Top

Từ 1-11, Sở Xây dựng TP.HCM: Cấp phép xây dựng nhanh hơn

Cập nhật 30/10/2007 15:00

Hiện nay, việc cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở... là những thủ tục bị các chủ đầu tư xây dựng công trình tại TP.HCM cho rằng nhiêu khê nhất và mất thời gian nhất. Sở Xây dựng cho biết từ ngày 1 - 11, Sở sẽ tiến hành cải cách thủ tục hành chính để giải quyết những hồ sơ này nhanh hơn.

Theo quy trình mới, Sở Xây dựng sẽ cử lãnh đạo các phòng ban, cán bộ có chuyên môn, năng lực, am hiểu nội dung thủ tục, hồ sơ liên quan ra “gác cửa” ngay từ lúc nhận hồ sơ. Cách làm này ngược lại hoàn toàn so với trước đây. Các phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh văn phòng Sở Xây dựng, thành viên hội đồng cải cách của Sở về sự thay đổi này.

Kiểm tra hồ sơ từ đầu

* Thưa ông, phải chăng trước đây khâu tiếp nhận hồ sơ không hoàn thiện khiến khâu thụ lý giải quyết hồ sơ gặp khó khăn?

+ Cán bộ tiếp nhận hồ sơ theo quy trình trước đây không phải là không có chuyên môn nhưng theo quy định họ không được kiểm tra nội dung hồ sơ. Cơ chế cũ chỉ yêu cầu họ đếm đủ hồ sơ như quy định là nhận vào. Bản vẽ có sai sót hay không, giấy tờ này đủ tính pháp lý hay chưa... thì đến khâu thụ lý mới xem xét và thông báo cho người nộp. Do đó khó có thể giải quyết được đúng hẹn với tổ chức, doanh nghiệp. Còn với cách làm mới, cán bộ tiếp nhận sẽ được tham gia hướng dẫn hồ sơ về pháp lý lẫn kỹ thuật để khi nhận vào là hoàn chỉnh.

* Cơ chế mới sẽ vận hành ra sao?

+ Trưởng, phó phòng ban chịu trách nhiệm phân công, luân chuyển cán bộ tiếp nhận hồ sơ theo tuần. Người tiếp nhận sẽ kiêm luôn thụ lý hồ sơ, nếu làm không xuể thì phòng sẽ giao cho cán bộ thụ lý khác. Trường hợp hồ sơ đầu vào quá nhiều thì lãnh đạo phòng sẽ chủ động điều phối nhân sự để không ùn tắc.

Sở chủ trương cho cán bộ linh động về thời gian hướng dẫn, nếu một buổi không kịp thì cả ngày hoặc vài ba ngày. Khi đã hướng dẫn xong, hồ sơ được nhận là hoàn chỉnh nên việc giải quyết sẽ đúng hẹn hoặc nhanh hơn, không phải yêu cầu sửa chữa, bổ sung gì nữa. Điều này sẽ giúp chủ đầu tư được chủ động trong công việc của mình rất nhiều. Vừa qua, việc thẩm định thiết kế cơ sở công trình trụ sở của VKSND TP được giải quyết xong chỉ sau ba ngày làm việc. Hồ sơ hoàn chỉnh thì không có lý do gì để giải quyết chậm.

Giám sát cán bộ có “làm khó” dân

* Cơ chế “một cửa” trước đây hạn chế việc cán bộ thụ lý giải quyết hồ sơ tiếp xúc với đương sự. Nay Sở Xây dựng làm ngược lại thì có vi phạm cơ chế “một cửa” không, thưa ông?

+ Trước đây cũng không thể hạn chế cán bộ thụ lý gặp chủ công trình bởi hồ sơ phát hiện ra sai sót thì cán bộ phải lập biên bản hướng dẫn chủ đầu tư sửa chữa sai sót đó. Nhưng theo cách làm cũ thì quá cực cho chủ đầu tư lẫn cán bộ thụ lý vì khi giải quyết hồ sơ mới yêu cầu bổ sung, điều chỉnh.

* Vậy nếu cán bộ thụ lý giải quyết khi tiếp nhận hồ sơ cố tình hướng dẫn khó hiểu hoặc lắt nhắt nhiều lần thì làm sao ngăn chặn?

+ Mỗi lần hướng dẫn đều phải lập thành biên bản để giám sát được cán bộ mình có làm khó hay không. Đây cũng là tiêu chí để đánh giá năng lực cán bộ của Sở. Lãnh đạo của phòng sẽ là người chịu trách nhiệm trước giám đốc trong việc thực hiện hướng dẫn thủ tục cho chủ đầu tư. Sắp tới, phòng tiếp nhận sẽ bố trí hệ thống camera để quản lý tốt hơn. Ngoài ra, người nộp hồ sơ có thể phản ánh qua hộp thư góp ý hoặc trực tiếp cho văn phòng sở.

* Xin cảm ơn ông

Theo Pháp Luật