Top

Bong bóng bất động sản xì hơi, “cò đất” chới với

Cập nhật 14/06/2010 10:40

Dày đặc 2 bên con đường liên xã dài hun hút là những tấm bảng “trung tâm BĐS” cũ có, mới có. Nhưng tịnh không có bóng khách vãng lai, chỉ còn lại vài ba tay “cò” ngồi tụm lại với nhau, uể oải ngó ra đường ngóng khách.

Bỏ quán cà phê lên…đồi


Sáng 9/6, quán cà phê của bà Y. nằm ven quốc lộ 21 (đoạn từ ngã ba giao cắt với đường Láng - Hoà Lạc đi Xuân Mai, Hà Nội) chỉ có 2 khách duy nhất là…phóng viên. Ngỏ lời vu vơ hỏi giá đất cát, ai dè vào “đúng nghề” của bà chủ quán.

Bà quảng cáo bán luôn quán cà phê: "Đấy, cứ 250 triệu đồng một mét dài (tức là đo chiều dọc theo mặt quốc lộ 21), các chú thiện chí lấy tôi bớt chút, bán luôn chuyển lên…đồi!".

Quán cà phê này, có chiều dài mặt tiền khoảng 8m, ăn sâu vào trong khoảng 17m. Tính ra vào khoảng xấp xỉ 2 tỉ đồng cho mảnh đất bám đường này.

“Đấy là giá đất khu này dạo này rớt mạnh rồi đấy, chứ trước có người đã trả 300 triệu đồng một mét dài mà tôi không bán đấy” - bà Y. chép miệng, tiếc rẻ cơ hội đã vụt qua.

Thấy khách không mặn mà, bà chủ quán cà phê lập tức “chuyển sóng”: Phải rồi, các chú trong Hà Nội ra đây bám đường hít bụi làm gì cho khổ. Tôi sống ở đây 20 năm rồi mà còn không quen được, bán cà phê cũng chẳng được bao nhiêu. Hay mua đất đồi làm sinh thái nhá, cũng cùng thôn này thôi. Nhà tôi còn 1 mẫu (khoảng 3.600m2), địa thế cao rất đẹp".

Giá bà Y. đưa ra là 400 triệu đồng/sào, mua 5 sào trở lên thì giảm còn 370 triệu đồng/sào. Thấy khách không gật cũng chẳng lắc, người phụ nữ ngoài 50 tuổi này quay ra than vãn: "Đấy, mới tháng trước, người ta vào tận nhà dúi tiền đặt cọc vào tay, trả tới 500 triệu đồng/sào thì tôi sợ giá còn lên cao không bán, giờ thì hạ hết giá rồi mà chẳng đẩy đi được, âu cũng là tình trạng chung...".

Thực ra, cái gọi là “hạ hết giá” nếu bán được vẫn còn đem lại cho bà Y khoảng lời tới 300%, vì trước đó khoảng 2 tháng, 1 mẫu đất trên được bà Y mua với giá vỏn vẹn 130 triệu đồng/sào- thông tin này được một “cò” đất bám theo xe chúng tôi sau khi rời quán bà Y, tiết lộ.

“Cò” đất thời “vạn người bán, một người mua”

Vừa rời khỏi quán cà phê được vài trăm mét, một chiếc xe máy chở 2 người đàn ông phóng vụt lên trước xe chúng tôi, ra hiệu dừng lại. Hoá ra là 2 "cò" đất, để ý thấy khách hỏi chuyện mua bán đất cát thì bám theo mời chào.

Chúng tôi bèn theo họ “về trung tâm BĐS bọn em nói chuyện cho dễ”, rẽ vào con đường liên xã gần đấy. Dọc hai bên đường, cứ thoáng cái lại thấy một tấm biển đề “trung tâm BĐS” hoặc “tư vấn nhà đất” xuất hiện. Có cái màu sơn đã bạc phếch, bay mất cả chữ; lại có cái màu sơn vẫn còn tươi rói. Nhưng có một đặc điểm chung là những trung tâm kiểu này đều cửa đóng then cài, tĩnh lặng.

Hải - người đàn ông trẻ hơn cầm lái, dừng lại trước “trung tâm BĐS” của họ - chính xác ra đó là một cái quán nước ven đường- chủ quán lại chính là vợ anh này. Rất chuyên nghiệp, Hải mồi đầu câu chuyện: Các anh đi mua đất tầm này đúng rồi đấy, đài báo nói suốt nửa tháng này nên giá giờ hạ chạm đáy rồi. Mua vào lúc này đợi đất lên mới lời, chứ mấy bữa trước không ôm nổi đâu.


Dọc con đường liên xã rất nhiều trung tâm "tư vấn nhà đất" mọc lên, nhưng giờ "cửa đóng then cài" vì không có khách.

Hỏi nhu cầu của khách, rồi hai “cò” thay nhau tư vấn, hết mảnh này đến mảnh khác trên địa bàn- mảnh nào cũng đều rất có “tương lai”. Để cho minh bạch, một lát sau lại có thêm một “cò” thứ ba xuất hiện, tay cầm cả mớ giấy tờ đất được phô-tô chìa ra cho khách xem. Sau đó rất nhiệt tình, cả 3 cò cùng tham gia chở khách đi xem đất, đến hàng chục mảnh chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ.

Thực tế, tại thời điểm này những “vị khách” như chúng tôi là hàng hiếm của “cò”. Từ gần tháng nay, việc giao dịch mua bán đã rất chững, giá cũng rớt thê thảm, trở về gần với mức trước khi lên “cơn sốt” đất Ba Vì.

Đa phần những mảnh đất mà “cò” giới thiệu trên là hàng kẹt của khách đã lỡ ôm, chưa đẩy đi được, thậm chí có người chịu bán lỗ để rút vốn ra cho nhanh. Nhưng cái khó là đều bị cò “găm” thêm giá vào, ít nhất từ 30-50 triệu đồng/mảnh.


Một trong những lô đất mà các "cò" giới thiệu cho P.V.

Thậm chí “cò” còn thoải mái để cho khách và chủ đất gặp nhau, nhưng sau khi giao dịch thành công, theo luật bất thành văn “cò” sẽ đến thu của chủ đất số tiền trên, vì thế khi hét giá, chủ đất phải tự cộng thêm tiền chênh vào.

Những ngày “hoàng kim” của cò nơi này đã qua nhanh, không còn cảnh người người tranh cướp nhau mua hàng sào đất nhanh như mua mớ rau, mà phần lớn đều phải qua tay “cò” dàn xếp. Câu chuyện giờ đã quay ngoắt 180 độ thành “vạn người bán mới có một người mua”.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet