Top

Quảng Bình: Những công trình lãng phí...tiền tỷ

Cập nhật 18/06/2007 13:00

Được xác định là một tỉnh đang nghèo, nhưng những dự án đầu tư hàng tỷ đồng của Nhà nước được thực hiện tại Quảng Bình lại không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí nghiêm trọng...

Sau 3 năm bàn giao, làng nghề Cảnh Dương (3 tỷ đồng) vẫn là khu đất 10ha để hoang, với... lèo tèo 3 nhà xưởng chưa được đóng điện. Công trình nước Phong Nha (vốn đầu tư 4 tỷ) thì thành một đống bêtông, sắt vụn cỏ lấp đầy...

Long đong dự án làng nghề 3 tỷ đồng

Tháng 12/2004, dự án điểm làng nghề Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) có diện tích 10 ha do tỉnh đầu tư hoàn thành phần cơ sở hạ tầng với tổng giá trị đầu tư 3 tỷ đồng đã được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý sử dụng. Tuy nhiên đã 3 năm qua, vẫn chưa có một cơ sở nào đi vào hoạt động.

Nhìn vào làng nghề hiện tại, thì thấy đây có vẻ là một khu tái định cư hơn là một cụm làng nghề tiểu thủ công nghiệp, chỉ thấy những bãi đất hoang, rải rác vài ngôi nhà (xưởng sản xuất) đang xây dở dang...

Ngoài hệ thống đường điện và đường giao thông đất là 3 ngôi nhà đã được xây dựng xong và lèo tèo vài căn đang xây dựng dở dang khác. Một khu đất khác được rào kín bằng hàng rào dây kẽm gai và sát hàng rào là hàng đậu đũa xanh tốt đang leo giàn báo hiệu một vụ bội thu!



Một cơ sở đầu tư tại làng nghề để...trồng đậu


Theo đề án, làng nghề Cảnh Dương có các cụm ngành nghề: Sản xuất nghề lưới, dịch vụ nghề cá, kinh doanh vật liệu xây dựng, sản xuất mây tre đan xuất khẩu, thu gom chế biến hải sản, sản xuất mộc mỹ nghệ, sản xuất hương... Tháng 6/2006, xã tiến hành xét duyệt đợt đầu tiên các dự án xin đầu tư phát triển sản xuất tại làng nghề của dân. Đến thời điểm hiện tại xã đã nhận được 60 hồ sơ dự án, đã xét duyệt cấp phép cho 32 dự án và hiện nay đã có 3 hộ dân tiến hành xây dựng xong cơ sở sản xuất.

Ccơ sở sản xuất xây dựng xong vẫn chưa thể hoạt động được vì... chưa có điện! Hệ thống điện của làng nghề hoàn thành đã 3 năm, nhưng chưa đóng điện...

Ông Đồng Thanh Đắng, thành viên ban Quản lý dự án làng nghề cho hay: để phủ kín diện tích làng nghề mà dự án đã quy hoạch phân bổ cho từng loại ngành nghề thì phải có trên hai trăm dự án của dân đầu tư vào phát triển sản xuất. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư vào làng nghề của người dân là rất ít, nhiều hộ muốn đầu tư vào đây nhưng lại thiếu vốn hoặc không đáp ứng được yêu cầu quy định của dự án.

Với thực trạng hiện tại thì rất khó có thể nói đến bao giờ làng nghề mới có thể bắt đầu khởi động dù là chỉ một vài cơ sở sản xuất và càng khó nói hơn đến lúc nào thì có thể khai thác có hiệu quả khu làng nghề này... Một lãnh đạo huyện Quảng Trạch cho hay: sự thất bại của dự án là điều không thể tránh khỏi (?).

Công trình nước sạch 4 tỷ... để hoang!

Đầu năm 2005, Công trình nước Phong Nha (huyện Bố Trạch) do Sở Thương mại - Du lịch tỉnh làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng khánh thành trong niềm hân hoan của người dân xã Sơn Trạch và cán bộ, nhân viên khu Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tuy nhiên, sau khoảng 6 tháng cấp nước thì công trình “vặn” mình... rỉ ra những giọt nước cuối cùng và khô cong cho đến bây giờ!

Công trình này được xây dựng vào cuối năm 2003, hoàn thành đầu năm 2005. Khi đưa vào sử dụng, công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho một số cụm dân cư trên địa bàn, Trung tâm Văn hoá và du lịch Phong Nha, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng… Song, chỉ sau hơn nửa năm khánh thành, công trình ngốn tiền Nhà nước gần 4 tỷ đồng này dần trở thành hoang phế!



Công trình tiền tỷ thành hoang phế




Công trình nước sạch Phong Nha
bây giờ thế này...


Cỏ mọc um tùm, trùm lên cả những khoảng sân xây bằng xi măng, hàng rào bị kẻ xấu đập phá tạo nên từng khoảng trống. Hàng chục tấm nắp đậy bể nước được đúc bằng bê tông cũng bị kẻ xấu đập vụn để lấy sắt...

Hệ thống bể chứa nước do không có nắp đậy nên trở thành “địa điểm” làm trò tiêu khiển cho trẻ chăn trâu ném đủ các loại gạch, đá, rác rưởi… và trở thành chỗ chứa nước bẩn, ô nhiễm. Cánh cửa sắt bảo vệ dưới chân đài nước đã bị tháo trộm, chỉ còn lại cánh cửa phía trên, không biết sẽ bị mất lúc nào? Do không có ai canh giữ nên hệ thống van, khoá, ốc vít cũng đã bị kẻ xấu tháo bán sắt vụn!

Vì công trình cấp nước… khô nước, nên Trung tâm Nghiên cứu khoa học và cứu hộ (thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) phải bỏ kinh phí xây một trạm bơm nước ngay dưới chân đài nước và bơm nước từ sông Son lên để dùng!

Cũng như nhiều người dân khác, ông Lê Thanh Hòa ở xã Sơn Trạch cũng bức xúc vì sự vô trách nhiệm của chủ đầu tư công trình cấp nước này: "Tiền do dân đóng thuế góp vào đây, vậy mà họ xem nhẹ như không. Nhiều lần dân chúng tôi đã kiến nghị lên kỳ họp HĐND tỉnh, thế nhưng không thấy cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm về sự lãng phí này...".

Theo BẢO HẠNH - VietNamNet