Năm 2007, UBND TP.HCM đã hạn chế, cấm khai thác nước ngầm ở một số khu vực. Từ cuối tháng 6.2007, sở Tài nguyên môi trường ngưng cấp giấy phép khai thác nước ngầm cho các khu công nghiệp, khu chế xuất. Dù vậy, thành phố vẫn không kiểm soát được số lượng giếng, nước ngầm khai thác lậu hàng ngày.
Nền đất yếu nên công trình đào sâu gây ra lún sụt
Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ toàn thành phố có bao nhiêu giếng. Sở Tài nguyên môi trường phỏng đoán: mỗi ngày toàn thành phố khai thác khoảng 550.000 – 600.000m3 nước ngầm. Theo ông Huỳnh Công Hùng, phó ban Kinh tế – ngân sách HĐND TP.HCM, do nhu cầu sử dụng nước máy của cư dân ở Thủ Đức, Gò Vấp, Hóc Môn, Củ Chi… không được đáp ứng nên họ phải tự khai thác nước ngầm để sử dụng.
Công tác quản lý chưa chặt chẽ cũng là nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, nhiều nơi phải khoan sâu xuống 60m mới tìm được nước, trong khi cách đây khoảng 20 năm, chỉ cần khoan chừng vài mét thì nước đã phun lên. Các tầng chứa nước ngầm ở TP.HCM đang tụt giảm nghiêm trọng, tuỳ theo từng vùng ở Bình Chánh, Nhà Bè… Bên cạnh đó là sự xâm nhập mặn và sụt lún bề mặt gia tăng.
Ông Nguyễn Văn Ngà, trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản cho rằng ô nhiễm nguồn nước ngầm có xu hướng ngày càng tăng. Phó giáo sư – tiến sĩ Lê Văn Trung, giám đốc khu công nghệ phần mềm, đại học Bách khoa TP.HCM cho biết tình hình khai thác nước ngầm hiện đã vượt nhiều lần lượng nước bổ cập, là nguyên nhân khiến tầng nước ngầm ngày càng bị hạ thấp. Tình trạng giảm mực nước ngầm đã gây nên những biến dạng bề mặt địa hình (lún đất) nhiều nơi ở thành phố.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: