Top

Thương hiệu “gọi tên” người tiêu dùng

Cập nhật 20/07/2017 10:20

Mục đích của tiếp thị “cá nhân hóa” là kết nối trực tiếp, mang tính cá nhân với mọi người.


Điều này không có nghĩa là một thương hiệu sẽ sáng tạo một chiến dịch quảng cáo xoay quanh một anh chàng thích phở và yêu bóng đá ở Sài Gòn, mà cần phân tích dữ liệu để mỗi thông điệp trở nên cá nhân, trực tiếp như có thể.

Trong một số trường hợp, các công ty tạo nên những thông điệp cá nhân hóa được chuyển đến người tiêu dùng qua email. Chẳng hạn, Amazon sử dụng hình thức tiếp thị này mỗi khi họ gửi cho ai đó một email có bao gồm sản phẩm mà người này đã xem trước đó.

Tiếp thị cá nhân hóa có thể đơn giản như đưa tên riêng của khách hàng vào mỗi email mà họ nhận được. Tuy nhiên, nếu như bạn đang xây dựng một chiến dịch tiếp thị rộng hơn, cách tiếp cận cá nhân hóa cần được thay đổi để tạo được sức hấp dẫn cá nhân và lan rộng.

Làm cách nào một công ty có thể chạm đến người tiêu dùng ở góc độ cá nhân và cùng lúc đến với hàng triệu người chỉ với một thông điệp tiếp thị? Coca-Cola là thương hiệu mang lại một trong những ví dụ xuất sắc nhất về tiếp thị cá nhân hóa với chiến dịch “Share a Coke”. Công ty này đã in hàng ngàn tên riêng lên sản phẩm của họ và đã tạo nên sự thành công lớn tại nhiều thị trường.

Chiến dịch không chỉ đưa mỗi cá nhân cùng tham gia vào quá trình, cùng phấn khích khi tìm kiếm tên của họ mà cũng giúp cho Coca-Cola sử dụng một cách tiếp cận marketing đặc biệt và rộng khắp.

Ở một phạm vi rộng, từ “bạn” là nói với mọi người; tuy nhiên, mỗi người có thể cảm thấy như Coca-Cola đang nói trực tiếp với họ khi tìm thấy tên của mình trên một chai Coca-Cola được cá nhân hóa.

Chiến dịch của Coca-Cola đã thành công lớn một phần nhờ sức hút của việc tìm ra chai nước đặc biệt và đăng tải hình ảnh “selfie” lên mạng xã hội. Cho đến nay, “selfie” là một trong những cách tốt nhất để gắn kết mọi người vào thông điệp của bạn.

Sau hết, bạn có thể “nhờ” người tiêu dùng quảng cáo cho thương hiệu thông qua đăng tải hình ảnh selfie cùng với sản phẩm. Bằng cách này, họ đang sáng tạo một thông điệp cá nhân cho chính họ, cho bạn bè, người thân của họ, đồng thời qua đó đẩy mạnh khả năng giới thiệu sản phẩm từ góc độ cá nhân.

Một cách khả thi khác để “lôi kéo” người tiêu dùng tham gia vào các nỗ lực tiếp thị của bạn là khuyến khích tạo nên các đoạn video và đăng tải chúng. Công ty của bạn có thể chọn những video hay nhất và chia sẻ chúng để lan rộng thông điệp đến nhiều khán giả hơn.

Mới đây, tỉ phú Elon Musk – nhà sáng lập hãng Tesla Motors đã đón nhận lời khuyên này từ Bria Loveday, một cô bé 10 tuổi và đang học lớp năm tại bang Michigan, Mỹ. Tesla đã tổ chức một cuộc thi để khách hàng và người hâm mộ tự sáng tạo các đoạn phim quảng cáo cho thương hiệu này.

Dự án có tên “Loveday” (đặt theo tên họ của cô bé Bria) này là một hình thức “win-win” vì nó làm nóng lên không khí của cộng đồng yêu thích thương hiệu và đồng thời Tesla có được “quảng cáo miễn phí”.

Dù đó là một chiến dịch hay đơn giản chỉ là gửi thư điện tử có tên riêng của người nhận, điều quan trọng là cần nói chuyện trực tiếp với mỗi người tiêu dùng. Theo Kissmetrics (một nền tảng ứng dụng phân tích hành vi và gắn kết với người tiêu dùng), các cuộc khảo sát cho thấy một việc rất đơn giản như đưa tên người tiêu dùng vào dòng chủ đề của một bức thư điện tử cũng giúp tăng tỷ lệ mở thư lên 42%.

Thêm một thông tin nữa là 74% người dùng internet cho biết họ cảm thấy khó chịu khi nội dung của các trang web không thích hợp với sự quan tâm và nhu cầu của họ. Đó cũng là một lý do vì sao tiếp thị kết nối trực tiếp, gắn kết với cá nhân người tiêu dùng là một cách tiếp cận phù hợp.

DiaOcOnline.vn - Theo DNSGCT