Nhà nước không thể “ôm sô” thay các đơn vị tư vấn.
Một số vướng mắc trong cơ chế và quy định quản lý chất lượng nhà cao tầng trên địa bàn TP.HCM vừa được UBND TP.HCM báo cáo Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Trong báo cáo thành phố kiến nghị điều chỉnh một số vấn đề chưa hợp lý, khó khả thi.
Chẳng hạn hiện nay dự án công trình cao tầng không làm nhà ở thì chủ đầu tư tự phê duyệt, cơ quan quản lý nhà nước chỉ thẩm định thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng. Đối với dự án công trình làm nhà ở (không kể nguồn vốn), Nghị định 90 năm 2006 giao chủ tịch UBND TP phê duyệt căn cứ kết quả thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Trong nội dung thẩm định có các nội dung như phương án huy động vốn, phương án tiêu thụ sản phẩm... là can thiệp quá sâu vào công việc của chủ đầu tư.
Khi hàng loạt công trình cao tầng tại TP.HCM thi công gây sự cố vào cuối năm 2007, Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị 07 ngày 5-11-2007 về tăng cường quản lý các công trình này. Một số nội dung trong đó khó khả thi như cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra sự phù hợp của thiết kế biện pháp thi công tầng hầm đối với kết quả khảo sát địa chất, kiểm tra hệ thống quan trắc biến dạng công trình và các công trình lân cận... Đây là các công việc thuộc trách nhiệm của tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công, chủ đầu tư, nhà nước không thể làm thay.
Về xử lý vi phạm trong xây dựng, thành phố kiến nghị hình thức phạt tiền hiện nay chưa đủ răn đe. Ví dụ hành vi xây dựng sai giấy phép của chủ đầu tư cao ốc Pacific (từ ba tầng hầm lên sáu tầng hầm) bị phạt mút khung cũng chỉ 200.000 đồng theo Nghị định 126 năm 2004. “Đây là mức phạt giỡn chơi!” - một vị lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM đã từng nhận xét. Thành phố kiến nghị cấp trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng nặng mức xử phạt hành chính trong xây dựng.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: