Top

Khu dân cư Miếu Nổi, vì sao khiếu kiện kéo dài?

Cập nhật 10/07/2018 09:23

Những sai phạm của cá nhân, tổ chức trong khi thực hiện dự án khu dân cư Miếu Nổi (TP.HCM) được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại kết luận thanh tra hơn 12 năm qua nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Toàn cảnh dự án Miếu Nổi sau 21 năm triển khai. ẢNH: ĐỘC LẬP

Trong khi đó, khiếu nại của người dân liên quan đến dự án này vẫn kéo dài hàng chục năm nay.

Tháng 5.2018, UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng về 12 vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài ở TP.HCM, trong đó có dự án khu dân cư Miếu Nổi (P.3, Q.Bình Thạnh) TP đang xử lý. Ngày 15.6.2018, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tự rà soát, phát hiện và báo cáo để Chính phủ tiếp tục có giải pháp xử lý với 12 dự án, trong đó có Miếu Nổi; xử lý nghiêm các sai phạm kể cả tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp.

21 năm chưa giải tỏa xong mặt bằng

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngay từ những ngày đầu triển khai dự án, hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng cho rằng đất của mình nằm trong ranh quy hoạch dự án Miếu Nổi nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất; không được cấp phép xây dựng nhà mới, nhà xuống cấp trầm trọng, ở trong cảnh nhà dột nát nhưng phải giữ nguyên hiện trạng... nên đã khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Từ khiếu nại, khiếu kiện của người dân, Thanh tra Chính phủ (TTCP) 2 lần lập đoàn thanh tra dự án và chỉ ra nhiều sai phạm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và các ban ngành T.Ư đã ra các văn bản chỉ đạo xử lý dứt điểm. Đến nay, quyền lợi của người dân mặc dù đã được giải quyết một phần, nhiều hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên khiếu nại của người dân vẫn chưa lắng dịu.

Trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo UBND Q.Bình Thạnh cho biết sau 21 năm kể từ ngày có quyết định giao đất của Thủ tướng Chính phủ (năm 1997), chủ đầu tư là Công ty đầu tư và phát triển đô thị (thành viên Tổng công ty xây dựng số 1 - Bộ Xây dựng, năm 2004 đã cổ phần hóa thành Công ty cổ phần phát triển đô thị Bình Minh, sau đó đổi tên thành Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và phát triển đô thị) chưa thực hiện xong công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng. Công ty này chỉ tập trung đầu tư, khai thác và thu lợi nhuận tại các khu đất thương mại, nhà ở và các khu chung cư, trong khi các công trình phúc lợi công cộng đến nay vẫn chưa thực hiện bồi thường giải tỏa và đầu tư theo đúng quy hoạch. Hệ quả là kết cấu hạ tầng không đồng bộ, không kết nối giao thông khu vực. Việc kéo dài thực hiện dự án Miếu Nổi làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của hàng chục hộ dân trong ranh dự án, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo kéo dài phức tạp.

Tại thời điểm thanh tra năm 2005, TTCP chỉ rõ việc đền bù dân cư, giải phóng mặt bằng có nhiều sai phạm. Việc thu hồi, giải tỏa đất ở diễn ra nhanh hơn với đất sử dụng cho mục đích công cộng. Cụ thể, tổng diện tích đất phải thu hồi đất ở là 83.641 m2 và đã thu hồi được 57.000 m2, đạt 67,98%. Còn quỹ đất sử dụng cho mục đích công cộng là hơn 50.000 m2 nhưng chỉ mới giải tỏa đền bù được hơn 27.000 m2, đạt 54,6%. Phần 45,3% đất công cộng đến nay chưa được đền bù, tái định cư, giải tỏa dẫn đến phá vỡ nguyên tắc thực hiện dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban đầu.

Đáng lưu ý, theo lãnh đạo Q.Bình Thạnh, không chỉ người dân khiếu nại tố cáo kéo dài, mà đến nay Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và phát triển đô thị cũng liên tục khiếu nại, tố cáo ông Nguyễn Văn Tùng (nguyên Tổng giám đốc Công ty đầu tư và phát triển đô thị) có những sai phạm gây thiệt hại cho công ty.

Liên tục phá vỡ quy hoạch

Theo hồ sơ PV Thanh Niên nắm được, ngày 7.4.1992, UBND TP.HCM có Quyết định số 559 phê duyệt quy hoạch khu nhà ở Miếu Nổi với diện tích 11,6 ha. Ngày 14.6.1994, UBND TP có quyết định giao hơn 1,4 ha đất cho Ban Quản lý công trình Miếu Nổi thuộc Q.Bình Thạnh để triển khai thực hiện dự án. Sau thỏa thuận vào ngày 5.3.1993 của UBND Q.Bình Thạnh và Tổng công ty xây dựng số 1, UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty đầu tư và phát triển đô thị thực hiện dự án thay cho Ban Quản lý công trình Miếu Nổi. Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết của dự án này được Kiến trúc sư trưởng TP (viết tắt KTST) lúc đó là ông Lê Văn Năm phê duyệt tại Quyết định số 215/KTST-QH ngày 8.1.1996 chỉ với diện tích đất là 8 ha; giảm 3,6 ha so với quy hoạch ban đầu được UBND TP phê duyệt, với lý do 3,6 ha này thuộc Q.Phú Nhuận.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án do Bộ Xây dựng thẩm định, trình ngày 20.1.1996, được Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt 125/QĐ-TTg ngày 5.3.1996, dự án có tổng mức đầu tư 463 tỉ đồng, diện tích 8 ha, vốn do chủ đầu tư huy động, thời gian thực hiện khoảng 10 năm. Đến ngày 28.4.1997, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thu hồi hơn 6,9 ha đất ở P.3 (Q.Bình Thạnh) giao Công ty đầu tư và phát triển đô thị xây dựng khu dân cư Miếu Nổi để thực hiện dự án.

Ngay sau đó, UBND TP xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho cải tạo, sắp xếp, xây dựng thêm chung cư cao tầng phục vụ tái định cư diện giải tỏa kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cùng một số công trình khác ngân sách TP đầu tư và được miễn tiền sử dụng đất, thuế doanh thu xây dựng và thuế trước bạ nhà. Ngày 4.1.1998, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt bổ sung với những nội dung này.

Giai đoạn 1996 - 2001, KTST TP đã 4 lần điều chỉnh quy hoạch dự án Miếu Nổi. TTCP nhận định việc thực hiện quy hoạch không nghiêm túc, có nhiều sai phạm; quá trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, dẫn đến một số chỉ tiêu không đạt tiêu chuẩn theo quy định, như diện tích đất ở theo quy định là 19 - 21 m2/người nhưng thực tế chỉ có 6,83 m2/người; diện tích đất công trình công cộng quy định từ 1,5 - 2 m2/người nhưng thực tế chỉ 1,22 m2/người; diện tích đất cây xanh theo quy định từ 3 - 4 m2/người, thực tế chỉ 1,56 m2/người...

Đáng lưu ý, theo quy hoạch được phê duyệt, dự án có 234 căn nhà liên kế trên diện tích đất hơn 1,9 ha, nhưng thực tế đã tăng lên thành 287 nền với diện tích hơn 2,4 ha. TTCP khẳng định việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, tăng 27,83% nhưng không báo cáo cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, TTCP cũng phát hiện số liệu giữa văn bản điều chỉnh quy hoạch với bản vẽ kèm theo không có sự thống nhất. Cụ thể, tổng diện tích đất thực hiện dự án là hơn 8,3 ha, tăng 0,36 ha so với diện tích theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ duyệt, nhưng ở Công văn số 5524/KTST ngày 13.5.1996 của KTST TP không có nội dung nào đề cập việc tăng diện tích đất của dự án.

Kết luận của TTCP đã nhấn mạnh, thực chất quá trình điều chỉnh quy hoạch mang tính chất để “hợp thức hóa” cho việc chạy theo mục đích bán nền của chủ đầu tư. Bởi có tới 42 nền nhà với diện tích thực tế hơn 3.000 m2 đã được bán trước khi có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của KTST TP. Trong đó có 4 nền lô L ký hợp đồng bán năm 1997 nhưng đến 6.10.1998 mới được KTST phê duyệt điều chỉnh.

Việc điều chỉnh quy hoạch của KTST TP cũng có nhiều sơ hở, một số nội dung điều chỉnh thể hiện trong bản vẽ kèm theo nhưng không được ghi trong văn bản phê duyệt điều chỉnh. Tại Công văn số 21 ngày 30.1.1996 của Công ty đầu tư và phát triển đô thị chỉ đề nghị điều chỉnh một số nội dung chung cư 6 tầng lên 18 tầng, nhưng văn bản phê duyệt điều chỉnh của KTST TP theo Công văn số 5524/KTST-QH ngày 13.5.1996 cho phép điều chỉnh 4 nội dung khiến thay đổi quá nhiều so với quy hoạch ban đầu...

TTCP khẳng định công tác lập, thẩm định, thực hiện quản lý quy hoạch bị buông lỏng thể hiện sự yếu kém rõ rệt. Ngoài ra, trước mỗi lần điều chỉnh quy hoạch Văn phòng KTST không kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch làm căn cứ để xem xét việc điều chỉnh, nên không phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong thực hiện quy hoạch, dẫn đến quy hoạch bị phá vỡ so với mục tiêu ban đầu đề ra; tạo điều kiện cho chủ đầu tư vi phạm quy hoạch.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên