Bí quyết để làm nên tên tuổi Gucci chính là tìm ra còn đường để phát triển thời trang thành nghệ thuật phục vụ cho nhu cầu sử dụng của con người. Gucci không chỉ giữ bản sắc truyền thống mà vẫn luôn được coi là hợp thời, đơn gian mà thành sang trọng, độc đáo mà không bị coi là dị biệt.
Vạn sự khởi đầu nan
Khởi thủy của hãng thời trang này chỉ là một cửa hiệu đồ da nhỏ ở thành phố Florence (Italia) của một thương gia và đồng thời là một nhà thiết kế tên là Guccio Gucci. Hàng hóa được làm và bán ra chủ yếu là yên ngựa và những vật dụng dùng khi cưỡi ngựa. Guccio Gucci sinh năm 1881 ở Florence. Cha ông là thợ thủ công đồ da. Cửa hiệu nói trên được Guccio Gucci thành lập năm 1906. Chỉ thời gian ngắn sau, Guccio Gucci sang Paris và London làm thuê trong khách sạn.
Chính hai nơi này đã đưa Guccio Gucci đến với thế giới thời trang. Tại hai kinh đô của thế giới thời trang thưở ấy, Guccio Gucci đã nhận ra bản chất đặc thù của thế giới thời trang là phục vụ cho cái đẹp của con người nhưng đồng thời cũng còn dẫn dắt con người đến với cái đẹp mà thời trang có thể sáng tạo ra. Guccio Gucci nhận ra tiêu chí thành công trong thế giới thời trang là cái đẹp và sáng tạo, sự hài hòa giữa vật dụng và con người trong từng bối cảnh.
Điều khiến Guccio Gucci tâm đắc là nhận thức rằng thế giới thời trang không chỉ có dư địa để tung hoành về sáng tạo nghệ thuật, mà còn ẩn chứa cơ hội kinh doanh vô hạn bởi nhu cầu về thời trang của con người là không giới hạn. 14 năm sau, Guccio Gucci trở về Florence và mở cửa hàng mới, nhưng không phải để bán sản phẩm của nhà sản xuất khác, mà để giới thiệu và bán những thành quả sáng tạo nghệ thuật của chính mình. Cũng vẫn là hàng đồ da phục vụ cho cưỡi ngựa, nhưng do chính Guccio Gucci thiết kế và được sản xuất ra tại ngay chính trong công xưởng của ông.
Nhưng đó chỉ là những sản phẩm ban đầu làm nền cho chiến lược kinh doanh mới. Trong những tháng ngày lưu lạc tại Paris và London, Guccio Gucci làm quen với phong cách sống của giới thượng lưu trong xã hội, nhận biết nhu cầu của tầng lớp giàu sang phú quý, hiểu biết quan điểm và mong muốn của họ về cái đẹp. Cưỡi ngựa và đi du lịch là mốt thời thượng của giới thượng lưu. Cái mà họ cần không chỉ là vật dụng cho cưỡi ngựa, mà còn cả túi sách và vali cho các chuyến đi. Cái mà họ thích là tất cả đồng bộ, cùng có ký hiệu của một thương hiệu, từ yên ngựa đến dây cương, từ khăn quàng đến giày ủng, từ túi xách tay đến vali, từ túi đựng đồ đến găng tay, mũ áo và cả những đồ trang sức phù hợp cho cưỡi ngựa và đi du lịch. Gucci là hãng đầu tiên đáp ứng nhu cầu và mong muốn “tất cả trong một” đó.
Guccio Gucci chuyên về đồ da, sử dụng những thợ thủ công lành nghề và chuyên nghiệp nhất. Phương châm kinh doanh của Gucci là muốn bán được sản phẩm với giá cao thì mỗi sản phẩm của Gucci phải là một tác phẩm nghệ thuật. Cho nên sáng tạo nghệ thuật và chất lượng sản phẩm thể hiện ở vẻ đẹp hài hòa mà không lòe loẹt, sang trọng lịch thiệp mà không bị coi là xa xỉ phô trương. Ba màu sắc “xanh, đỏ, xanh” gắn với thương hiệu này cũng có nguồn gốc từ thời ấy. Gucci nổi danh như cồn nhờ định hướng chiến lược thiết kế và kinh doanh này.
Muốn bán được sản phẩm với giá cao thì mỗi sản phẩm của Gucci phải là một tác phẩm nghệ thuật. |
Từ Florence, Guccio Gucci mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh ra khắp Italia, trước tiên là Roma và từ đó chinh phục kinh đô thời trang của Italia là Milano. Đầu thập kỷ 50, Gucci vươn sang nước Mỹ và nhanh chóng trở thành thương hiệu Italia nổi tiếng nhất ở đây. Guccio Gucci mất năm 1953. Ba người con trai kế tục sự nghiệp của cha, trung thành với ý tưởng và định hướng kinh doanh của người cha. Năm 1982, Gucci trở thành một công ty cổ phần. Thời gian từ năm 1988 đến 1995 là thời kỳ đen tối trong lịch sử hãng thời trang này với việc một tập đoàn đầu tư ở Bahrein mua một nửa cổ phần của Gucci và năm 1993 thậm chí còn điều hành công ty, chấm dứt thời kỳ chỉ có người trong dòng họ Gucci quản lý và điều hành công ty. Năm 1995, người cháu của Guccio Gucci là Maurizio Gucci, người đã từng đứng mũi chịu sào cho công ty trong nhiều năm, bị bắn chết. Bất đồng quan điểm và tranh chấp tài sản trong gia đình đã làm tổn hại đến thanh danh của thương hiệu này.
Bí quyết thành công
Có ba bí quyết thành công giúp Gucci trở thành thương hiệu nổi tiếng và đắt giá thuộc loại hàng đầu trong thế giới thời trang. Bí quyết đầu tiên chính là tính đồng bộ trong sáng tạo sản phẩm. Tính đồng bộ này được coi là công lao lớn nhất của Guccio Gucci. Các loại sản phẩm của Gucci đều luôn hài hòa khi được sử dụng cùng với nhau, bất kể vào thời điểm nào trong ngày, mùa nào trong năm và bối cảnh sử dụng chúng. Chúng là vật dụng riêng biệt, với giá trị sử dụng và công năng riêng rẽ khác nhau mà lại bổ sung cho nhau và cùng tôn vinh thương hiệu. Hầu như không có thương hiệu thời trang nào trên thế giới cạnh tranh nổi với Gucci về tính đồng bộ đó. Bí quyết thành công thứ hai của Gucci là đã biến sản phẩm mang thương hiệu này trở thành vật dụng đồng hành không thể thiếu đối với những ai muốn được coi là sành điệu về thời trang và giới thượng lưu. Đối tượng mà Gucci nhằm chinh phục là những người không coi trọng tiện ích của vật dụng bằng cảm giác được sở hữu thương hiệu. Cho nên mới nói Gucci thôi miên lý trí chính vì thế.
Bí quyết thành công thứ ba của Gucci là tuy mang tính nghệ thuật hiện đại nhưng lại luôn trên nền tảng truyền thống. Sản phẩm của Gucci đều như thể hiện được cả quá trình thay đổi theo thời gian, trong cái mới đấy vẫn hiện diện cái gốc rễ từ xa xưa. Nó làm cho sản phẩm thời trang mà lại không bị nhanh chóng lỗi thời. Logo của thương hiệu này rất đơn giản mà ẩn chứa đầy hàm ý sâu xa và thông điệp nối quá khứ với tương lai.
Từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, hai chữ cái GG được sử dụng chính thức làm biểu tượng cho thương hiệu. Chúng được xếp đặt theo nhiều cách khác nhau và rồi cuối cùng đọng lại ở hình ảnh hai chữ cái này lồng vào nhau. Có người nói rằng việc lồng ghép theo kiểu quay mặt chữ cái vào nhau đó hàm ý chỉ có Gucci mới làm ra được những sản phẩm thời trang như Gucci, và thế giới thời trang dù rồi đây còn biến động như thế nào cũng như cảm nhận của con người về thời trang rồi đây còn thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì rồi tất cả cũng sẽ lại trở về với Gucci.
Cách lý giải này xem ra cũng có lý bởi một khi lý trí đã bị thôi miên rồi thì tâm lý và hành động của con người sẽ bị những gì mà họ yêu thích, khao khát và sùng bái dẫn dắt - như những sản phẩm của Gucci.
DiaOcOnline.vn - Theo Bản Sắc Thương Hiệu
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: