Quận Hoàn Kiếm cho biết đá hoa cương Bình Định đáp ứng được các tiêu chí mà chủ đầu tư đưa ra cho việc lát đá vỉa hè quanh Hồ Gươm.
UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang tổ chức trưng bày, lấy ý kiến người dân về dự án "Đầu tư xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm". Dự án này có hạng mục Nâng cấp hè với đề xuất thay lại đá xung quanh Hồ Gươm bằng đá granite hay còn gọi là đá hoa cương Bình Định.
Sơ đồ mặt cắt chỉnh trang lát đá đi bộ trên vỉa hè xung quanh Hồ Gươm và các loại đá kích thước khác nhau để lựa chọn cho từng vị trí. Ảnh: Ngọc Thành |
8 năm chưa hoàn thành lát đá Hồ Gươm
Qua tìm hiểu được biết việc lát đá Hồ Gươm đã có kế hoạch từ nhiều năm nay. Năm 2010, dự án chỉnh trang Hồ Gươm với kinh phí gần 50 tỷ đồng được triển khai, trong đó lát lại toàn bộ đá vỉa hè quanh Hồ là một trong những công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tuy nhiên việc lát những viên đá xanh cỡ lớn mới được thực hiện từ đoạn nhà hát múa rối Thăng Long đến nhà hàng Thuỷ Tạ thì phải dừng, do lo ngại lãng phí và loại đá mới có thể gây trơn trượt.
Ngay sau đó, quận Hoàn Kiếm lập hòm phiếu tại Hồ Gươm (khu vực đường đôi Đinh Tiên Hoàng) để lấy ý kiến nhân dân. Mặc dù kết quả được Quận thông báo trên 87% người dân đồng tình nhưng dự án vẫn bị dừng.
Năm 2012, quận Hoàn Kiếm có văn bản đề nghị và được thành phố cho tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên thời điểm này đang có một số nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị liên quan đến Hồ Gươm nên dự án tiếp tục bị dừng.
Giữa năm 2015, thành phố có văn bản đồng ý cho quận Hoàn Kiến triển khai dự án. Tháng 1/2017, quận tổ chức trưng bày phương án thiết kế, lấy ý kiến cộng đồng lần thứ nhất. Sau khi ghi nhận ý kiến của các nhà chuyên môn, các sở ngành và ý kiến nhân dân, đơn vị tư vấn thiết kế đã tiếp thu, chỉnh sửa và tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân lần hai vào đầu tháng 3/2018.
"Tiêu chí là thẩm mỹ, an toàn không trơn trượt khi trời mưa và bền vững"
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long (đại diện chủ đầu tư), trước đây mỗi hạng mục ở Hồ Gươm có một đơn vị chuyên ngành khác nhau quản lý nên hạ tầng thiếu đồng bộ. Sau thời gian dài sử dụng, nhiều hệ thống kỹ thuật ở khu vực Hồ xuống cấp như hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng...
Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long. Ảnh: Võ Hải.
|
Với đá lát vỉa hè, đường dạo ven hồ Gươm, theo ông Long đoạn cải tạo gần đây nhất đã hơn 8 năm. Kết quả khảo sát hiện trạng của quận cho thấy, có khoảng 20 loại vật liệu ốp, lát, kè đã hư hỏng, công vênh, bong bật… Do đó, hạng mục lát mới toàn bộ đá khi cải tạo hạ tầng khu vực Hồ Gươm là cấp thiết.
"Kết quả bước đầu cho thấy, đa số nhân dân và các nhà khoa học đều đồng tình với với các phương án, hạng mục được đang được triển lãm lấy ý kiến. Kết thúc triển lãm, quận tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ và tiến hành các khâu chuẩn bị đầu tư để triển khai dự án trong năm 2018", ông Long nói.
Lý giải việc chọn đá hoa cương Bình Định, chủ đầu tư cho hay, đơn vị tư vấn dự án của Pháp đã có kinh nghiệm trong các dự án tương tự nên đưa ra các giải pháp. Sau đó quận tiến hành tham vấn ý kiến các nhà khoa học về vật liệu thích hợp dùng lát vỉa hè hồ Gươm để đạt đủ các tiêu chí thẩm mỹ, an toàn không trơn trượt khi trời mưa và bền vững. Đá hoa cương Bình Định đáp ứng được các tiêu chí nêu trên. Tại Hà Nội, đá hoa cương Bình Định cũng mời được sử dụng trong việc cải tạo một số tuyến đường đi bộ, vỉa hè khu vực lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Loại đá và phương án thi công hè, lối đi khu vực hồ Gươm được quận Hoàn Kiếm triển lãm lấy ý kiến nhân dân. Ảnh: Ngọc Thành. |
Cũng theo lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, những viên gạch cũ được lấy lên khi tiến hành lát đá, quận sẽ tái sử dụng vào các dự án khác trên địa bàn. Về chi phí lát đá, hiện quận đang thực hiện bóc tách khối lượng. Khi Sở Xây dựng thẩm định và phê duyệt mới tính được kinh phí thực hiện và quận sẽ công khai để nhân dân biết
Trên thế giới ít sử dụng đá tự nhiên lát vỉa hè
Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho hay, trước đây nhiều nước trên thế giới lát đá tự nhiên ở khu vực quảng trường, trung tâm đô thị. Tuy nhiên, việc lát đá tự nhiên được chọn vì lúc đó công nghệ chưa phát triển. Hiện các loại đá nhân tạo chất lượng và thẩm mỹ cao, giá thành lại rẻ nên hầu như thế giới không còn dùng đá tự nhiên lát quảng trường hay khu vực trung tâm nữa.
Trong trường hợp thành phố vẫn quyết dùng đá tự nhiên lát vỉa hè Hồ Gươm, ông Hùng cho rằng, chỉ cần dùng loại đá có kích thước 4,5 cm, không cần làm đến 10 cm sẽ rất lãng phí.
Cũng quan điểm nên sử dụng đá nhân tạo, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Thế Minh cho rằng, thành phố còn nhiều việc phải làm, nên dùng ngân sách cho các công trình dân sinh cấp thiết khác. Với vỉa hè Hồ Gươm, có thể sử dụng vật liệu nhân tạo và thực hiện giám sát chặt chẽ từ mua nguyên liệu, thi công sẽ cho chất lượng công trình tốt.
Là người thường xuyên đi dạo quanh hồ, ông Nguyễn Thành Long (quận Hoàn Kiếm) cho biết đá hiện tại vẫn đang sử dụng tốt mặc dù còn chắp vá, tính thẩm mỹ chưa cao. Ông Long cho hay, khi quận tiến hành lát đá tự nhiên trên một số tuyến phố ông đã không đồng tình vì đá tự nhiên đắt, độ trơn trượt cao lại sẽ tạo ra lún sau một thời gian sử dụng.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: