Trước đây, khi thị trường sôi động, các chủ đầu tư ra dự án nào là bán hết dự án đó, mà không cần truyền thông, quảng bá nhiều. Các sàn giao dịch bất động sản khi đó cũng được chủ đầu tư lập ra để hợp thức hóa quy định giao dịch bắt buộc qua sàn.
Nhiều dự án trăm tỷ chen nhau "leo" tường rào, gốc cây, cột điện là hình ảnh thường gặp trong cách làm truyền thông của các đơn vị phân phối năm qua - Ảnh: Trọng Hiếu
|
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2011, thị trường căn hộ rơi vào khó khăn, để bán được hàng, các chủ đầu tư đã phải hợp tác với một đơn vị phân phối chuyên nghiệp, có độ phủ thị trường lớn. Đối với những sàn giao dịch, đơn vị môi giới nhỏ, do không được chủ đầu tư tin tưởng, giao phó dự án của mình, nên việc duy trì hoạt động cũng cầm chừng, thậm chí nhiều sàn thua lỗ phải tự giải thể, đóng cửa.
Từ cuối năm 2013, khi thị trường căn hộ có chuyển biến tích cực, đặc biệt một số dự án xuất hiện tiền chênh, đã kích thích nhiều nhà môi giới quay trở lại thị trường.
Sang năm 2014, số lượng nhà môi giới quay lại thị trường lớn dần theo độ nóng của thị trường. Sự xuất hiện trở lại của đội quân này giúp thị trường căn hộ sôi động hơn, thanh khoản tốt hơn và dĩ nhiên, số dự án xuất hiện tiền chênh cũng tăng lên. Tuy nhiên, do thị phần phân phối, chào bán căn hộ đã nằm hết trong tay các đơn vị lớn, nên để có nguồn sản phẩm, các trung tâm môi giới nhỏ thường tìm cách để trở thành đại lý bán hàng, thậm chí là bỏ tiền ra ôm hàng để bán lại kiếm tiền chênh.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một nhà môi giới làm việc tại một sàn giao dịch không mấy tiếng tăm tại khu Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thở dài cho biết, khách hàng hiện nay có xu hướng tìm mua nhà tại các nhà phân phối độc quyền hơn. Đây cũng là tâm lý phổ biến, vì thị trường bất động sản thời gian qua có quá nhiều vụ lừa tiền liên quan đến mua bán nhà qua đơn vị thứ cấp. Thế nhưng, vị đại diện này cho rằng, dù không phải là đơn vị phân phối độc quyền, nhiều sàn giao dịch nhỏ vẫn có nguồn hàng riêng, hoặc làm “chân rết” bán lại cho một đơn vị nào đó.
Do việc bán hàng không “chính danh”, trong khi thị trường dù hồi phục, nhưng không đến nỗi sốt nóng, trong khi việc làm truyền thông lại tốn kém, nên các nhà môi giới này đã nghĩ ra đủ chiêu trò để có thể bán được hàng.
Cụ thể, nhiều đơn vị môi giới tiến hành in một số phướn quảng cáo bán căn hộ và treo trên các gốc cây, hoặc tại một cột điện góc ngã tư đường phố. Giải pháp này sau đó được “nhân bản” rất nhanh, bởi chi phí quảng cáo bán sản phẩm có khi chỉ mất vài triệu đồng, nhưng hàng nghìn người đi đường có thể tiếp cận.
Có lẽ nhận thấy tính hiệu quả của giải pháp quảng cáo này, nên nhiều đơn vị phân phối khác cũng “học theo”, khiến nhiều con phố ở Thủ đô từ giữa năm 2014 đến nay lúc nào cũng tràn ngập banner, phướn quảng cáo thông tin bán nhà.
Thậm chí, để gây được niềm tin của khách hàng, có đơn vị môi giới sau khi nhận bán một số sản phẩm từ đơn vị khác cũng quảng cáo “độc quyền”, hoặc có mối quan hệ với chủ đầu tư, dẫn đến những chuyện bi hài khi chủ đầu tư có phản ứng với chiêu truyền thông của nhà môi giới.
Vụ việc chủ đầu tư Dự án Saphire Palace (quận Thanh Xuân) ra văn bản phủ nhận có quan hệ với CTCP Địa ốc Nhà Vuông mới đây là một ví dụ điển hình. Nhà Vuông dù chỉ nhận bán lại một số sản phẩm căn hộ Dự án Saphire Palace từ nhà đầu tư thứ cấp, nhưng trên một số trang rao mua, bán bất động sản, tên đơn vị này có thể do một số nhân viên tự ý cho xuất hiện với tư cách là “độc quyền” chào bán và có quan hệ với chủ đầu tư, dẫn đến những hiểu lầm từ phía khách hàng…
Trên thị trường, vụ việc trên đến nay vẫn là một “tai nạn” hi hữu của đơn vị môi giới. Thế nhưng trên thực tế, còn nhiều đơn vị môi giới nhỏ lẻ, hay “cò” nhà đất khác vẫn tung đủ chiêu trò để lôi kéo khách hàng, khi nguồn hàng độc quyền hiện nay vốn chỉ nằm trong tay một số ít nhà phân phối lớn.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: