Với việc “mở hàng” năm mới bằng thương vụ lớn, cùng hiệu ứng tích cực từ năm 2017 và những thuận lợi về chính sách, năm 2018 được kỳ vọng sẽ là mùa vàng mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản.
2 tỷ USD M&A bất động sản
Theo thống kê của CBRE, năm 2017 được xem là một năm sôi động của M&A, giá trị M&A trên thị trường bất động sản đạt khoảng 2 tỷ USD. Đáng chú ý là, quỹ đầu tư Warburg Pincus thành lập liên doanh với VinaCapital có quy mô 300 triệu USD và ngay sau đó thâu tóm công ty quản lý khách sạn Serenity Holding và mua 50% cổ phần trong khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội. Warburg cũng thành lập liên doanh với Tổng công ty Phát triển công nghiệp Becamex để đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp và dịch vụ logistics với quy mô vốn 200 triệu USD.
Năm 2018 được kỳ vọng sẽ là mùa vàng M&A bất động sản.
|
Năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD. Bất động sản là lĩnh vực kinh doanh đứng thứ 3 về thu hút vốn FDI với vốn đầu tư đăng ký là 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký đầu tư. |
“Thị trường bất động sản trong nước đang ở làn sóng M&A thứ hai kể từ năm 2015 và sẽ tiếp nối sang năm 2018. Thực tế trong 10 năm qua, giá trị M&A năm nào cũng tăng trưởng mạnh”, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Vietnam nhận định.
Theo ông Minh, có 3 vấn đề để M&A bất động sản sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Một là, công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ. Hai là, sự trỗi dậy của nhiều đơn vị tư nhân trong ngành, nhiều doanh nghiệp trong nước thực hiện M&A khá thành công trên thị trường. Ba là, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam, trong đó, TP.HCM luôn là điểm đến được khuyến nghị đầu tư.
Nhận định cơ hội và dư địa để M&A tăng trưởng mạnh trên thị trường bất động sản Việt Nam là rất lớn, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Đầu tư Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL) cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ là động lực chính cho những thương vụ M&A bất động sản thời gian tới, đặc biệt là những đơn vị đến từ khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Singapore…
“Với tốc độ tăng trưởng GDP cùng nhiều chính sách mở rộng từ chính quyền, đặc biệt tỷ suất vốn hóa còn nhiều tiềm năng, nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn muốn đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam”, bà Khanh nhận xét.
Còn theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đã qua giai đoạn thăm dò, tìm kiếm cơ hội tại thị trường và chỉ tham gia ở nhóm bất động sản thương mại thì hiện tại, hoạt động đã diễn ra rất sôi nổi tại phân khúc nhà ở, thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước. Đối với họ, một thị trường hơn 93 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ là một cơ hội vô cùng hấp dẫn.
"Chúng tôi dự đoán, M&A sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2018 với giá trị được kỳ vọng đạt 1,5 - 2 tỷ USD. Các nhà đầu tư chủ yếu sẽ đến từ Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc", bà Bùi Trang, Trưởng bộ phận thị trường của JLL Việt Nam, nhận định.
DiaOcOnline.vn – Theo Đầu Tư Online
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: