Top

Toàn cảnh 2 dự án kênh mương vi phạm pháp luật nghiêm trọng ở Hà Nội

Cập nhật 05/02/2018 15:17

Vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai suốt chục năm, các công trình trên 2 tuyến mương Nghĩa Đô và Phan Kế Bính vẫn tồn tại. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu xử lý vụ việc trước 1/4.

Hơn 20.000 m2 đất công giữa thủ đô bị 'xẻ thịt' như thế nào? Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo thu hồi quyết định cho thuê đất, "sổ đỏ" tại hai dự án vi phạm là mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô.

Cuối năm 2007, dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) được Công ty cổ phần đầu tư Xây lắp Thương mại và Dịch vụ (Công ty Thương mại và Dịch vụ) thuê có thời hạn 50 năm, với diện tích rộng hơn 14.000 m2 để thực hiện kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình dịch vụ phụ trợ.


Dự án chạy dọc đường Nguyễn Khánh Toàn (vạch đỏ). Ảnh: Google Maps.


Theo mục tiêu đặt ra, nơi đây sẽ trông giữ trung bình gần 200 ôtô và khoảng 200 xe máy cho người dân.


Tuy nhiên, với vị trí dọc theo mặt tiền đường Nguyễn Khánh Toàn, dự án Cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô nhanh chóng bị "xẻ thịt" và trở thành khu thương mại tấp nập gồm nhiều nhà hàng, quán ăn, beer club, siêu thị, thậm chí cả nhà ở.




Hàng loạt nhà hàng, showroom được xây dựng kiên cố, với diện tích lớn xây dựng trên dự án cống hóa Nghĩa Đô. Đây là trục đường lớn, dân cư nhiều... nên việc buôn bán rất tấp nập. Xe của các cửa hàng còn đậu dài trên vỉa hè, lòng đường, gây ùn tắc giao thông.


Ngày 4/5/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi UBND Hà Nội nêu rõ Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu UBND Hà Nội kiểm tra; làm rõ cơ sở pháp luật cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Nghĩa Đô.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu doanh nghiệp thuê đất nghiêm túc thực hiện phá dỡ ngay các công trình vi phạm.



“Trường hợp công ty không chấp hành, quận Cầy Giấy áp dụng biện pháp cưỡng chế, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Nếu, công ty cố tình không chấp hành thì lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định”, Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại các nhà hàng, bãi gửi xe tự phát... vẫn mọc lên và không có dấu hiệu di dời.


Với vị trí dọc đường Nguyễn Khánh Toàn, tiếp giáp nhiều tuyến đường lớn và sầm uất, nên việc làm ăn, buôn bán... tại đây diễn ra nhộn nhịp.


Dự án cống hóa trên đường Phan Kế Bính (vạch đỏ). Ảnh: Google Maps.



Hệ thống cống hóa Phan Kế Bính (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng chung tình trạng. Bãi đỗ xe không phép và kinh doanh nhà hàng mọc lên dày đặc. Chủ đầu tư được thành phố giao làm dự án cống hóa này là Công ty Cổ phần Đa quốc gia.


Năm 2008, công ty này  được UBND Hà Nội cho thuê lại đất ở dự án cống hóa mương Phan Kế Bính với thời hạn 20 năm. Diện tích hơn 6.000 m2 với giá thuê chỉ hơn 165.000 đồng/m2. Hiện, dự án được doanh nghiệp “chia năm xẻ bảy” cho thuê lại.

Nhà hàng xây kiên cố nằm ngay đầu đường Phan Kế Bính, trên dự án cống hóa. Đi sâu vào bên trong là các quán cà phê, nhà hàng, siêu thị, trường học, tắm onsen...


Tháng 12/2017, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ rõ vi phạm trong việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng, sử dụng các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô.


Một bãi gửi xe tự phát mọc lên trên dự án cống hóa Phan Kế Bính. Khu vực này có thể chứa trên 50 ôtô.



Phố Phan Kế Bính vốn nhỏ hẹp, nay thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm do áp lực giao thông trên phố này tăng cao, khách tấp nập ra vào sử dụng dịch vụ trên khu đất cống hóa mương.

Phó thủ tướng yêu cầu thu hồi sổ đỏ, hợp đồng cho thuê đất và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm ở 2 dự án này, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/4/2018.


Trụ sở công ty Cổ Phần Đa Quốc Gia nằm trên đường Phan Kế Bính cũng được cho thuê mở quán cà phê.


Xẻ đất công kinh doanh hải sản, bia hơi Chủ đầu tư dự án cống hóa mương Phan Kế Bính (Ba Đình, Hà Nội) đã chia bãi đỗ xe thành nhiều mảnh rồi cho các doanh nghiệp thuê làm nơi kinh doanh nhà hàng, cà phê, trường học...
Kết luận của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ mương thoát nước là đất xây dựng công trình công cộng, thuộc trường hợp Nhà nước giao để quản lý mà không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vì vậy, việc UBND Hà Nội ra quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (thời hạn 20 năm), mương thoát nước Nghĩa Đô (thời hạn 50 năm) cho doanh nghiệp với hình thức sử dụng riêng, trong đó, mương thoát nước Phan Kế Bính đã được quy hoạch sử dụng để mở rộng đường Phan Kế Bính là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và quy hoạch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được thuê đất mương thoát nước để "cống hóa" làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ nhưng phần lớn diện tích đất mương sau khi "cống hóa" lại được cho thuê xây dựng showroom, văn phòng, nhà hàng. Một phần diện tích bị chuyển nhượng, diện tích đất dành cho trồng cây xanh lại sử dụng làm sân bê tông là sử dụng đất sai mục đích, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và xây dựng.

DiaOcOnline.vn – Theo Zing.vn