Với tốc độ đô thị hoá và mức độ giàu có đang tăng lên, nhu cầu về nhà ở, văn phòng chất lượng cao tại Việt Nam cũng tăng cao. Việt Nam đang trở thành thị trường trọng điểm của nhiều tập đoàn bất động sản lớn.
Ông Liew Mun Leong - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn bất động sản hàng đầu châu Á - CapitaLand nhận xét: Việt Nam đang có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á. Trong 3 năm qua, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP trên 8% và quá trình đô thị hoá hiện đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, đạt trên 25%.
Với tốc độ đô thị hoá và mức độ giàu có đang tăng lên, nhu cầu về nhà ở, văn phòng chất lượng cao, các trung tâm bán lẻ, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu đi lại và sinh hoạt rất lớn. Đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, nguồn cung cho những lĩnh vực này đang thiếu. Vì vậy Việt Nam đã trở thành thị trường trọng điểm của nhiều tập đoàn bất động sản lớn tại châu Á chỉ sau Trung Quốc.
Trong năm 2007 nguồn vốn đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam ước tính đạt 5 tỷ USD. Số này chủ yếu từ nguồn vốn FDI và kiều hối. Riêng TP.HCM chỉ trong 11 tháng, trong số 2,5 tỷ FDI đã có tới 85% đầu tư vào BĐS. Nhiều tập đoàn lớn về bất động sản đã đầu tư vào Việt Nam với một loạt các dự án nhà ở văn phòng cho thuê và khách sạn với số vốn lớn.
Hàng loạt các dự án lớn
Năm 2007, tại Hà Nội, Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) đã làm lễ động thổ dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower với số vốn 1 tỷ USD, tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower sẽ là tòa nhà cao nhất Việt Nam với quy mô 578.957 m2 tổng diện tích xây dựng, một cao ốc 70 tầng và hai cao ốc chung cư 47 tầng với khách sạn 910 căn hộ cao cấp và 36 tầng làm văn phòng.
Ngoài ra, Hà Nội còn có một loạt các dự án lớn đồng loạt khởi công như: The Garden, Crown Complex, The Landmark, Ciputra Mall, Gamuda Yen So, Hanoi Hotel Plaza... Đây đều là những dự án lớn với số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.
Hà Nội hiện đang mở rộng về nhiều hướng với rất nhiều dự án phát triển, cụ thể là hơn 200 khu đô thị mới và một trung tâm mới đang được hình thành tại khu vực Mỹ Đình. Nhiều dự án lớn tập trung tại đây. Từ năm 2007 đến nay tại Hà Nội đã có 5 dự án khách sạn 5 sao có sự tham gia của chủ đầu tư nước ngoài tại khu vực Mỹ Đình.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng có hàng loạt các dự án cao cấp như River View, The Vista, Sky Garden 3, Blue Diamond, Dragon City, Saigon New, The Everick, Phú Mỹ Hưng... Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã có 11 khách sạn 5 sao với khoảng 3.611 phòng, dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực khách sạn và đang tiến hành các dự án cải tạo cũng như nhiều dự án mới. Một vài khách sạn 5 sao nổi bật sẽ được khánh thành vào năm 2009 gồm có Intercontinental trong Asiana Plaza, Times Square và Saigon Happiness Square.
Các dự án lớn không chỉ tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà đã lan tỏa đến các thành phố đầy tiềm năng khác như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ… Tại các thành phố như Đà Nẵng, Nha Trang, hàng loạt dự án về khách sạn và resort được đầu tư bởi các tập đoàn quốc tế. Riêng ở thành phố Đà Nẵng theo kết quả nghiên cứu của tập đoàn bất động sản CBRE (Mỹ) hiện tại có đến hơn 10 dự án resort, khách sạn, sân golf và villa cao cấp mà trong đó phần lớn là có sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài.
Với sự bùng nổ trung tâm đô thị và các địa điểm resort, Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho những kỳ nghỉ và thị trường nhà ở bởi các địa điểm ven biển như Nha Trang, Cam Ranh, Đà Nẵng, Lăng Cô, Côn Đảo và đảo Phú Quốc đều có tiềm năng trở thành thiên đường của Đông Nam Á, Bali và Phuket.
Đầu tư vẫn tăng mạnh
Trong năm 2007 Việt Nam đón nhận nhiều đại gia nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản. Có thể kể ra đây 3 quỹ đầu tư bất động sản lớn là quỹ của tập đoàn Indochina Land, tập đoàn Indochina Capital, VinaCapital, cùng hàng loạt công ty Singapore, Malaysia, Mỹ... với số vốn hàng tỷ USD.
Cuối tháng 2/2008, Tập đoàn CapitaLand đã tiến hành ký kết với Ngân hàng CitiBank thành lập Quỹ phát triển bất động sản đầu tư vào Việt Nam với số vốn là 300 triệu USD. CapitaLand đã có mặt tại Việt Nam từ 1994 và đang tập trung đầu tư vào các dự án nhà ở và căn hộ cho thuê tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Khu căn hộ lớn đầu tiên đã hoàn thành là The Vista tại quận 2, TP.Hồ Chí Minh bao gồm 750 căn hộ sang trọng. Ngoài ra còn 3 dự án căn hộ với tổng quy mô lên đến hơn 2.000 căn cùng các dự án căn hộ cho thuê đang được tiến hành.
Để mở rộng hoạt động, CapitaLand đã tiến hành ký kết xúc tiến hoạt động đầu tư hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần đầu tư Nam Thăng Long, thiết lập một liên minh chiến lược nhằm thúc đẩy hơn nữa các cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản.
Vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các nhà điều hành khách sạn quốc tế. Họ đang tìm kiếm nhiều chiến lược để vào thị trường, mua lại và đổi tên, phát triển, và bắt tay với các nhà đầu tư trong nước. Guoman, Hilton, Omni, Sheraton, InterContinental, Sofitel, Novotel ở Đà Lạt và Novotel ở Phan Thiết tất cả đều đã thay đổi chiến lược. Movenpick mua lại Omni ở thành phố Hồ Chí Minh, Guoman ở Hà Nội và Parkroyal mua lại Novotel ở TP.HCM, chúng ta đang chứng kiến sự đổi tên của các khách sạn đang hoạt động trên thị trường.
Làn sóng đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mạnh mẽ đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Dù kinh tế toàn cầu xuất hiện những dấu hiệu suy yếu, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn thu hút các nhà đầu tư và giữ mức tăng trưởng hiện tại tuy có thể với tốc độ chậm hơn. Hiện nay CBRE đang làm việc với rất nhiều các nhà đầu tư là các tập đoàn khách sạn quốc tế như Accor, InterContinential Hotels Group… các đại gia đến từ Trung Đông như IFA, Kingdom Hotel Investment…, các tập đoàn xây dựng và đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc… các quỹ đầu tư với nguồn lực tài chính lớn mạnh như Indochina Capital, Vina Capital… đã có những dự án đầu tư bất động sản và tiếp tục có kế hoạch phát triển trong thời gian tới.
Đầu tư nước ngoài tăng mạnh không làm cản trở các nhà đầu tư trong nước tiến hành các kế hoạch đầu tư của mình. Gần đây các tên tuổi lớn trong nước như FPT, Viglacera, Lilama, Hapro, Bitexco… đều thành lập các công ty để tập trung đầu tư và phát triển lĩnh vực bất động sản. Thế mạnh của họ chính là việc sở hữu các khu đất tại những vị trí đẹp bên cạnh các điểm mạnh khác như tên tuổi, uy tín, kinh nghiệm, mạng lưới quan hệ, am hiểu phong cách làm việc và văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nghị định 84 của Chính phủ trong đó đưa ra những nội dung bổ sung khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này như là việc tăng thời gian giấy phép sử dụng đất cho các nhà đầu tư nước ngoài từ 50 năm lên 70 năm. Những hợp đồng thuê đất dài hạn sẽ tự động được gia hạn thêm 50 đến 70 năm nữa mà không phải bỏ thêm chi phí... đang thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào bất động sản.
Việc Chính phủ có những chính sách quy hoạch cụ thể, đồng bộ là rất quan trọng. Ví dụ như UBND thành phố HCM vừa rồi đưa ra danh sách 20 “khu đất vàng” trong khu vực trung tâm và kêu gọi đầu tư một cách công khai. Việc có những chính sách quy hoạch cụ thể, mang lại cơ hội một cách đồng đều cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước và tạo ra những tác động tích cực lên thị trường. Hiện đang có tới 40 quỹ nước ngoài đã và đang thành lập với số vốn 20 tỷ USD chờ tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Tuy nhiên vẫn có những khó khăn trên thị trường bất động sản. Các nhà đầu tư vẫn phàn nàn rằng quỹ đất trong khu vực trung tâm tại các thành phố lớn rất hạn chế; giá đất trên thị trường cao; cơ sở vật chất hạ tầng cũng như là giao thông đi lại, tiếp cận dự án, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn và thủ tục giấy tờ phức tạp... Đây cũng chính là những thách thức lớn với các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: