Top

Vui buồn môi giới bất động sản

Cập nhật 25/09/2014 14:13

Được gọi nôm na là "cò", số lượng người môi giới bất động sản tăng một cách chóng mặt. Họ có thể là bà bán nước chè chén, đến những nhân viên môi giới chuyên nghiệp của các sàn bất động sản... thế nhưng ít ai biết những trăn trở của họ.

Đất nào cũng có, giá nào cũng ok!

Đó là khẳng định của Long, một người chuyên môi giới nhà đất tại quận Long Biên (Hà Nội) và khi có khách hàng ngỏ ý muốn đi xem mảnh đất giá 50 triệu đồng tại quận Long Biên mà anh đang rao bán.

Ngay tức thì Long phát giá 100.000 đồng tiền xăng xe đi xem, nếu giao dịch thành công thì số tiền này sẽ được trừ vào tiền môi giới đất… Và sau một hồi lượn đến “chóng mặt” không thể nhớ nổi đường đi nữa thì chúng tôi cũng tới… bờ sông Hồng. Chỉ cái “chòi” tý xíu nằm trong tận cùng của con đường mòn mà chỉ có thể đi bộ xuyên qua cả rừng lau sậy ở bờ sông mới vào được, Long bảo “nhà” đấy anh!

Long chia sẻ, nghề của bọ tôi chỉ mong thị trường bất động sản luôn “sốt sình sịch”, bởi khi đó người đi mua nhà đất càng nhiều thì giới “cò” càng có cơ hội kiếm được nhiều tiền. Ngoài tiền phần trăm thu được từ cả bên bán lẫn bên mua, thì “cò” cũng dễ dàng khống chế, nâng mức giá bán để ăn tiền chênh lệch. Nhưng thời điểm hiện tại, không phải lúc nào cũng có đất mà khách cần vì thế khi có khách chúng tôi phải chia sẻ với nhau, cả về mảnh đất mình biết… cho các “cò” khác và đương nhiên khi bán được thì tùy theo tỷ lệ đóng góp để lấy hoa hồng.

Khi thị trường nhà đất trong cơn sốt thì “cò” có thể “ngồi mát ăn bát vàng”, thế nhưng khi cơn sốt qua đi thì phải có “mánh” mới trụ được và đây cũng chính là lúc mà sự cạnh tranh trong giới “cò” bất động sản diễn ra khốc liệt nhất, Long cho biết thêm.

Ảnh minh họa

Những địa chỉ “ma”

Công việc hàng ngày của Long là lên mạng Internet tìm kiếm những lô đất mà khách hàng muốn bán, tìm kiếm những người có nhu cầu mua nhà rồi ngồi ráp nối với nhau. Lúc thì lại đi lang thang khắp nơi tìm những tờ rơi của người dân có nhà đất rao bán dán trên tường rào để liên hệ làm trung gian và tìm đầu ra. Long bật mí: mỗi “cò” nhà phải có sẵn 5 – 7 địa chỉ “ma” những địa chỉ này là những căn nhà không người ở và nằm trong ngõ ở các vị trí “đẹp, dễ nhìn” và đặc biệt là đường đi thì phải đạt yêu cầu là “đi một lần đố tìm lại được”.

Khi có khách yêu cầu xem nhà, các cò sẽ dẫn đi xem 2 – 3 vị trí theo thỏa thuận với chi phí là 100.000 – 200.000 đồng. Và đương nhiên là đi đến đâu cũng “chủ nhà đi vắng rồi, anh, chị xem bên ngoài xem có được không? Có gì để em liên hệ sau”. Nếu khách có nhu cầu thực sự thì “cò” sẽ ghi lại những yêu cầu của khách và… dò tìm nhà sau. Theo Long thì mỗi ngày đưa 3 – 5 lượt “gà” đi xem là “đủ ăn” rồi.

Hưng, một cò nhà đất nổi tiếng ở Hà Tây trước đây thì lại hơi khác. Hưng cho hay, đã bỏ nghề môi giới lâu rồi, giờ chạy xe ôm thôi. Cái nghề môi giới tiền “vào” nhanh nhưng cũng “đi” nhanh lắm. Trước kia chỉ ngồi “buôn nước bọt” thôi mỗi ngày cũng có thể thu nhập cả trăm triệu đồng, có những mảnh đất mà vừa được chủ đất nhờ rao buổi sáng thì chiều đã có người đến mua. Chẳng phải bỏ xu nào mà tiền chục, tiền trăm triệu cứ về ầm ầm. Thế nhưng tiền nhiều rồi sinh ra lô, đề, cờ bạc… giờ thì chỉ có mỗi hai bàn tay trắng thôi.

Tôi chợt nhớ đến nụ cười rạng rỡ của vợ chồng Linh – Quân khi đưa tiền “cảm ơn” cò Hưng môi giới mua nhà tập thể cách đây hơn năm. Quả thực, môi giới đã là cây cầu chắp nối cho nhiều người, thế nhưng chính nó cũng đang bị một số người lợi dụng để trục lợi.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng