Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cơ cấu nhà ở tại khu vực đô thị chưa hợp lý với tỷ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 1,23% tổng số nhà ở của cả nước. Tỷ lệ hộ dân thuê nhà để ở tại khu vực đô thị mới đạt 14%, thấp hơn nhiều so với số hộ sở hữu nhà ở. Đây là vấn đề lớn đặt ra đối với các đô thị, khi sức ép về dân số ngày một gia tăng.
Tỷ lệ hộ dân thuê nhà để ở tại khu vực đô thị mới đạt 14%, thấp hơn nhiều so với số hộ sở hữu nhà ở. Nguồn: internet |
Bộ Xây dựng cho biết, Hà Nội có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất, nhưng mới đạt tỷ lệ 16,64%. Trong khi đó tại TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ nhà chung cư mới đạt 6,13%. Thực tế này cho thấy, dù chịu sức ép về gia tăng dân số khiến giá bán cũng như giá cho thuê nhà ở tăng mạnh, nhưng người dân ở các đô thị vẫn không mặn mà với việc mua hoặc thuê nhà chung cư, kể cả loại hình nhà ở xã hội vốn được hưởng nhiều ưu đãi. Lý do của hiện tượng này, theo giải thích của Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, nhiều dự án chung cư chưa phù hợp với nhu cầu sống của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội.
Cũng từ những lý do này, theo đại diện Hiệp hội đô thị Việt Nam, việc cần làm hiện nay là khai thác những cách phát triển nhà ở phù hợp với điều kiện của từng đô thị. Thương lượng với chính quyền đô thị để tạm thời chưa thu tiền sử dụng đất hoặc cấp quyền sử dụng đất theo cộng đồng, trên cơ sở đó phát triển nhà ở xã hội theo những mô hình phù hợp với tập quán và điều kiện sống của người dân, đã mang lại những hiệu quả đáng kể. Người dân chỉ phải trả chi phí xây dựng. Chi phí này ở TP. Vinh, Nghệ An chỉ 125 triệu đồng cho 47m2 nhà ở. Tại một số địa phương khác, chi phí còn thấp hơn. Ngoài ra, các phương án xây dựng nhà ở xã hội cũng cần linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực sự của người dân.
Thu hút dân ở các đô thị vào sinh sống tại chung cư là việc cần thiết trong điều kiện dân số cơ học tại các đô thị, nhất là 5 đô thị đặc biệt, tăng rất nhanh. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, điều quan trọng nhất hiện nay là đưa giá bất động sản ở các đô thị - nhất là giá nhà chung cư trở về đúng giá trị thực, hoặc chí ít cũng ở mức giá mà các cư dân đô thị chấp nhận được. Sẽ rất khó có người ở đô thị muốn mua chung cư khi giá bán không rẻ hơn bao nhiêu so với mua nhà mặt đất mà điều kiện không thuận lợi bằng. Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Ngọc Thành thừa nhận: giá bất động sản Việt Nam chưa được xây dựng trên khả năng chi trả thực tế của khách hàng, mà dựa trên kỳ vọng của chủ đầu tư và những người có nhu cầu đầu tư bất động sản để sinh lời, nên khó tiệm cận nhu cầu thực. Vì vậy, khi thị trường trầm lắng mới tạo nên sức ép buộc doanh nghiệp phải giảm giá.
Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã có tờ trình Thủ tướng đề nghị phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc cần phấn đấu đạt khoảng 22m2 sàn mỗi người. Tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án tại các đô thị loại đặc biệt như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đạt trên 80%. Đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc cần đạt khoảng 25m2 sàn mỗi người. Nhà chung cư cần đạt tỷ lệ trên 90%. Trong thời gian tới, cả nước cần xây dựng mới tối thiểu khoảng 10 triệu mét vuông nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị.
DiaOcOnline.vn - Theo Đại biểu Nhân dân
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: