Top

Thị trường nhà đất phía Tây Hà Nội:

“Xả hàng”, hạ giá để bán tháo

Cập nhật 14/06/2010 14:40


Thị trường nhà đất phía tây Hà Nội đã "giảm nhiệt". Ảnh: T.H
Theo nhận định của một số chuyên gia bất động sản, thị trường nhà đất Hà Nội trong 2 tuần gần đây đang có hiện tượng "xả hàng". Trên các phương tiện thông tin đại chúng nhan nhản những mẩu rao bán nhà đất với những chiêu gây sự chú ý như "bán gấp, giá rẻ chưa từng có, đại hạ giá".

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, chưa có dấu hiệu của việc xuống giá nhà chung cư, nhưng giá đất nền, biệt thự tại các dự án phía tây đang biến động theo chiều hướng giảm giá từng ngày. Trong khi thị trường chững lại, nhà đầu tư lại có tâm lý chờ thời cơ để bắt "đáy".

Giao dịch giảm 70%


Ông Phạm Văn Bằng - nhân viên môi giới văn phòng nhà đất trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết, sau cơn sốt tăng giá kỷ lục từ 30-40%, thị trường nhà đất Hà Nội hiện đang chững lại với lượng giao dịch giảm khoảng 70% với tháng trước, nhiều khu vực giá đã giảm đáng kể. Ông Bằng cũng cho biết, suốt từ gần 1 tháng trở lại đây, cả văn phòng ông chưa ai môi giới thành công được bất cứ lô đất nào.

Hiện tượng “xả hàng” rõ nhất phải kể đến đất biệt thự, liền kề của dự án khu đô thị mới Lê Trọng Tấn do Cty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội - Geleximco làm chủ đầu tư. Đây là một trong số các dự án bất động sản được giới đầu tư săn lùng và thuộc dạng “hàng hiếm” trong một, vài tháng qua. Tuy nhiên, đến nay chỉ cần tìm kiếm trên mạng hoặc qua các văn phòng nhà đất khách hàng có thể thoả mái lựa chọn cho mình những lô đất phù hợp với nhu cầu của mình với mức giá giảm khoảng 3-4 triệu đồng/m2 so với 1 tháng trước.

Chị Hồng Anh - nhân viên Ngân hàng Viettinbank cho biết, chị đã đi “săn” đất của dự án này từ mấy tháng nay nên nắm rõ việc giá cả lên xuống của dự án này. Nếu như trong một tháng trước, giá đất tuỳ thuộc từng vị trí vào khoảng 37-39 triệu đồng/m2 thì đến nay những lô như vậy giá chỉ còn khoảng 34-35 triệu đồng/m2, thậm chí thấp hơn.

“Tôi cho rằng, giá đất khu vực này đang cao một cách vô lý. Mặc dù hiện nay giá đã xuống, nhưng tôi vẫn chưa mua mà chờ đợi khi thị trường nhà đất khu vực này về với giá trị thực của nó tôi sẽ mua vào”, chị Hồng Anh khẳng định.

Tương tự, giá đất tại các dự án Vân Canh (do HUD làm chủ đầu tư), Kim Chung - Di Trạch (do Vietracimex - Cty cổ phần thương mại thuộc Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư, dự án Bắc và Nam An Khánh, khu đô thị Dương Nội... cũng đang được nhiều văn phòng nhà đất rao bán với giá cả không còn cao ngất ngưởng như trước nữa.

Đáng chú ý, hiện tượng kẻ bán, người mua bán tấp nập đất làng khu vực phía tây tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai hiện không còn nữa. Theo nhận định của giới đầu tư, một thời gian không lâu nữa, sẽ không ít người “ngậm quả đắng” khi trót “xuống tiền” mua đất những khu vực này.

Thông tin sai sự thật để đầu cơ sẽ chuyển cơ quan điều tra


Theo nhận định của giới kinh doanh bất động sản, hiện tượng “xả hàng”, hạ giá để bán tháo đang tiềm ẩn khả năng “tan bong bóng xàphòng”. “Giá đất khu vực phía tây nói chung, trên địa bàn Hà Nội nói riêng đã bị đẩy lên quá cao. Khi giao dịch chững lại, thì giới đầu cơ buộc phải bán hàng ra. Hiện nay, để tránh rủi ro, rất ít nhà đầu tư dám mua hàng vào. Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi những định hướng rõ ràng về thông tin quy hoạch sau khi được đưa ra bàn luận tại kỳ họp Quốc hội” - ông Lê Quốc Cường - Giám đốc văn phòng địa ốc tại khu đô thị Văn Quán khẳng định.

Ngoài ra, thời gian gần đây Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra tình hình tăng giá đất nóng ở Hà Nội, Bộ Xây dựng cũng bàn bạc để đưa ra giải pháp hạ nhiệt cơn sốt, các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội cũng vào cuộc cảnh báo tình trạng sốt ảo, kích giá cũng phần nào tác động đến tâm lý người dân.

Cuối tuần qua, trước tình trạng giá đất tăng “nóng” một cách bất thường UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý những giao dịch sai quy định. Theo nhận định của UBND TP, giao dịch chuyển nhượng đất ở, đất chuyên dùng, đất nông nghiệp đã tăng đột biến ở một số huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Ba Vì, thị xã Sơn Tây...

Nguyên nhân chủ yếu là người đầu tư đã lợi dụng thông tin đang được thảo luận về quy hoạch chung thủ đô để tạo nhu cầu ảo, đẩy giá tăng cao. Thực tế, Nhà nước chưa thông qua quy hoạch, chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Nhiều dự án dù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cũng đang phải rà soát, điều chỉnh nên việc xây dựng mới ở nhiều dự án nguy cơ dừng lại.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường thanh tra đột xuất công tác quản lý đất đai tại một số phường, xã, thị trấn thuộc các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Ba Vì, thị xã Sơn Tây..., báo cáo kết quả về UBND TP trong tháng 7.

Bên cạnh đó, UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, khai thác sử dụng đất của các đơn vị, tổ chức cá nhân, nhất là chuyển nhượng trái pháp luật. Các trường hợp thông tin sai sự thật để đầu cơ đất đai sẽ phải chuyển cơ quan điều tra xử lý.

Đối với các quận, huyện, phường, xã UBND TP chỉ đạo chỉ làm thủ tục chuyển nhượng các thửa đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi GPMB, với những người dân mua đất nông nghiệp song không canh tác sẽ không được hỗ trợ, mà chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp mà UBND TP ban hành hằng năm.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động