Top

Về với Thủ đô, Quốc Oai có thêm nhiều lợi thế

Cập nhật 08/03/2009 10:10

Là đơn vị hành chính mới phía Tây Hà Nội, cùng với Thạch Thất, huyện Quốc Oai đang ngày càng phát triển, khẳng định vai trò bứt phá của một huyện có nhiều lợi thế khi địa giới hành chính của Thủ đô được mở rộng. Về vấn đề này, báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Sen, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai.

* Xin ông cho biết những lợi thế của huyện Quốc Oai sau khi được sáp nhập thành một đơn vị hành chính của Thủ đô?

Ngoài 1 thị trấn, Huyện Quốc Oai còn có 20 xã, bao gồm: Phú Mãn, Phú Cát, Hoà Thạch, Tuyết Nghĩa, Đông Yên, Liệp Tuyết, Ngọc Liệp, Ngọc Mỹ, Cấn Hữu, Nghĩa Hương, Thạch Thán, Đồng Quang, Sài Sơn, Yên Sơn, Phượng Cách, Tân Phú, Đại Thành, Tân Hoà, Cộng Hoà, và Đông Xuân.

- Trước đây, Quốc Oai là một trong 14 huyện, TP của tỉnh Hà Tây (cũ), có diện tích hành chính gần 130 km2 với khoảng 16 vạn dân. Từ 1/8/2008, theo Nghị quyết của QH và quyết định của Thủ tướng CP, Hà Tây được hợp nhất với Hà Nội, huyện Quốc Oai đã tiếp nhận thêm xã Đông Xuân (của huyện Lương Sơn, Hòa Bình), nâng tổng diện tích lên 147 km2 với 163.700 nhân khẩu. Hiện Quốc Oai có 20 xã, 1 thị trấn (trong đó có 2 xã miền núi) được hình thành ra 3 vùng sinh thái khá rõ là: Vùng Bãi sông Đáy; vùng bán sơn địa và các xã miền núi… Kinh tế chủ yếu của huyện trước đây là nông nghiệp, trồng lúa và phát triển chăn nuôi…

Là một trong những huyện của Hà Tây (cũ) nằm cận kề Thủ đô, Quốc Oai vốn có những lợi thế nhất định về vị trí địa lí, đất đai: Không chỉ là nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ, mà còn thuộc phạm vi quy hoạch chuỗi đô thị lớn: Miếu Môn – Xuân Mai – Hòa Lạc – Sơn Tây, đã được Thủ tướng phê duyệt tại QĐ 372/QĐ - Ttg.

Từ khi được sáp nhập vào Hà Nội, huyện Quốc Oai có thêm nhiều lợi thế như: Trục đường lớn phát triển về phía Tây của Hà Nội (đường Láng – Hòa Lạc) có gần 10 km đi qua địa bàn của Quốc Oai, kéo theo sự phát triển của các ngành CN cũng như phát triển đô thị quanh trục đường này. Ngoài ra, có đường 21A (Sơn Tây – Xuân Mai) cũng chạy qua địa bàn Quốc Oai 8km, cùng nhiều trục tỉnh lộ khác đã và đang được triển khai xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông của địa phương. Đó cũng chính là nền tảng để phát triển đô thị, cũng như các ngành kinh tế, du lịch, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương.

Hiện có nhiều quy hoạch đô thị, công nghiệp và dịch vụ thương mại đã và đang được nghiên cứu và triển khai trên địa bàn Quốc Oai. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tham gia xây dựng và phát triển kinh doanh ở các khu đô thị, các khu công nghiệp của Quốc Oai… tạo điều kiện cho sự phát triển mới. Vì vậy, có thể nói, việc được trở thành một đơn vị hành chính của Thủ đô không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của người dân Quốc Oai, mà đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao đối với chính quyền và nhân dân địa phương, nhất là trong thời kỳ Đất nước hội nhập và đang xây dựng Thủ đô xứng danh, ngang tầm thời kỳ mới.

* Hướng phát triển cụ thể của Quốc Oai là gì thưa ông?

- Do Quốc Oai vẫn đang nằm trong giai đoạn quy hoạch, phát triển đô thị nên hiện tại và trong những năm trước mắt chúng tôi vẫn tiếp tục tập trung phát triển trên cả 3 lĩnh vực của nền kinh tế là: Công nghiệp, dịch vụ và phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi dần cơ cấu, giảm dần lao động nông nghiệp, phấn đấu tới năm 2010 cơ cấu kinh tế của huyện sẽ đạt theo tỷ lệ: 46% (CN, XD) – 32% (DV, DL) và chỉ còn 22% là phát triển nông nghiệp. Có như vậy mới có thể nâng thu nhập bình quân đầu người lên 10 triệu đồng/ người/năm vào 2010…

Đối với kinh tế công nghiệp, hiện trên địa bàn Quốc Oai có hơn 70 DN đã được giao đất để thực hiện các dự án đầu tư. Trong đó khu CN Bắc Phú Cát (diện tích hơn 150 ha) đã được GPMB xong, và nay là một phần của khu Công nghệ cao Láng – Hòa Lạc.

Ở thị trấn Quốc Oai hiện có 31 DN đã được giao đất đầu tư (khoảng 72 ha), chiếm gần nửa diện tích của khu CN Thạch Thất – Quốc Oai. Ngoài ra, tại cụm CN Yên Sơn – Ngọc Liệp có 27 DN đã được giao 30 ha đất để đầu tư XD, phát triển kinh doanh. Công nghiệp đang có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế và giải quyết việc là ở địa phương. Hiện giá trị gia tăng của CN và XD đạt trên 570 tỷ đồng/năm, chiếm 40% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 45% diện tích tự nhiên và 70% diện tích đất nông nghiệp của Quốc Oai đã được quy hoạch thành các khu đô thị, các khu CN, các dự án đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu thực hiện đúng tiến độ thì khoảng năm 2015 Quốc Oai sẽ trở thành đô thị hoàn chỉnh với hạ tầng đồng bộ.



Ông Hoàng Sen - Chủ tịch UBND huyện
Quốc Oai. Ảnh: Trọng Quang.

Mặc dù xu hướng là sẽ giảm dần tỷ lệ kinh tế nông nghiệp, nhưng hiện phần lớn các dự án chiếm đất ở Quốc Oai vẫn trong giai đoạn triển khai thủ tục, GPMB; Mặt khác, còn tới gần 80% dân số của huyện vẫn gắn bó với kinh tế nông nghiệp. Do vậy, trước mắt chính quyền vẫn hết sức chú trọng tới việc phát triển nông nghiệp trên địa bàn với việc tập trung ngân sách đầu tư cho các công trình thủy lợi, góp phần tăng năng suất và sản lượng lương thực (đến nay sản lượng lúa của huyện đạt bình quân 60 ngàn tấn/năm).

Để chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị, thời gian qua huyện đã thực hiện quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực Đồng Quang, Cộng Hòa, Cấn Hữu, Nghĩa Hương với diện tích gần 400 ha; Đầu tư phát triển các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ở vùng bãi ven Đáy với TDT hơn 280 ha…

* Chính quyền sẽ giải quyết thế nào về vấn đề lao động nông thôn dôi dư trong quá trình đô thị hóa và CN hóa ở Quốc Oai, thưa ông?

- Đây là vấn đề nan giải chung đối với nhiều địa phương khi phải thu hồi đất nông nghiệp, GPMB phục vụ cho việc đô thị hóa, hoặc XD các khu công nghiệp tập trung. Đối với Quốc Oai, hiện chúng tôi đang có 7 DN lớn tổ chức kinh doanh, thu hút trung bình khoảng 4.000 lao động/năm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 14 làng nghề truyền thống và nhiều làng có nghề khác, mỗi năm giải quyết được hàng ngàn lao động nông thôn. Tuy nhiên, để đảm bảo đời sống cho người dân, giải quyết lao động việc làm cho lao động nông thôn, mới đây chúng tôi đã xây dựng đề án để giải quyết lao động việc làm từ nay tới 2015, trong đó đặc biệt đưa ra những chính sách quan tâm tới lao động vùng đô thị hóa, phát triển CN…

Ngoài ra, chính quyền luôn khuyến khích phát triển các làng nghề tiểu thủ CN để giải quyết việc làm tại chỗ, thu hút làng nghề vào các khu, cụm CN tập trung, đồng thời tăng cường tổ chức chợ lao động, mở ra các chương trình dạy nghề, đào tạo cho thanh niên đến tuổi lao động có nghề để đi tìm việc…Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn theo tôi cần được xã hội hóa với sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó hệ thống chính trị địa phương sẽ giữ vai trò quan trọng nhất…

* Xin cảm ơn ông

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới