Nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đã nhận định như vậy về thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong 2 ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn BĐS quốc tế (FIABCI) khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại TP.HCM.
Căn hộ giá trung bình và căn hộ dịch vụ “lên ngôi”
Nhiều giám đốc công ty BĐS, các quỹ đầu tư đánh giá tình hình tài chính hiện tại mặc dù còn nhiều khó khăn, song triển vọng của một số loại hình BĐS vẫn khá sáng sủa. Ông Matthew Koziora - Giám đốc kinh doanh và marketing Công ty TNHH BĐS VinaCapital - cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam ngày càng nhiều mà phần lớn nguồn vốn này được đầu tư vào những lĩnh vực hấp dẫn nhất, đó là nhà ở, khu công nghiệp, khách sạn, resort... Con số 57 tỉ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm đến nay và vẫn tiếp tục tăng quả là một con số ấn tượng”.
Cũng theo ông Matthew Koziora, nguồn cung về nhà ở tại Việt Nam hiện đang khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn đang rất lớn, đặc biệt một số loại hình BĐS vẫn tăng trưởng khá mạnh như nhà ở (giá rẻ đến trung bình), mặt bằng bán lẻ, khu công nghiệp và khách sạn. “Sở dĩ căn hộ giá rẻ và trung bình đang tiêu thụ khá mạnh là do mức giá vừa với túi tiền của nhiều người có nhu cầu về nhà ở, diện tích nhỏ. Ngoài ra, qua khảo sát chúng tôi cũng nhận thấy loại hình căn hộ dịch vụ cho thuê đang nóng lên từng ngày.
Tại TP.HCM hiện chỉ có khoảng 3.000 căn hộ cho thuê, trong khi đó số lượng người nước ngoài hiện sống và làm việc hơn 50.000 người. Đây là một phân khúc thị trường hầu như bị bỏ ngỏ nhiều năm qua”, ông Matthew Koziora nói. Theo số liệu của VinaCapital, giá thuê căn hộ mới nhất ở quận 1, quận 3, Bình Thạnh dao động từ 40-48 USD/m2/tháng đối với căn hộ có 2 phòng ngủ. Loại hình căn hộ cao cấp có giá thuê khoảng 4.000-5.000 USD/căn/tháng. Giá cho thuê tăng liên tục trong 10 năm qua và sẽ còn tiếp tục tăng là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Kumar Tharmalingam - Tổng thư ký FIABCI châu Á - Thái Bình Dương - cho rằng: “Quỹ tín thác BĐS (REIT) là một trong những công cụ giúp cho nhà đầu tư huy động vốn có kiểm soát và sử dụng đúng mục đích vào các dự án BĐS. Chẳng hạn, tính đến ngày 27.8.2008, trong tổng số vốn REIT ở châu Á là 72,16 tỉ USD thì Nhật Bản đã phát triển nguồn vốn REIT lên đến 37,06 tỉ USD, Singapore cũng là một quốc gia có vốn từ REIT mạnh với 20,88 tỉ USD và Hồng Kông là 8,68 tỉ USD. Một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… cũng đang có xu hướng phát triển REIT khá mạnh, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS và tốc độ xây dựng các dự án nhà ở rất nhanh”.
Ông Marc Townsend - Giám đốc điều hành công ty TNHH CB Richard Ellis (CBRE) Việt Nam - so sánh: “Trong khi giá các loại căn hộ cao cấp ngày càng tuột dốc (chẳng hạn vào tháng 2.2008 giá căn hộ Estella (quận 2) là 2.500 USD/m2 thì hiện tại chỉ còn 1.800-2.200 USD/m2, Sky Garden (Phú Mỹ Hưng) từ 3.000-3.400 USD/m2 nay chỉ còn 1.800-2.400 USD/m2, Everich từ 2.000-2.500 USD/m2 nay còn 1.800-2.200 USD/m2, Saigon Pearl từ 3.200-4.300 USD/m2 xuống còn 2.300-3.300 USD/m2...), thì loại căn hộ có giá trung bình của Công ty Nam Long như An Viên (quận 7), E.Home (quận 9) vẫn bán rất thành công. Tại sao vậy?”. Có 6 lý do được ông Marc Townsend đưa ra để giải thích: “Vì giá bán phù hợp (từ 800-1.100 USD/m2 hoặc 40.000-80.000 USD/căn, vì diện tích vừa phải (từ 50-70m2), phương thức thanh toán hợp lý, tiến độ xây dựng tốt và đảm bảo giao nhà vào thời điểm chính xác, nhu cầu thật và vị trí giao thông thuận tiện”.
Về thị trường căn hộ cho thuê, ông Marc Townsend cho rằng, ngoài 3.000 căn hộ dịch vụ, nguồn cung căn hộ dịch vụ cho thuê tại TP.HCM vẫn rất hạn chế. Trong khi đó từ năm 1996 đến nay, mỗi năm giá cho thuê tăng từ 12-20% và CBRE dự báo trong vòng 5 năm tới, giá cho thuê mỗi năm sẽ tăng từ 15-20%.
Lực cản tài chính và pháp lý
Bà Đỗ Thị Loan - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) - cho biết: “Nhu cầu nhà ở của người dân rất cao nhưng phần lớn đều cần sự hỗ trợ từ phía ngân hàng. Lãi suất cho vay BĐS hiện nay vẫn dao động từ 19-20%/năm là một áp lực rất lớn. Vì vậy, qua khảo sát của HoREA, rất nhiều trường hợp người dân có tâm lý chờ đợi lãi suất cho vay hạ xuống mới mua nhà”.
Bà Loan cũng cho rằng, hiện tại các chủ đầu tư các dự án rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn vay từ ngân hàng. Việc tìm kiếm đối tác nước ngoài cũng không dễ và việc đàm phán giá đất rất khó thành công vì các chỉ tiêu quy hoạch không hợp lý, hệ số sử dụng đất thấp và quy hoạch chưa thực sự chú trọng đến hiệu quả kinh tế nên khó hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong việc liên kết, hợp tác với các đối tác trong nước.
Ngoài ra, hàng loạt khó khăn khác như hệ thống hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, tính minh bạch của thị trường BĐS còn thấp và hệ thống pháp luật trong quản lý và phát triển thị trường BĐS chưa hoàn chỉnh... là những lực cản khá lớn cho nhiều nhà đầu tư. “Theo tôi, cần phải có chính sách rõ ràng và thông thoáng cho chủ đầu tư huy động vốn từ phía khách hàng mua nhà và có kiểm soát để chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Nếu chủ đầu tư nào không tuân thủ sẽ có biện pháp chế tài nghiêm minh. Có như vậy mới giải được bài toán khó khăn về vốn hiện nay” - bà Loan nói.
Ông Trương Trọng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM - nhận định: “Nếu nhìn lại năm 2007, chúng ta sẽ thấy hiện tượng bong bóng giá nhà đất đã đẩy mức giá BĐS lên tới mức bất hợp lý. Với sự điều chỉnh ở tầm vĩ mô, bong bóng BĐS đã được khống chế và mức giá nhà đất dần dần được trả về giá trị thực của nó. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư nhìn nhận lại chiến lược, tiềm lực kinh doanh của mình để đầu tư đúng hướng và cũng là cơ hội cho người dân có thể mua nhà, đất để tạo lập chỗ ở với mức giá hợp lý hơn”.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: