Top

Thị trường bất động sản sẽ có khuôn mặt mới

Cập nhật 02/03/2008 09:00

Sau một thời gian giá quá cao, thị trường bất động sản (BĐS) hiện đang có dấu hiệu đóng băng. Giới kinh doanh BĐS cũng đã nhận ra khuôn mặt của thị trường phức tạp này, sau một số biện pháp mà chính phủ can thiệp như hạn chế cho vay kinh doanh BĐS, một số chính sách vĩ mô có thể sắp được ban hành...

Trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng Chính phủ sẽ có “thuốc” để cắt cơn sốt BĐS và làm cho thị trường này trở nên lành mạnh. Chính phủ, các bộ liên quan đã nhận thấy nguyên nhân làm cho thị trường BĐS nước ta lên cơn sốt cấp tính như trong thời gian qua, đó là do nguồn cung cho thị trường bị hạn chế, trong khi nhu cầu là có thật. Nhưng tại sao, khi mà quyền giao đất nằm trong tay Nhà nước, lại không tung ra được nguồn hàng? Lý giải về tình trạng này, các chuyên gia cũng đã bắt mạch được một phần vấn đề là thủ tục khởi động một dự án BĐS quá nhiêu khê, như một “mê hồn trận”, có khi kéo dài vài ba năm.

Tại cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS với lãnh đạo TPHCM vừa qua, các doanh nghiệp cũng kêu than về vấn đề này nhưng vẫn chưa có lời giải. Việc hạn chế cho vay kinh doanh BĐS cũng có thể làm cho thị trường rối loạn, dễ đưa đến khủng hoảng ở thị trường nhạy cảm này.

Thực tế, với các quốc gia đang phát triển, việc thị trường BĐS lên cơn sốt là chuyện bình thường. Các chuyên gia cũng nhận định, những cơn sốt như vậy không chỉ có tác dụng tiêu cực mà còn có tác dụng tích cực kích hoạt nền kinh tế phát triển.

Cho đến nay, khi nắm được nguồn gốc của vấn đề, các cơ quan quản lý Nhà nước ở cấp bộ đang nhảy vào cuộc để cố gắng làm lành mạnh thị trường BĐS. Theo đó, trong thời gian sắp tới, Bộ Tài nguyên - Môi trường đang rà soát lại và hoàn thiện các thủ tục giao đất cho các dự án một cách ưu việt nhất, nhằm đưa nhanh hàng hóa ra thị trường.

Song song đó, Nhà nước sẽ chi hàng tỉ USD đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp ở các đô thị lớn như Hà Nội, Bình Dương, TPHCM. Đó cũng là một cách tăng nguồn cung cho thị trường, giúp người nghèo có cơ hội sở hữu được nhà ở. Quan trọng hơn, việc dùng công cụ thuế để điều tiết thị trường đang được nghiên cứu rất khẩn trương. Bộ Tài chính đang tiến hành xây dựng dự thảo sắc thuế BĐS, cùng với việc ban hành hạn mức sở hữu nhà ở (dự kiến 30 m2/người).

Chính sách thuế này rất quan trọng trong việc điều tiết thị trường, tạo sự công bằng trong việc sử dụng đất ở khi mà đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân. Sắc thuế và hạn mức sở hữu nhà ở sẽ hạn chế được việc đầu cơ BĐS. Các doanh nghiệp kinh doanh BĐS sẽ có cách đánh thuế riêng, chủ yếu đánh thuế vào diện tích đất sử dụng, sẽ giải quyết được tình trạng các đơn vị được giao đất lại bỏ hoang hoặc không sử dụng hiệu quả.

Ngoài ra để hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS, Nhà nước sẽ điều chỉnh thuế sử dụng đất đang ở mức quá thấp, trong khi thuế chuyển quyền sử dụng đất và thuế trước bạ quá cao, đẩy thị trường BĐS vào tình trạng giao dịch ngầm là phổ biến .

Nếu các chính sách nêu trên được áp dụng, khuôn mặt thị trường BĐS sẽ thay đổi, với nhiều hy vọng đó sẽ là một gương mặt sáng sủa, và phát triển lành mạnh.

Theo Người Lao Động