Người có nhu cầu hợp pháp thì luôn bị chậm trễ, bị gây phiền nhiễu; còn các trường hợp sai phạm trong xây dựng nhưng có “lót tay” hoặc “bôi trơn” thì lại được làm rất nhanh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
|
Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM với UBND TPHCM giám sát về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận - GCN) trên địa bàn TPHCM ngày 18-10, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, trong lĩnh vực đất đai và xây dựng hiện đang tồn tại thực trạng: người có nhu cầu cấp GCN hợp pháp thì luôn bị chậm trễ, bị gây phiền nhiễu; còn các trường hợp sai phạm trong xây dựng nhưng có “lót tay” hoặc có chi phí “bôi trơn” thì lại được làm rất nhanh.
Quy hoạch treo làm cấp GCN chậm
Báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và UBND TPHCM tại buổi giám sát, ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho biết, tính đến cuối năm 2013, TP đã cấp được 1.366.776 GCN và đã cơ bản hoàn thành cấp GCN đối với các trường hợp đủ điều kiện cấp GCN theo chỉ thị 1474 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực (từ ngày 1-7-2014) đã tháo gỡ được nhiều khó khăn vướng mắc đối với các trường hợp không phù hợp với quy hoạch nay được xét cấp theo NĐ 43/2014 của Chính phủ hoặc do điều chỉnh quy hoạch, TP đã tiếp tục cấp thêm cho gần 113.900 GCN tồn đọng lâu năm.
Về cấp GCN cho tổ chức, từ năm 2012 đến năm 2015, TP đã cấp gần 4.900 GCN với hơn 39.400 ha. Để tiếp tục triển khai cấp GCN đối với những trường hợp tồn đọng, TP đã yêu cầu các quận - huyện rà soát số lượng nhà, đất chưa cấp GCN trong năm 2017. Tính đến nay, chỉ mới có 17/24 quận - huyện báo cáo với 42.133 trường hợp tồn đọng, chưa cấp GCN. Con số này chưa đầy đủ vì còn 8 quận - huyện chưa báo cáo. Trong đó, vướng mắc nhiều là các trường hợp vướng quy hoạch, vi phạm luật đất đai, đang tranh chấp (hơn 21.100 trường hợp), tiếp đó là do chuyển nhượng giấy tay sau ngày 1-7-2014 (gần 15.000 trường hợp). Đáng lưu ý là có gần 6.100 trường hợp người dân không có nhu cầu cấp GCN.
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu cho rằng, thời gian qua mặc dù chính sách về cấp GCN đã thông thoáng khá nhiều, nỗ lực của chính quyền TP, các sở - ngành cũng rất lớn nhưng vẫn còn một lượng lớn nhà, đất của người dân, tổ chức chưa được cấp GCN. Công tác cấp GCN thời gian qua chưa theo kịp nhu cầu của người dân, nhất là tại các quận - huyện có đô thị hóa nhanh. Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn nhận áp lực cấp GCN tại TPHCM rất lớn nhưng bên cạnh các quy định của pháp luật thì đạo đức công vụ của cán bộ thực thi cũng cần phải được rèn giũa, trau dồi, mới đẩy nhanh tiến độ cấp GCN được.
Ngoài những vướng mắc trên, các đại biểu cũng phản ánh, qua các buổi giám sát tại một số quận - huyện cho thấy, chính các dự án treo, quy hoạch treo đã làm chậm quá trình cấp GCN. Mặc dù lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho rằng, hiện sở này đang phối hợp với các sở - ngành liên quan và quận - huyện tiếp tục rà soát những quy hoạch không khả thi để tiếp tục kiến nghị TP xóa quy hoạch treo. Và để rà soát 1.000ha đất tại đô thị thì cũng cần phải có thời gian. Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, những khu quy hoạch đã “treo” trên 10 năm, thậm chí đã hơn 25 năm nay vẫn chưa thực hiện được như dự án Bình Quới - Thanh Đa, treo luôn quyền lợi hợp pháp về nhà, đất của người dân, trong đó có việc xác lập tài sản của người dân là do lỗi của chính quyền chứ không vì lý do gì cả. Đó là chưa kể hàng chục dự án quy hoạch đường giao thông được phê duyệt nhưng không có kế hoạch triển khai cụ thể cũng khiến cho hàng ngàn hồ sơ xin cấp GCN không được xem xét giải quyết.
Bờ sông Sài Gòn bị “tư nhân hóa”?
Một vấn đề “nóng” được đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt ra tại buổi giám sát là thời gian qua, hai bên bờ sông Sài Gòn bị “tư nhân hóa” bằng nhiều dự án bất động sản, biến bờ sông Sài Gòn thành của riêng chứ không còn là không gian công cộng, mảng xanh, công viên phục vụ cho hơn 10 triệu người dân thành phố. Có dự án bất động sản ven sông được rao với giá lên đến 200 tỷ đồng/căn biệt thự.
“Bờ sông Sài Gòn bị tư nhân hóa, biến thành các dự án bất động sản sẽ phá vỡ quy hoạch TP và gây bất công cho người dân thành phố” - ông Nghĩa bày tỏ. Từ đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết những thông tin quản lý quy hoạch bờ sông Sài Gòn trong thời gian qua, những khu vực bờ sông Sài Gòn nào được cấp cho tư nhân mà người dân không được đi vào? Kế hoạch quy hoạch hai bờ sông Sài Gòn để phục vụ cho 10 triệu dân TPHCM ra sao? Ngoài ra, nhiều khu vực lấn sông trái phép được nêu trên các phương tiện truyền thông đến nay đã giải quyết đến đâu?
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, ghi nhận những nỗ lực của UBND TP về việc cấp GCN cho người dân trong thời gian qua, nhưng cần phải nỗ lực hơn nữa vì công tác này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đã đến lúc TPHCM phải đổi mới mô hình quản lý ở quy mô siêu đô thị. Đối với những dự án treo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND TP sớm có báo cáo gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP, Thường trực Thành ủy, HĐND TP về danh sách và phương án xử lý các dự án từ 5 năm trở lên không triển khai hoặc triển khai không đáng kể. Liên quan đến quy hoạch bờ sông Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP có báo cáo về hiện trạng sử dụng đất hai bên bờ sông thế nào, quy hoạch ra sao tại 3 giai đoạn: 2006, 2010 và 2017 để TP xem xét quy hoạch cũng như việc sử dụng đất qua các thời kỳ; đồng thời đề xuất để thống nhất chủ trương, triển khai quy hoạch trong thời gian tới.
* Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến: Việc cấp GCN ngoài việc xác lập quyền sở hữu của người dân - là quyền lợi và nhu cầu hợp pháp, bức thiết của người dân, đồng thời cũng góp phần giải quyết nhu cầu vốn của xã hội. Tài sản được cấp GCN sẽ làm gia tăng giá trị và người dân, tổ chức đưa nguồn vốn lưu thông vào nền kinh tế. Do đó, đẩy nhanh tiến độ cấp GCN cũng là thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội. Việc cấp GCN liên quan đến nhiều sở - ngành từ trung ương đến địa phương nên cần có sự thống nhất, nỗ lực từ nhiều phía thì mới đẩy nhanh tiến độ được.
8 Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Trần Văn Thạch: Liên quan đến các trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004, Nghị định 01/2017 của Chính phủ về sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2013 đã cho phép cấp GCN cho các trường hợp mua bán nhà bằng giấy tay từ sau ngày 1-7-2004 đến trước 1-1-2008. Theo đó, TP ước tính sẽ giải quyết cho hơn 9.600 trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay. Hiện Sở Tài nguyên - Môi trường tiếp tục kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường tiếp tục tháo gỡ cho cấp GCN với các trường hợp mua bán bằng giấy tay sau ngày 1-1-2008 đến ngày 1-7-2014 (ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực). Nếu được giải quyết, TP sẽ có khoảng 5.000 trường hợp nữa được cấp GCN. Tuy nhiên Tổng cục Quản lý đất đai đã có công văn phúc đáp không có cơ sở xem xét giải quyết các trường hợp này.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: