Thực trạng thị trường bất động sản TPHCM đang chứng kiến hàng loạt vụ tranh chấp chung cư giữa chủ đầu tư và khách hàng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) dự báo, từ giờ đến hết năm 2017 các cuộc “nội chiến” kiểu này sẽ vẫn còn tiếp tục chưa có hồi kết.
HoREA khẳng định tình trạng tranh chấp trong chung cư tiếp tục gia tăng. Nguồn ảnh: PV |
HoREA khẳng định, tình trạng tranh chấp trong chung cư tiếp tục gia tăng, chủ yếu là tranh chấp do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu Ban quản trị, chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư, tranh chấp phần sở hữu chung trong chung cư (nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê...), tranh chấp về quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư do các hộ dân nộp hàng tháng, về chất lượng xây dựng chung cư, chất lượng thiết bị, công trình phòng cháy chữa cháy.
“Đặc biệt gay gắt là nhiều trường hợp chủ đầu tư không làm "sổ đỏ" cho người mua nhà qua nhiều năm, trong đó có nhiều trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở không đảm bảo an toàn”, HoREA nhấn mạnh.
Theo báo cáo của HoREA, việc thực hiện khoản 12 điều 6 Luật Nhà ở về việc nghiêm cấm "sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở" (áp dụng kể từ ngày 01.01.2016) đã có tác động đến nhiều hộ dân và doanh nghiệp đã có hoạt động kinh doanh nhiều năm (thậm chí có những trường hợp đã kinh doanh ổn định vài chục năm qua) ở một số khu chung cư cũ có truyền thống vừa ở vừa kinh doanh, hoặc tầng trệt hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, việc Bộ Tài chính công bố danh sách 60 dự án nhà ở sử dụng quỹ đất do thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc di dời nhà xưởng vào khu công nghiệp, chuyển sang cơ quan Thanh tra Chính phủ tham khảo trong quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra về đất đai năm 2017, đã có tác động đến chủ đầu tư và cả người mua nhà.
HoREA cũng nhận định, một trong những “điểm nghẽn” khiến thị trường bất động sản vẫn chưa phát triển minh bạch, lành mạnh đó là việc chuyển nhượng dự án bất động sản do pháp luật quy định chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng và phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có nhiều dự án thế chấp làm tài sản bảo đảm, nhiều trường hợp là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu ngân hàng. Do vậy, chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới thay thế để khởi động lại các dự án đã bị ngưng triển khai hiện nay, cũng như chưa tạo được sự thông thoáng trong thị trường chuyển nhượng dự án, cần coi đây là một hoạt động kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp.
Tuy vậy, theo Hiệp hội, vấn đề “bong bóng” bất động sản trong năm 2017 sẽ khó xảy ra do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước; do các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường; và do các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: