Top

Xén dải phân cách vành đai 3 cần hàng chục tỷ?

Cập nhật 05/02/2018 15:40

Kinh phí mà ngành giao thông Hà Nội đề xuất để xén hơn 6km dải phân cách dọc tuyến vành đai 3 gần 70 tỷ đồng.

Sở GTVT Hà Nội đề xuất UBND TP Hà Nội xén vành đai 3 đoạn từ cầu Dậu tới nút giao Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi và đoạn từ nút giao Nguyễn Trãi-Trần Duy Hưng tới nút giao Mai Dịch.

Việc xén dải phân cách được chia thành 3 đoạn: Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường vành đai 3 đoạn từ Cầu Dậu đến nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến; Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường vành đai 3 đoạn từ nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đến nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng và Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường vành đai 3 đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng đến nút giao Mai Dịch.

Theo đề xuất, chiều dài đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến-Trần Duy Hưng đến nút giao Mai  Dịch dài 3,2km, cần gần 37 tỷ đồng. Còn đoạn từ cầu Dậu đến nút giao Khuất Duy Tiến- Nguyễn Trãi dài 3,16km cần hơn 31,5 tỷ đồng.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án xén dải phân cách giữa đường vành đai 3 đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi tới nút giao Khuất Duy Tiến-Trần Duy Hưng có chiều dài 1,89km với kinh phí hơn 12 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, số kinh phí để xén dải phân cách, mở rộng đường vành đai 3 dưới thấp là quá lớn.

Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia ngành giao thông khẳng định, việc xén dải phân cách là giải pháp tình thế nhưng cần thiết trong bối cảnh đường Hà Nội hẹp,  mật độ giao thông tăng, nhà cao tầng đua nhau mọc lên, vì thế không có cách nào khác là phải xén b ớt vỉa hè, dải phân cách.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông cũng chỉ cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn tới giải pháp này chính là do sự yếu kém trong tầm nhìn, quy hoạch.

"Đáng lý ra những con đường đó phải làm rộng hơn, nhưng bởi tầm nhìn kém nên người ta cứ nghĩ rằng đường như vậy là đủ rộng. Ngoài ra, lợi ích nhóm, tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện - có thể khi quy hoạch thì đường rộng nhưng khi làm thì người ta lại xén bớt đi.

Tôi đi nhiều nước, thấy đường trung tâm của họ rất rộn, có những đường 50m, thậm chí 70-80m, có cảm giác người đi đường đi giữa công viên bởi cây xanh rất nhiều, đường rất rộng nên không ùn tắc", TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Đường vành đai 3 thường xuyên bị ùn tắc. Ảnh: VnExpress


Về chi phí xén dải phân cách trên đường vành đai 3, để biết chính xác, theo vị chuyên gia, cần nắm được tổng chi phí thành phần là bao nhiêu nhưng chắc chắn cũng không hề rẻ nếu như tuân thủ đầy đủ các quy trình kỹ thuật mà Việt Nam đã duyệt.

"Khi xén dải phân cách như vậy tức là gần như phải làm lại đường. Đất ở dải phân cách thường để trồng cây, trồng hoa, phía dưới có thể chưa có lớp đệm, lớp móng nào.

Do đó, bên thi công sẽ phải đào sâu, đảm bảo từng lớp, từng lớp một rồi lu lèn, thực hiện đầy đủ các bước kỹ thuật để chống thấm, tăng móng, xử lý đất yếu, đảm bảo độ bền theo tải trọng... theo đúng quy trình Việt Nam đã duyệt", TS Nguyễn Xuân Thủy giải thích.

Ông lưu ý rằng, phải xem xét xem trong trường hợp TP duyệt dự án với chi phí như vậy thì số tiền đó có được dùng hết để mua vật tư tư hay không.

"Thực ra khi tuyên bố tổng mức kinh phí dự kiến, người ta sẽ đưa ra con số tương đối sát vì không ai dại gì nói vống lên. Nhưng quan trọng là trong quá trình thực hiện dự án phải giám sát chất lượng, công nghệ, thời gian và chi phí", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ, Đại học GTVT cũng cho rằng, dải phân cách đó trên đường vành đai 3 trước đây để bảo vệ trụ cầu và để đảm bảo ô tô không đi vào phía dưới gầm cầu. Nếu chứng minh rằng cái đó đủ tĩnh không, tức đủ chiều cao thì hoàn toàn có thể mở.

Theo ông, việc xén dải phân cách tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra mất khá nhiều công đoạn và chi phí tốn kém.

"Khi xén dải phân cách không phải chỉ bó vỉa vào bên trong là thêm được một làn đường. Nó có khó khăn là phải làm lại toàn bộ kết cấu mặt đường. Chưa kể, có thể còn phải di dời các công trình ngầm. Trước đây, khi là dải phân cách thì người ta có thể đặt công trình nằm dưới như thoát nước, điện..., giờ thành đường thì phải di dời vào trong.

Giống như đường Nguyễn Chí Thanh xén dải phân cách cũng phải làm lại mặt đường, cái đó còn tốn hơn là làm ban đầu bởi điều kiện khó khăn hơn, chật hẹp hơn, giao thông tấp nập hơn..., những cái đó đẩy giá thành lên cao.

Tóm lại, đắt hay rẻ thì người ta vẫn phải xây dựng dự toán và phải qua rất nhiều cấp phê duyệt mới làm được", PGS Toản nói.

Trước đó, nói về số kinh phí để xén dải phân cách trên đường vành đai 3, một số tờ báo dẫn lời đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT đã rà soát đầy đủ các chi phí quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng đồng thời không tính chi phí kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo ý kiến của Sở Tài chính.



DiaOcOnline.vn – Theo Đất Việt