội thảo “Vật liệu xây không nung – thách thức và giải pháp phát triển sản xuất và sử dụng trong xây dựng công trình” do Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức mới đây, việc tiêu thụ, sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) vào công trình xây dựng còn rất hạn chế, không tương xứng với năng lực đã được đầu tư.

Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo nhưng đến nay, việc sử dụng VLXKN còn rất hạn chế

Sau gần 4 năm thực hiện chương trình phát triển VLXKN, đến nay đã có 12 nhà máy gạch bê tông khí chưng áp, 30 cơ sở sản xuất bê tông bọt và hơn 100 cơ sở sản xuất gạch xi măng cốt liệu, đưa tổng số gạch không nung lên hơn 6 tỷ viên/năm. Về công suất, VLXKN đã chiếm tỷ lệ 27% trên tổng số vật liệu xây.

Mặc dù Chính phủ đã có những văn bản chỉ đạo, quy định hướng dẫn thực hiện sản xuất và sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng nhưng đến nay, việc sử dụng vật liệu này còn rất hạn chế; xóa bỏ sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn của các huyện.

Riêng Hà Nội hiện có 8 cơ sở sản xuất VLXKN đang hoạt động với tổng công suất khoảng 260 triệu viên QTC/năm. Hầu hết các cơ sở này gặp nhiều khó khăn, không phát huy hết công suất do không tiêu thụ được sản phẩm. Một số doanh nghiệp (DN) đã phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng theo đơn đặt hàng, lo giải phóng hàng tồn kho từ trước…

Dự báo, năm 2015 cả nước sẽ phải sử dụng không dưới 30 tỷ viên và năm 2020 khoảng 42 tỷ viên gạch QTC. Để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét phải tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, 0,15 triệu tấn than, đồng thời thải ra trên nửa triệu tấn CO2. Để khắc phục, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phát triển VLXKN với mục tiêu: Năm 2015 VLXKN chiếm tỷ lệ 20 - 25% vật liệu xây và đạt tỷ lệ 30 - 40% vào năm 2020.
 

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân khiến việc tiêu thụ VLXKN khó khăn là do thói quen tiêu dùng của người dân vẫn thích gạch nung đất sét màu đỏ tươi. Hơn nữa, trong quá trình thi công, việc lưu giữ vật liệu trên công trường khi gặp mưa sẽ bị hút nước, tăng khối lượng viên gạch và rất lâu khô, gây khó khăn cho công tác hoàn thiện (sơn, trát). Việc thi công phần xây bằng VLXKN nhẹ (loại bê tông khí chưng áp hoặc bê tông bọt) đòi hỏi người thợ có tay nghề nhất định và cần được hướng dẫn kỹ thuật thi công, đặc biệt là khâu hoàn thiện. Điều này khó thực hiện đối với các công trình của các hộ dân.

Điều quan trọng nữa là các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng  còn chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm VLXKN. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến triển khai Quyết định 567/QĐ/TTg xây dựng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công.

Theo các chuyên gia, để VLXKN sớm thay thế dần gạch đất sét nung, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhất là các công trình vốn ngân sách, có chính sách ưu đãi đối với các dự án sản xuất VLXKN. Bộ Xây dựng cũng kiến nghị  tăng thuế tài nguyên đất sét lên 15% (hiện nay là 7%); DN đầu tư mở rộng sản xuất VLXKN cần được ưu đãi như DN lập dự án đầu tư mới. Hình thành đồng bộ tiêu chuẩn sản phẩm, kỹ thuật sản xuất; đơn giá, quy phạm, định mức xây dựng liên quan đến sản xuất và sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, cần hoàn chỉnh, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công, các định mức, đơn giá liên quan đến việc sản xuất và sử dụng các chủng loại VLXKN để có cơ sở áp dụng đồng bộ, tạo thuận lợi cho các đơn vị  đưa các loại sản phẩm này vào công trình. Đặc biệt, nhà nước cùng chung tay với DN giải quyết bài toán về vốn, lãi vay, thực hiện nghiêm túc việc sử dụng VLXKN trong các công trình vốn nhà nước, khuyến khích và tuyên truyền cho người dân về loại vật liệu thân thiện môi trường này.


DiaOcOnline.vn - Theo Công thương