Top

VEC có đầu tư, kinh doanh bất động sản trái quy định?

Cập nhật 10/07/2018 10:55

Là một trong 23 dự án đầu tư xây dựng trụ sở tổng công ty bị “ngâm” hơn 10 năm tại Khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội), nhưng thay vì đốc thúc hoàn thiện dự án theo đúng mục tiêu đã được phê duyệt, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lại có các văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải và các đơn vị liên quan xin thay đổi mục đích đầu tư không đúng quy định hiện hành.


Dự án 10 năm nằm trên giấy

Theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản thu nhận được, VEC là một trong số 23 doanh nghiệp được UBND TP. Hà Nội cấp đất để xây dựng trụ sở làm việc tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, nhưng đều “án binh bất động” từ năm 2008 đến nay.

Cụ thể, từ năm 2006, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao đất có thời hạn 50 năm tại các ô đất thuộc lô E Khu đô thị mới Cầu Giấy cho 23 đơn vị, trong đó có VEC. Đến tháng 1/2007, VEC đã nộp 4,18 tỷ đồng đặt cọc tiền thuê đất. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên đến nay, VEC vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất với TP. Hà Nội.

Như vậy, về mặt pháp lý, dự án xây dựng trụ sở VEC chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, chưa hoàn thành các thủ tục về đất, giao đất, cũng như nghĩa vụ tài chính khác, nên dự án chưa thuộc quyền sở hữu của VEC. Nhằm thúc đẩy hoàn thiện thủ tục, ngày 19/12/2012, Hội đồng thành viên VEC đã ra Quyết định số 491/QĐ-VEC-HĐTV phê duyệt tổng mức đầu tư Dự án xây dựng trụ sở VEC khoảng 670 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, hiện trường dự án vẫn là một khu đất trống.

Trong một động thái đốc thúc việc triển khai các dự án trụ sở bê trễ, ngày 3/8/2017, UBND TP. Hà Nội có Công văn số 7373/VP-ĐT đề nghị các đơn vị nói trên báo cáo công tác thực hiện dự án của đơn vị mình. Ngay sau đó, ngày 4/8/2017, UBND TP. Hà Nội tiếp tục có Văn bản số 895/TB-UBND về việc kiểm tra tình hình triển khai 23 dự án đầu tư xây dựng khu vực trụ sở các tổng công ty tại Khu đô thị mới Cầu Giấy.

Trong đó, yêu cầu các chủ thể báo cáo rõ có tiếp tục hay không còn nhu cầu triển khai dự án, báo cáo năng lực tài chính thực hiện dự án, cam kết tiến độ thực hiện và xác định nghĩa vụ tài chính đối với Thành phố nếu tiếp tục triển khai dự án. Trường hợp không còn nhu cầu và không còn khả năng thực hiện, phải bàn giao lại cho Thành phố và nhận lại tiền đặt cọc.

Nghi vấn đầu tư ngoài ngành trái quy định

Trên thực tế, VEC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và theo quy định hiện hành về các ngành nghề kinh doanh thì đơn vị này không được kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Điều này được quy định rõ tại Khoản b, Mục 1, Điều 21, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ.

Hơn nữa, nhu cầu trụ sở thực tế của VEC trong giai đoạn 2020-2030 chỉ bằng 1/15 so với tổng diện tích sử dụng dự án xây trụ sở tại lô 20-E4 theo quy hoạch (trong Công văn số 14284/BGTVT-QLDN của Bộ Giao thông - Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ nêu rõ “giai đoạn này, VEC cần bố trí mặt bằng trụ sở làm việc cho khoảng 130 người, tương ứng khoảng 2.860 m2”).

Tuy nhiên, VEC lại trình Bộ Giao thông - Vận tải xin thay đổi mục tiêu và đối tác Dự án trụ sở VEC tại Lô 20 - E4 Khu đô thị mới Cầu Giấy theo hình thức kinh doanh bất động sản. Theo đó, ngày 11/8/2017, Bộ Giao thông - Vận tải có Văn bản số 9023/BGTVT-QLDN yêu cầu VEC báo cáo giải trình về nội dung các dự án của Tổng công ty.

Tiếp đó, ngày 18/8/2017, VEC có Văn bản số 2848/VEC-KHKD về việc thay đổi mục tiêu và đối tác đầu tư Dự án trụ sở Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao cố Việt Nam tại Lô 20-E4, Khu đô thị mới Cầu Giấy, gửi Bộ Giao thông - Vận tải với lý do: “Tổng mức đầu tư và quy mô dự án lớn, TP. Hà Nội yêu cầu đầu tư 21 tầng (trước đây là 30 tầng) theo quy hoạch, nên việc huy động vốn cùng một lúc là rất khó khăn với VEC, Nhà nước mới giao cho VEC vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng được sử dụng hết vào đầu tư cho dự án đường cao tốc của VEC và mua trụ sở mới tại Tòa nhà 219 Trung Kính”.

Cùng với đó là lý do, “theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của VEC số 1738/QĐ-BGTVT ngày 6/6/2016 do Bộ Giao thông - Vận tải ban hành, tại Điều 4, Mục c ngành nghề kinh doanh, khoản 6 mã ngành 6810 ‘Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Chi tiết: Cho thuê tài sản trên đất, cho thuê văn phòng, mặt bằng kinh doanh: Kinh doanh kho bãi”.


Văn bản của Bộ Giao thông - Vận tải trình Chính phủ về việc thay đổi mục tiêu hình thức đầu tư Dự án trụ sở VEC

Như vậy, theo VEC, bên cạnh việc khó khăn trong cân đối nguồn vốn triển khai thì Điều lệ của Tổng công ty cũng cho phép đơn vị này được quyền đầu tư, kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là điều lệ của VEC có phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật cao hơn hay không?

Thực tế, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã đề cập rất rõ. Theo đó, việc đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp nhà nước phải phù hợp với với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.

Đặc biệt, Nghị định 91 yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ Điều 28, Điều 29 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trong đó có điều khoản quy định “doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ…”.

Như vậy, có thể thấy, điều lệ hoạt động của VEC mâu thuẫn với Nghị định 91 của Chính phủ, trong khi bản điều lệ này ban hành sau Nghị định 91 hơn nửa năm.

Cũng theo Văn bản 2848/VEC-KHKD thì VEC sẽ hợp tác với Công ty cổ phần Tổng công ty MBLand (MBLand Holdings) để thay đổi mục tiêu đầu tư dự án từ “Trụ sở Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam” thành “Tòa nhà văn phòng làm việc của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê kết hợp cơ sở lưu trú ngắn ngày” tại Lô 20-E4 nêu trên.

Theo tờ trình từ VEC, đơn vị này và MBLand Holdings sẽ chịu trách nhiệm đầu tư, phát triển, quản lý và vận hành dự án. MBLand Holdings sẽ chịu trách nhiệm đầu tư, phát triển toàn bộ dự án (bao gồm tiền mặt, tài sản, nhân sự, các tài sản hợp lệ khác và các chi phí liên quan).

VEC chỉ đóng góp bằng Quyền phát triển dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000899 do UBND TP. Hà Nội cấp ngày 08/11/2010, tiền đặt cọc sử dụng đất với giá trị 4,18 tỷ đồng tại thời điểm năm 2007 và các chi phí khác VEC đã chi trả cho dự án; VEC không đóng góp thêm một khoản chi phí nào khác trong quá trình thực hiện dự án.

Điều đáng nói là Bộ Giao thông - Vận tải lại “nhất trí” với động thái “kinh doanh bất động sản” của doanh nghiệp nhà nước trực thuộc khi có Văn bản số 14284/BGTVT-QLDN do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký 20/12/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin thay đổi mục tiêu và hình thức đầu tư Dự án trụ sở của VEC.

Dù có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với việc VEC đề xuất hợp tác kinh doanh bất động sản, nhưng trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Đỗ Chí Chung, Chánh Văn phòng VEC chỉ nói ngắn gọn: “Dự án chậm tiến độ là do TP. Hà Nội thay đổi quy hoạch dẫn đến quy mô dự án bị thay đổi và tăng vốn đầu tư.

Chúng tôi cũng đã có những thỏa thuận hợp tác đầu tư với MBLand Holdings, nhưng vướng vào Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ nên đang trình xin ý kiến. Nếu chấp thuận thì chúng tôi thực hiện, không thì thôi”.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản