Top

Vẫn có “cửa” cho những dự án bất động sản vi phạm

Cập nhật 05/03/2009 09:45

Dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thay thế Nghị định số 182/2004/NĐ-CP mới chỉ giơ cao đánh khẽ và vẫn có “cửa” cho những dự án vi phạm.

Mặc dù vậy, dự thảo này đã có nhiều thay đổi theo hướng tăng mức độ xử phạt và nới rộng phạm vi các vi phạm buộc xử phạt.

Hai nội dung đáng chú ý nhất trong dự thảo nghị định xử phạt thay thế là xử phạt sai phạm về sử dụng đất xây dựng công trình, đầu tư bất động sản thuộc khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế trái với quy hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được công bố và chậm đưa đất vào sử dụng.

Cụ thể, những vi phạm khi trái quy hoạch sử dụng đất bị xử phạt hành chính ở mức phạt cao nhất từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm nếu hậu quả của hành vi thuộc mức cao nhất, khi giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm quy thành tiền từ mười triệu đồng trở lên đối với đất nông nghiệp và từ năm mươi triệu đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.

Đối với những trường hợp vi phạm khi chậm đưa đất vào sử dụng sẽ chịu hai mức phạt: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm quá thời hạn 12 tháng liền; không sử dụng đất trồng cây lâu năm quá thời hạn 18 tháng liền; không sử dụng đất trồng rừng qúa thời hạn 24 tháng liền.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng đất được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư quá thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.

Trao đổi với VnEconomy, một số doanh nghiệp cho rằng, tuy có điều khoản xử phạt bổ sung, buộc doanh nghiệp có dự án vi phạm phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm, đồng nghĩa với việc đình chỉ, dừng dự án, nhưng dự thảo nghị định xử phạt thay thế lại không quy định cụ thể hơn rằng, trong trường hợp những dự án có sai phạm về quy hoạch sử dụng đất nhưng không chịu khôi phục lại tình trạng của đất như trước thì sẽ chịu hình thức xử phạt nào tiếp theo?

Trong khi đó, việc quản lý thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chính là cơ sở pháp lý để nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu việc kiểm soát quy hoạch sử dụng đất bị buông lỏng hoặc với phương án xử phạt kém thực tế sẽ dẫn tới hiện tượng tự chuyển mục đích sử dụng đất vì mục tiêu lợi nhuận.

Cũng theo một số chuyên gia, hình thức xử phạt hành chính đối với những vi phạm chậm đưa đất vào sử dụng đều quá thấp khi chậm đưa đất vào sử dụng là một trong những nguyên nhân chính gây ra quy hoạch treo, dự án treo, lãng phí tài nguyên đất.

Một số chuyên gia cho rằng, không chỉ dừng lại ở những mức xử phạt “giơ cao đánh khẽ” như trên, mà cần mạnh tay hủy bỏ những quy hoạch không thể triển khai và thu hồi đất đối với những dự án mà đã được bàn giao nhưng chủ đầu tư thiếu năng lực triển khai.

Về thẩm quyền xử phạt hành chính, dự thảo nghị định xử phạt thay thế nêu rõ thẩm quyền của UBND các cấp và thanh tra các sở trong việc xử phạt vi phạm hành chính.

Trong đó, ngoài quyền phạt cảnh cáo, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm, còn có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụg để vi phạm hành chính theo giá trị và mức phạt tăng dần theo thẩm quyền.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy