Đó là một trong những giải pháp thực hiện trong thời gian tới của Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) TP nhằm phân loại, tập trung chỉ đạo hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, đặc biệt với các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Chiều hôm qua, tại cuộc họp giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP đã có báo cáo về tình hình tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2008, TP đã phê duyệt 3/7 đồ án quy hoạch chi tiết theo kế hoạch năm 2008 gồm Khu đô thị mới trung tâm Tây Hồ Tây, Công viên Hòa Bình và Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội. 9/24 dự án đã được đầu tư theo kế hoạch.
TP cũng đang tập trung triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB cho các dự án: đường Lạc Long Quân; đường 5 kéo dài; đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Bưởi, nút Bưởi... hoàn thành GPMB 2/16 dự án theo kế hoạch GPMB trong năm 2008.
Bên cạnh một số dự án đã GPMB xong trước năm nay là Khách sạn 5 sao đường Trần Duy Hưng, Khách sạn Keang Nam đường Phạm Hùng, Bảo tàng Hà Nội thì cũng còn một số dự án chưa triển khai công tác GPMB do chưa có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền: Đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu; Nhà hát lớn Thăng Long; Cụm trường THCN và dạy nghề…
Nêu ra nguyên nhân khiến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án đạt thấp, ông Biền cho rằng đó là hệ quả của một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như cơ chế, chính sách, trượt giá, lạm phát… Một số dự án sau khi GPMB đã không triển khai, để đất trống, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác GPMB của Thành phố…
Do đó, thời gian tới, Ban chỉ đạo GPMB của TP bên cạnh việc rà soát toàn bộ trên 800 dự án liên quan đến thu hồi đất, GPMB trên toàn TP, sẽ cắt giảm hoặc dãn tiến độ với các dự án chưa đủ điều kiện thực hiện công tác bồi thường, GPMB, dự án kém hiệu quả; xử lý các chủ đầu tư theo quy định của pháp luật đối với những dự án chậm triển khai, để đất trống sau khi GPMB.
Chỉ giao đất cho hộ gia đình bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp
Ban chỉ đạo GPMB TP cho biết chính sách hỗ trợ bằng giao đất dịch vụ hoặc đất ở khi thu hồi đất nông nghiệp trước đây có sự khác biệt về đối tượng, mục đích giao đất, phương thức và diện tích giao giữa Hà Nội và các địa phương mới sáp nhập như Hà Tây, Vĩnh Phúc, vì vậy từ nay trở đi cần phải thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ và phù hợp với đặc thù của Thủ đô.
Cụ thể, các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp mới là đối tượng được giao. Việc cân đối mức giao đất để phù hợp với thực tiễn Thủ đô là tất yếu bởi quỹ đất sản xuất nông nghiệp sẽ rất hạn chế tuy nhiên sẽ có giá trị hơn so với trước khi hợp nhất.
Về giá các loại đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ tiếp tục áp dụng đến hết năm 2008 theo đúng bảng giá do UBND Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc và Hòa Bình đã ban hành trong năm 2008 theo quy định của Chính phủ. Giá áp dụng trong năm 2009 cũng tuân thủ theo cơ sở khả năng sinh lợi, thuận lợi về giao thông, độ phì…, do đó sẽ bình ổn, không có biến động lớn. Cục bố có khu vực sẽ điều chỉnh tăng, thậm chí có nơi sẽ phải điều chỉnh giảm khi rà soát theo nguyên tắc trên.
Chính sách hỗ trợ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, mức hỗ trợ cho người bị thu hồi đất của Hà Nội cao hơn so với Hà Tây và Vĩnh Phúc, do đó, lợi ích của người bị thu hồi đất sẽ được quan tâm, chú trọng hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: