Top

Từ nay đến cuối năm: Thị trường bất động sản sẽ ấm lên

Cập nhật 22/06/2007 18:00

Nhiều người “tỉnh táo” vẫn đang âm thầm chờ đợi một làn sóng rót tiền mới vào thị trường bất động sản vì xu hướng “ấm lên” từ nay đến cuối năm và sang năm 2008 rõ ràng là khó tránh khỏi, đặc biệt đối với các bất động sản “đẹp”.

Một quan chức của Bộ Tài chính nhận định, trong những tháng tới, sự sôi động của thị trường bất động sản (BĐS) chắc chắn sẽ dần được khôi phục, đặc biệt đối với loại BĐS địa thế đẹp.

Nhiều chuyên gia BĐS “sừng sỏ” cũng dự báo, thời gian tới đây, thị trường BĐS cao cấp của Việt Nam sẽ là đích nhắm của nhiều nhà đầu tư. Đặc biệt, sẽ có nhiều nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư vào BĐS tại hai thị trường lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Những dự báo này đều dựa trên cơ sở phân tích kỹ nhu cầu của thị trường và xu huớng đầu tư vào BĐS ở Việt Nam trong ngắn hạn.

Trên thực tế, từ khoảng trung tuần tháng 3 đến đầu tháng 4, giá BĐS đã sốt nóng cục bộ ở mọt số nơi như khu vực Quận 2, 7, 8 (Thành phố Hồ Chí Minh) và các khu đô thị Ciputra, The Manor, Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội). Cụ thể, tại TPHCM, nơi “đắc địa”, có định hướng quy hoạch rõ ràng, kết cấu hạ tầng tốt, giá các căn hộ chung cư trung và cao cấp hoặc biệt thự đã tăng từ 1,5-2 lần. Tại Hà Nội, giá một số dự án cao cấp cũng tăng khoảng 20% trở lên...

Tuy thời điểm này, thị trường đã có phần lắng xuống nhưng nhu cầu về các dạng BĐS cao cấp vẫn luôn luôn cao, đặc biệt đối với những BĐS đẹp có thể xây văn phòng cho thuê. Theo Công ty chuyên tư vấn BĐS tại Việt Nam CBRE, nhu cầu thuê văn phòng ngày càng tăng mạnh với giá cho thuê sẽ tăng 10% trong những tháng cuối năm nay và năm tới. Do vậy, BĐS “đẹp” sẽ được nhiều nhà đầu tư săn lùng và giá tăng lên là điều hiển nhiên.

Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Vincom cũng khẳng định, sự bùng nổ của việc phát triển các trung tâm thương mại lớn do hàng loạt nhà phân phối bán lẻ tầm cỡ của thế giới và trong nước đổ xô vào lĩnh vực này chính là “bàn đạp” cho việc đầu tư BĐS “đẹp” phát triển và chắc chắn thị trường này sẽ “nóng” lên từng ngày. Chính vì vậy, Vincom chọn hướng đi sắp tới của mình là đầu tư xây dựng các công trình cao cấp tại các vị trí đẹp, trước mắt là Hà Nội, sau sẽ đến các thành phố lớn khác...

Đấy là chưa kể, BĐS đẹp, cao cấp cũng đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư. Quỹ đầu tư JSM Capital Indochina mới đây đã khẳng định, thị trường BĐS Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và bản thân Công ty cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường này, đặc biệt là vào việc xây dựng các trung tâm mua sắm và các căn hộ cao cấp tại Hà Nội và TPHCM. Tập đoàn BĐS có vốn 2 tỷ USD Savills cũng vừa tuyên bố đầu tư vào Công ty Chesterton Petty Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án cao ốc văn phòng, khu thương mại và nhà ở cao cấp...

Ông Robert McKellar, Tổng giám đốc Savills khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì nhận định, với nguồn vốn FDI khoảng 13 tỷ USD sẽ đổ vào Việt Nam trong năm nay, chắc chắn nhu cầu về văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại sẽ rất lớn. Do vậy, các BĐS đẹp sẽ được săn lùng không chỉ trong năm nay mà còn kéo dài ít nhất sang cả năm 2008...

Xu hướng thị trường BĐS “ấm lên” và thậm chí còn có thể “sốt nóng” đối với các BĐS đẹp còn được các phân tích từ các cơ quan quản lý Nhà nước khằng định. Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục quản lý giá - Bộ Tài chính cũng nhận định, thị trường BĐS trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm và sang năm 2008 có nhiều triển vọng sôi động, nhất là với những BĐS có định hướng quy hoạch rõ ràng, vị thế đẹp, thuận lợi cho xây dựng văn phòng, trung tâm thương mại và chung cư cao cấp...

Cơ sở để “tin” vào xu hướng này là: Nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và ổn định trong thời gian qua và triển vọng thời gian tới càng sáng lên khi Việt Nam đã gia nhập WTO được hơn 6 tháng. Đây là chính là cơ hội cho thị trường BĐS tiềm năng phát triển.

Luật kinh doanh BĐS cũng đã có hiệu lực thi hành từ 1/1/2007 đã tạo môi trường pháp lý minh bạch, đang thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài vào BĐS. Đã có nhiều tập đoàn lớn, chuyên gia kinh doanh trong lĩnh vực BĐS từ Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc... đến Việt Nam tìm hiểu và ký kết văn bản hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp BĐS trong nước, khởi động lại một số dự án và một số dự án khác đã được cấp phép.

Bên cạnh đó, bản thân nền kinh tế Việt Nam cũng đang tích cực mời gọi đầu tư vào các dự án BĐS lớn. Mới đây, Hà Nội công bố 90 dự án kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực nhà ở và công trình hỗn hợp, thương mại dịch vụ... Nhiều khu đô thị mới ở TPHCM và các tỉnh cũng kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài như Khu dân cư Nhơn Trạch - Đồng Nai, Khu văn hợp giải trí Kiên Giang, Khu đô thị Ngã năm sân bay Cát Bi- Hải Phòng...

Một nguyên nhân quan trọng nữa để thị trường BĐS “ấm” lên là thực tế hiện nay nhu cầu về BĐS vẫn tăng, thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển nhưng nguồn cung lại hạn chế, nhất là đối với các khu văn phòng, khách sạn, căn hộ, trung tâm mua sắm, các đô thị mới theo mô hình Phú Mỹ Hưng - TPHCM...

Mặt khác, hiện có khoảng 100.000 Việt kiều đang có nhu cầu gửi tiền về mua nhà và sở hữu nhà trong nước. Vì vậy, nếu tới đây quy định cho Việt kiều và người nước ngoài mua nhà, đất trong nước được nới lỏng thì thị trường BĐS sẽ lại càng được kích cầu ghê gớm hơn. Như vậy, tiềm năng của thị trường BĐS Việt Nam vẫn rất rộng mở, chỉ có điều nhà đầu tư có lựa chọn được cho mình những thời điểm và mục tiêu đầu tư thích hợp hay không mà thôi.

(Theo TTXVN)