Top

TP.HCM: nhức nhối đất đai, gỡ cách nào?

Cập nhật 19/10/2017 09:08

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến: “Không để tình trạng “treo” rồi phát sinh chạy chọt”.

“Làm đúng thì bị hành, làm sai thì cứ nhơn nhơn”. Đó là nghịch lý trong lĩnh vực đất đai, xây dựng mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa nêu ra tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân với Đoàn ĐBQH TP.HCM và UBND TP.HCM ngày 18-10.
Theo ông Nghĩa, những người có nhu cầu giao dịch về nhà, đất mà làm đúng quy định pháp luật thì bị nhũng nhiễu nhưng có chung chi, lót tay, bôi trơn thì mới xong việc. “Không riêng gì TP.HCM mà là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước” - ông Nghĩa nói.

Vi phạm giữa ban ngày

Nói thêm về nghịch lý này, ông Nghĩa nhận xét: “Chúng ta xử lý không nổi hoặc có xử lý thì cũng rất chậm. Có khi phạt cho tồn tại rồi đề xuất hợp thức hóa cho phần hợp pháp, phần không hợp pháp thì cứ để đó. Cách xử lý như vậy là nương tay, mà càng nương tay thì càng khuyến khích người ta vi phạm”.

Ông Nghĩa cũng cho rằng vi phạm trong xây dựng hiện nay không còn là “trộm cắp ban đêm” nữa mà là diễn ra trắng trợn ngay cả ban ngày, như “việc xây dựng không phép vượt mấy tầng ngay giữa thủ đô, công trình làm cả tháng trời, ngay giữa ban ngày mà không bị phát hiện, xử lý”.

Ông Nghĩa đánh giá vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng có tính chất lây lan. Người này làm được thì người kia cũng làm được. Ông đề nghị TP cần phải nghiên cứu phương thức quản lý phù hợp để tăng hiệu quả nhưng không cản trở sự phát triển của TP.

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, TP.HCM là đô thị đặc biệt, lượng hồ sơ giao dịch nhà, đất của người dân là rất lớn. Riêng huyện Bình Chánh mỗi năm khoảng 34.000 hồ sơ nhà, đất, quận 9 là hơn 18.000 hồ sơ... “Điều này cho thấy nhu cầu hợp thức hóa nhà, đất của người dân là rất lớn. Do đó, bên cạnh pháp luật thì đạo đức công vụ cũng phải đặc biệt lưu tâm” - ông Ngân nói.

Người dân làm thủ tục nhà, đất tại UBND quận 1. Ảnh: VIỆT HOA

Ông Ngân chỉ ra một trong những điểm phát sinh nhiều vấn đề nhất là từ đất nông nghiệp. Ông kiến nghị TP phải tập trung rà soát lại hơn 110.000 ha đất nông nghiệp trên toàn TP, vì có những quy hoạch “treo” 20-30 năm nhưng vẫn không tổ chức thực hiện, người dân không được cấp giấy tờ nhà, đất, không được xây dựng, đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.

Theo ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết, cử tri TP.HCM cũng rất bức xúc vì tình trạng hồ sơ nhà, đất bị trễ hạn nhiều. Đặc biệt là tại các quận, huyện như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi…

Trễ hạn vì vướng thẩm quyền

Liên quan đến việc trễ hạn cấp giấy chứng nhận, Sở TN&MT cho rằng thời gian qua TP còn lúng túng vì vướng thẩm quyền cấp giấy theo quy định của Luật Đất đai 2013. Mới đây, Sở TN&MT đã được TP cho phép ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai TP (VPĐKĐĐ) ký giấy chứng nhận. Điều này đã rút ngắn thời gian cấp giấy và giảm bớt các thủ tục có liên quan.

Ông Dư Huy Quang, Giám đốc VPĐKĐĐ, cho biết trước đây mỗi tháng bình quân 6.000 hồ sơ chuyển về Sở ký và mỗi năm phải mất thêm 5 tỉ đồng tiền gửi hồ sơ qua lại giữa VPĐK và Sở TN&MT. Khi VPĐK được ủy quyền thực hiện ký giấy chứng nhận, hồ sơ không phải qua Sở nữa thì giảm được 10 ngày làm việc. Nếu được phân cấp về cho chi nhánh VPĐK cấp giấy chứng nhận của hộ gia đình, cá nhân (không phải lần đầu) thì sẽ giảm thêm được năm ngày và tình trạng hồ sơ trễ hạn sẽ được khắc phục.

109.000 là số hồ sơ nhà, đất còn tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận tính đến nay, theo Sở TN&MT. Trong đó, có hơn 88.000 trường hợp chưa được cấp giấy do không đủ điều kiện. Riêng những nhà, đất mua bán bằng giấy tay dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2017 cho phép cấp giấy từ ngày 1-7-2004 đến 1-1-2008. chính sách này đã tháo gỡ cho gần 10.000 hộ dân được hợp thức hóa nhà, đất. Tuy nhiên, đến nay cũng còn hơn 37.000 trường hợp chưa được giải quyết.
 

Ông Quang cũng cho biết các chi nhánh hiện nay chỉ được phép cập nhật biến động lên trang 3-4 của giấy chứng nhận. Trong khi giá trị pháp lý của đăng ký biến động và cấp mới là như nhau. “Tôi mới nhậm chức được 17 ngày mà đã nhận tới 20 giấy triệu tập của tòa án liên quan đến những kiện tụng tại các chi nhánh VPĐK”. Ông Quang dẫn chứng một thực tế, cũng là một bất cập khi việc phân cấp vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP, cũng nhìn nhận quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà, đất còn yếu kém. “TP đã yêu cầu từng ngành, từng cấp phải tăng cường cải tiến các thủ tục, thậm chí phải đề xuất thí điểm những mô hình quản lý hiệu quả hơn để giải quyết những vấn đề còn bất cập, những vấn đề còn nhức nhối trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai” - ông Tuyến nói.

Phó chủ tịch UBND TP cũng cho biết hiện nay nhiều cơ quan đơn vị cũng đã cải tiến các dịch vụ công trong lĩnh vực này để tăng sự công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho dân. Cụ thể, Sở Xây dựng vừa triển khai thí điểm cấp giấy phép xây dựng một cửa liên thông điện tử, sẽ rút ngắn từ 122 ngày xuống còn 42 ngày thụ lý hồ sơ.

Để đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận, ông Tuyến cho rằng TP đang cố gắng nỗ lực để hoàn thiện hành lang pháp lý, không để tình trạng pháp lý “treo” rồi phát sinh chạy chọt.
 

“Phải tìm mô hình mới thôi”

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND TP rà soát và nhận định xem vi phạm xây dựng đang có xu hướng tăng hay giảm. Nếu làm đúng thì mọi việc sẽ dần đi vào nề nếp nhưng nếu làm sai thì vi phạm ngày càng nở nồi.

“Một công trình xây dựng không phép hàng xóm biết, Mặt trận biết, phường biết nhưng không xử lý được thì phải xem lại quản lý nhà nước. Có lẽ đã đến lúc phải tính lại mô hình quản lý nhà nước về xây dựng. Phải tìm mô hình thôi chứ không chờ trung ương nữa” - Bí thư Thành ủy chỉ đạo.


DiaOcOnline.vn - Theo PLO