Nhà ga chưa thấy, nhà trái phép mọc đầy!
Nghe nhắc tới khu quy hoạch ga hành khách kỹ thuật Bình Triệu, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức- TPHCM, bà Võ Thị Hằng, ngao ngán: “Khổ lắm!”. Bà nhìn nhận nhiều năm qua tình trạng xây dựng trái phép xảy ra hàng loạt tại đây bởi quy hoạch “treo”.
Đua nhau xây
Biết chúng tôi đang có nhu cầu thuê nhà cho hai đứa em trọ học tại khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, bác xe ôm ở ngã tư Quốc lộ 13- Kha Vạn Cân, ân cần: “Lội sâu vô trong, nhà thiếu gì, thuê cũng được mà muốn mua cũng có”. Len qua dãy hàng quán lụp xụp ven Quốc lộ 13, đập vào mắt chúng tôi là những căn nhà hình hộp với diện tích ước chừng không quá 40 m2 nằm san sát. Bà T., chủ một căn nhà treo biển “bán hoặc cho thuê”, đon đả: “Thuê nguyên căn 1,5 triệu đồng/tháng, ở mấy đứa cũng được, điện nước tự trả”. Khi chúng tôi dạm hỏi giá bán, chủ nhà mừng ra mặt: 300 triệu đồng, bao... giấy tay!
Nhiều người ở khu vực này thú nhận nhà mình được xây không phép, thậm chí ngay cả xây trên đất chưa chuyển mục đích sử dụng. Càng đi sâu vào bên trong, chúng tôi càng bắt gặp nhiều khu nhà lụp xụp kề vách, tựa lưng vào nhau với những lối đi rộng chưa quá 1m thấp trũng, ngập úng. Có những khu nhà chỉ lèo tèo vài căn, xung quanh toàn ao, rạch; lau sậy um tùm.
Những khu nhà này là “sản phẩm” của tình trạng san lấp, lấn rạch trái phép từng rộ lên một thời gian dài ở Hiệp Bình Chánh. Cả một khu vực hơn 50 ha thuộc phạm vi quy hoạch ga Bình Triệu, trải dài suốt từ Quốc lộ 13 đến đường Hiệp Bình, có đến hàng trăm căn nhà được xây dựng không phép. Cũng trong khu vực quy hoạch ga Bình Triệu, phía phường Hiệp Bình Phước, tình trạng nhà xây dựng không phép cũng diễn ra và tồn tại với một “kịch bản” tương tự.
Dân, quan cùng khổ!
Quy hoạch chi tiết khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu được Kiến trúc sư trưởng TP phê duyệt từ tháng 3-2002 với quy mô 200 ha thuộc địa bàn hai phường Hiệp Bình Chánh và Hiệp Bình Phước. Theo đó, ngoài khu đầu mối giao thông đường sắt trên cơ sở mở rộng ga Bình Triệu hiện hữu còn có khu dân cư, khu công trình công cộng như trung tâm thương mại, trường học, công viên cây xanh...
Bà Võ Thị Hằng cho biết từ khi có quy hoạch chi tiết, chính quyền địa phương rơi vào tình trạng ăn ngủ không yên. Bởi lẽ phần lớn đất đai ở khu vực này là đất nông nghiệp nên khi có quy hoạch làm nhà ga, người dân không được chuyển mục đích sử dụng. Nhiều gia đình, khi con cái lớn lên cưới vợ gả chồng không có chỗ ở nên phải tự san lấp, xây nhà dù biết là sai luật. Mặc dù mấy năm gần đây, tình trạng xây dựng không phép đã được hạn chế đáng kể, nhưng chỉ trong năm 2006 vẫn còn hơn 50 trường hợp vi phạm bị phát hiện trong phần đất quy hoạch ga. Riêng trong mấy tháng đầu năm 2007, lực lượng Quản lý Trật tự đô thị phường cũng đã lập biên bản xử phạt gần 10 trường hợp vi phạm.
Giải mã nguyên nhân, chính quyền địa phương cho biết, ngoài một bộ phận người dân từ nơi khác đến mua đất bằng giấy tay để xây nhà, còn lại là người dân tại địa phương vì nhu cầu chỗ ở nên cứ liều xây dựng không phép và sẵn sàng nộp phạt khi bị phát hiện. “Bà con xây dựng không phép là sai, nhưng mình quy hoạch kiểu “treo” quyền sử dụng đất để rồi xử phạt bà con quả thật có gì đó chưa sòng phẳng” - bà Hằng nói. Theo bà, điều bất cập lâu nay là khi phát hiện vi phạm, hình thức xử phạt chính là phạt tiền, yêu cầu người dân tự tháo dỡ chỉ là hình thức xử phạt bổ sung, phải qua năm lần bảy lượt mới được cưỡng chế. Hầu hết các trường hợp vi phạm được phát hiện khi người dân rục rịch làm móng, nhưng đến khi có quyết định cưỡng chế thì nhà đã khang trang.
Để chấn chỉnh, mới đây, UBND quận Thủ Đức đã có văn bản cho phép Đội Quản lý Trật tự đô thị và UBND 12 phường khi phát hiện xây dựng không phép trong khu vực quy hoạch phải nhắc nhở người dân tạm ngưng thi công, nếu không chấp hành thì lập biên bản và tháo dỡ ngay khi công trình chưa hoàn thành.
Theo NGUYỄN TRIỀU - Người lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: