Top

Kinh doanh kiểu “tay không bắt giặc”

Cập nhật 03/01/2014 13:05

Không mặt bằng, rất ít vốn nhưng nhiều bạn trẻ, sinh viên đã biết tận dụng internet, chợ phiên làm công cụ hỗ trợ cho việc kinh doanh của mình. Đặc biệt là trong lĩnh vực đồ thủ công.


Ngọc đang làm album

Xoay xở khi không vốn

10 giờ sáng, ngồi bên quầy hàng của mình trong một con hẻm nhỏ trên đường Thành Thái, quận 10, TP.HCM, anh chàng Bùi Hoàng Tân, 23 tuổi – sinh viên năm cuối đại học Bách khoa đang chăm chú bấm từng lỗ nhỏ, xỏ từng cọng chỉ cho những chiếc ví da cuối cùng mà chúng sắp được trao tay cho vị khách lạ.

“Đơn hàng 50 cái ví này em nhận làm từ một chị bán hàng ở Sài Gòn Square, phải giao hàng trong sáng nay. Một tháng chị ấy ghé chỗ em một lần, có mẫu nào em vừa thiết kế mới là chị ấy đặt hàng ngay”, Tân tươi cười nói. Quầy hàng của Tân được bày biện ở một góc trên một căn gác gỗ chừng 12m2, đó vừa là chỗ kinh doanh vừa là chỗ ở của Tân và bốn người bạn.

Ba năm trước, khi trào lưu làm đồ handmade bắt đầu rộ lên, Tân vừa học vừa tự mày mò, sáng tạo ra những sản phẩm có thể bán được, để kiếm tiền chi trả học phí. “Nhưng thời điểm đó lại không có vốn, nên phải tự kiếm những vật liệu đơn giản nhất, rẻ tiền nhất làm thử rồi rao bán (facebook.com/vuong.shop.2013)”, Tân nói.

Đối với Nhung Ngọc, sinh năm 1990 vừa tốt nghiệp đại học Mỹ thuật, Ngọc mạnh dạn nhảy vào kinh doanh đồ thủ công. Gian hàng nhỏ xinh của Ngọc thuê lại, được trang hoàng tươm tất với cái tên Fairy Corner, nằm trên lầu 3 trong căn nhà không quá lớn ở đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5. Cửa hàng rộng trên 10m2 vừa là nơi bán vừa là nơi sản xuất. Nếu không biết địa chỉ này từ facebook.com/fairycornerdecor, khó có ai nhận ra rằng tại đây có bán những món đồ thủ công.

Kết hợp chợ phiên

Cũng như nhiều bạn trẻ khác, công cụ kinh doanh đầu tiên của Ngọc là trên mạng. Ban đầu ít người biết, nhưng sau khoảng sáu tháng thì số người “like” tăng dần, đơn đặt hàng đến ngày càng nhiều. Đến nay thì trang Facebook của Ngọc đã có 3.700 người like.

Ngọc cho biết “Face shop thật sự hiệu quả đối với những người mới khởi nghiệp, ít vốn. Nó cũng là một kênh giúp trao đổi trực tiếp nắm bắt nhu cầu, góp ý của khách hàng thông qua các comment khen chê, bình phẩm…”. Để hoạt động hiệu quả, cần phải làm mới thường xuyên, up các sản phẩm mới, viết bài, theo dõi và trả lời khách hàng cả ngày lẫn đêm.

Để hỗ trợ cho nhau, những “tiểu thương” chợ mạng đã bắt tay tổ chức phiên chợ “thật” hàng tháng với mục đích vừa “nuôi lửa” cho nhau, vừa kiếm thêm khách hàng. Chợ ở đây được một người đứng ra điều hành, các tiểu thương muốn tham gia thì đóng hoa chi để đăng ký sạp.

“Phiên chợ thật giúp chúng tôi quảng bá được sản phẩm của mình, khách tìm đến sẽ hiểu thêm về sản phẩm qua “tay sờ, mắt thấy”, thay vì chỉ được ngắm sản phẩm”, một tiểu thương tham gia chợ nói.

Gần kề đó, An – cô chủ nhỏ của trang facebook.com/doris.nest cho biết: “Đây là năm thứ hai em tham gia chợ phiên Saigon Flea Market (chợ chỉ dành riêng cho những hàng thủ công), phiên chợ diễn ra một ngày duy nhất trong tháng nhưng số lượng hàng bán được một ngày bằng một tháng bán trên mạng”. Giá thuê chỗ bán từ 600.000 – 800.000đ/ngày.

Để giành được một sạp ở phiên chợ này, sản phẩm sẽ phải qua khâu kiểm duyệt, đạt được tiêu chí “chất”, mới toanh, không phải hàng nhái, hàng giả, mọi thứ phải được làm bằng tay, tự sáng tạo…

Sản phẩm sáng tạo

Tay chỉ những sản phẩm in những dòng chữ “Không lộn xộn”, “I am single”, “T love mom”, “you made me happy”… được cách điệu trang trí trên áo, túi xách, Tân kể với giọng hài hước: “Đây là những sản phẩm số ít còn sót lại trong vô vàn số lớn sản phẩm bán ra. Trên dưới 20.000 cái logo đủ loại màu sắc, hình thù như thế này đã được bỏ sỉ trong vòng ba năm qua”.

Với Tân, những túi xách bằng vải bố được thiết kế nhiều kiểu, hoạ tiết, kích cỡ khác nhau chỉ nhằm phong phú thêm cho quầy hàng. Sản phẩm da vẫn là vật liệu chính Tân chọn để tạo thương hiệu riêng cho mình với những sản phẩm như ví, bao điện thoại, iPad, túi xách đủ loại kích cỡ...

Hầu hết sản phẩm thủ công là đáp ứng nhu cầu trang trí, thích hàng “độc” hoặc làm quà tặng cho bạn bè của những người yêu nghệ thuật. Khác với Tân, “bà chủ” Ngọc, chỉ tập trung vào sản phẩm làm từ giấy như album ảnh, sổ tay, bookmark (những tấm kẹp sách). Nhờ có phong cách riêng mà những album của Ngọc có giá bán từ 600.000 – 1.500.000đ vẫn có khách hàng tìm đến.

“Sản phẩm của em lấy công làm lời. Một quyển album có khi làm cả ngày vẫn chưa xong. Khách chủ yếu trên mạng và khách mua sỉ. Hiện cũng có nhiều cửa hàng lớn đặt hàng nên hầu như em sản xuất không kịp”, Ngọc tiết lộ.

Các “doanh nhân” đều có chung nhận định: dù hiện tại cạnh tranh không lớn, nhưng nếu không sáng tạo liên tục, sẽ mất khách. Bên cạnh lợi nhuận là những nhận xét của khách hàng như “ôi, thích quá, mua thêm cái nữa…” cũng tạo thêm động lực cho họ sáng tạo.

DiaOcOnline.vn - Theo SGTT