Top

"Mẹo" bán hàng trực tuyến

Cập nhật 26/09/2017 10:18

Bằng cách tận dụng hệ sinh thái tiếp thị thương mại, doanh nghiệp hiểu hành vi khách hàng để cải tiến chiến lược tiếp thị hợp lý, đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác và hiệu quả hơn với mức chi phí cũng hợp lý hơn.


Tăng tỷ lệ giao dịch thành công

Để tiếp thị và bán hàng cho người dùng trên nhiều nền tảng một cách hiệu quả và tiết kiệm, từ tháng 9/2016, K&K Fashion - một thương hiệu thời trang nữ - bắt đầu triển khai giải pháp tiếp thị hiệu suất ứng dụng công nghệ Dynamic Retargeting Criteo để thúc đẩy các hình thức quảng cáo động và cá nhân hóa cách tiếp cận khách hàng dựa trên hành vi mua sắm trực tuyến của họ.

Chia sẻ kinh nghiệm sau 6 tháng thực hiện, ông Lê Viết Thanh - Tổng giám đốc K&K Fashion cho biết, giải pháp đã góp phần tạo cú hích về tỷ lệ chuyển đổi và giao dịch thành công với tỷ lệ nhấp chuột tăng 43%, tỷ lệ chuyển đổi tăng 66% và số giao dịch thành công tăng 121%. "Điều quan trọng đối với doanh nghiệp bán lẻ như chúng tôi khi đầu tư vào nền tảng trực tuyến là nhằm xác định chính xác các khách hàng tiềm năng và thu hút họ” - ông nói.

(Đồ họa: Tiến Đạt)

Sau 7 năm hoạt động, K&K có 10 cửa hàng bán lẻ và một cửa hàng trực tuyến. Bên cạnh chú trọng phát triển quan hệ thân thiết với khách hàng bằng dịch vụ chăm sóc tại chỗ, năm 2016 họ thực sự bứt phá nhờ sự hỗ trợ của môi trường tiếp thị trực tuyến giúp thu thập nhanh chóng các phản hồi về sản phẩm để cải thiện trải nghiệm mua sắm. Chiến lược tiếp thị số này cũng giúp quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn với chi phí hợp lý hơn.

Ông Thanh chia sẻ thêm, công cụ search engine (SEO) với các thông số tổng hợp giúp K&K hiểu rõ hơn hành vi của từng người dùng và phân tích, dự đoán hành vi tiếp theo, từ đó đưa ra quyết định nên phân bổ ngân sách cho các hoạt động tiếp thị như thế nào, cải tiến các chiến lược để giữ chân người mua hiện tại và thu hút khách hàng tiềm năng ra sao.

Đặc biệt ở Việt Nam, các cửa hàng bán lẻ vẫn còn là hình thức phổ biến và nhiều người mua hàng truy cập trực tuyến ngay cả khi đang mua sắm tại chỗ. Bằng cách tận dụng dữ liệu người dùng, nhà bán lẻ có thể hiển thị quảng cáo được cá nhân hóa dựa trên hành vi trực tuyến của họ. Phương pháp tiếp cận tập trung đã giúp nắm bắt toàn bộ trải nghiệm của khách hàng, từ đó có cách tiếp cận phù hợp với hành vi mua và báo cáo chính xác hơn về các giao dịch thành công.


(Đồ họa: Tiến Đạt)

Giải trí bằng mua sắm

Theo ông Joshua Koh - Giám đốc Điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Criteo, ngành thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển nhanh nhờ vào sự tăng trưởng người dùng internet và mức thu nhập của người dân. Dự kiến trong ba năm tới sẽ có hơn 10 triệu người mua sắm trực tuyến và mức tăng bình quân 30% mỗi năm sẽ đưa tổng doanh số trực tuyến lên 10 tỷ USD vào năm 2020.

Khảo sát của Criteo cho thấy, 60% số người dùng mạng Việt Nam chọn giải trí trực tuyến bằng cách mua sắm. Năm 2017, tỷ lệ dân số sử dụng internet tại Việt Nam đã hơn 50% và 44% hộ gia đình có điện thoại thông minh là hai dữ liệu quan trọng cho bán hàng trực tuyến phát triển, đặc biệt là cơ hội cho thương mại điện tử trên di động (m-commerce). "Các nhà bán lẻ nên chú tâm đến xu hướng thiết bị di động trong việc tương tác của người dùng để tăng giao dịch trực tuyến thành công", ông khuyến cáo.

Trong số người Việt "nghiện" mua sắm trực tuyến, có 75% cho biết thích mua sắm trực tuyến, 15% chuyên đi săn các món hàng giảm giá, 30% chỉ tìm sản phẩm đúng nhu cầu, chỉ 23% có tính toán, so sánh giá giữa những nơi bán hàng khác nhau. Ba lý do chung nhất để người Việt chọn mua sắm trực tuyến là tiện lợi, dễ tiếp cận và giá cả, trong đó 62% cho rằng mua sắm trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, 55% thấy thuận tiện vì có thể mua bất kỳ lúc nào.

Một xu hướng mà các nhà bán lẻ cần đặc biệt lưu ý là thương mại điện tử trên di động sẽ là "mặt trận" tiếp theo của ngành bán lẻ. Bán lẻ trên mạng di động hiện cạnh tranh với các cửa hàng truyền thống về giá cả và tính đa dạng, nhưng cũng đem lại cơ hội hòa nhập nhiều kênh để lưu giữ khách hàng. Các ứng dụng mua sắm đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam với một số nhà vận hành thương mại điện tử chính như Lazada, Zalora, Tiki..., nhưng giao dịch C2C vẫn còn hạn chế (hiện giao dịch C2C chủ yếu qua kênh Facebook), xu hướng sắp tới sẽ là cơ hội cho các ứng dụng giao dịch C2C (như Shoppee) có thể phát triển.

Sự tăng trưởng của bán hàng trực tuyến đã thúc đẩy các ứng dụng tiếp thị nền tảng phát triển, Criteo đang có khoảng 16.000 đối tác toàn cầu kết nối dữ liệu đến khoảng 1,2 tỷ người mua sắm toàn cầu, nhưng chỉ riêng quý II năm nay họ đã có thêm 950 đối tác mới. Ông Joshua Koh nhận định, các dữ liệu thị trường Việt Nam cho thấy việc xây dựng và duy trì độ tin cậy nơi người tiêu dùng vẫn là một thách thức trong hoạt động bán lẻ trực tuyến, bởi người  tiêu dùng hiện vẫn mang nặng tâm lý cho rằng sản phẩm chất lượng kém, quảng cáo không đúng sự thật hay lừa đảo.

DiaOcOnline.vn - Theo DNSG