Top

TP.HCM: Giá đất tăng so le, có hợp lý?

Cập nhật 29/11/2007 16:00

Tiền sử dụng đất sẽ tăng 10% - 50%. Giá đất tại quận 1 tăng đến 50% nhưng các quận giáp ranh như Bình Thạnh, quận 4... chỉ tăng 20%.

Liên quan đến dự thảo bảng giá đất năm 2008 của TP.HCM sắp được HĐND TP.HCM xem xét, thông qua vẫn còn nhiều vấn đề đang được cân nhắc, thảo luận.

Tăng nhiều hay ít: Phải căn cứ khả năng sinh lợi

Theo dự thảo, tỷ lệ tăng giá đất năm 2008 chênh lệch giữa các khu vực rất lớn. Khu vực tăng cao nhất là 50% (quận 1, đặc biệt hai đường Lê Lợi và Đồng Khởi tăng tới 70%, lên 67,5 triệu đồng/m2), khu vực tăng thấp nhất là10% (năm huyện ngoại thành).

Nhiều ý kiến cho rằng việc chia khu vực tăng giá đất như trên chưa hợp lý. Giá đất tại quận 1 tăng đến 50% nhưng các quận sát bên như Bình Thạnh, quận 4... chỉ tăng 20%. Quận Phú Nhuận là cửa ngõ từ sân bay đi vào trung tâm TP, có rất nhiều khu cao ốc, văn phòng, giá trị kinh tế đất ở quận này cao hơn quận 10 nhưng tỷ lệ tăng giá đất chỉ có 20% (quận 10 tăng tới 30%).

Tương tự, quận Thủ Đức có nhiều khu đất bị ngập nước, giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường giảm so với trước đó mà tỷ lệ tăng giá lại ngang bằng với quận Tân Bình. Gần đây, nhiều người đổ xô săn lùng mua đất ở quận 9 và huyện Cần Giờ, giá đất thị trường của hai nơi này đang tăng từng ngày. Thế nhưng giá đất quận 9 chỉ tăng 20% và huyện Cần Giờ chỉ tăng 10%.

Bà Đào Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết việc chia các quận, huyện thành bốn khu vực dựa vào khả năng sinh lợi của đất đai từng khu vực. Tại tuyến đường Lê Lợi và Đồng Khởi, giá sinh lợi của đất cao vọt hơn nhiều so với những vị trí khác. Tương tự, quận 1 tập trung nhiều trung tâm giao dịch lớn của TP, khả năng sinh lợi của đất cao hơn so với những quận khác.

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP, đa số nhà ở quận 1 đều đã có “giấy hồng” nên giá đất được điều chỉnh cao chót vót không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện nghĩa vụ của người dân. Còn việc phân chia khu vực để tính tỷ lệ tăng giá đất thì nên chấp nhận ở mức tương đối chứ không thể so sánh hết trong từng khu vực cụ thể.

Tiền sử dụng đất tăng: Dân sẽ oải!

Trong ba năm liên tiếp kể từ khi TP xây dựng bảng giá đất mới, giá đất gần như giậm chân tại chỗ. Tới năm 2008 thì giá đất mới đồng loạt tăng ở tất cả các quận, huyện. Việc tăng giá đất mới khiến người dân lo nhiều hơn mừng. Có người còn dự kiến giá đất mới sẽ “ngáng chân” công tác cấp “giấy đỏ”, “giấy hồng” vì người dân khó lòng lo nổi tiền sử dụng đất tăng từ 10% đến 50%.

Về việc này, bà Lan cho biết mục tiêu của bảng giá đất năm 2008 là không tăng quá cao để người dân bớt gánh nặng nộp tiền sử dụng đất khi xin cấp “giấy đỏ”, “giấy hồng”. Do đó, TP đã không chọn phương án điều chỉnh giá đất đụng trần khung giá đất của Chính phủ hay ngang giá thị trường.

TP.HCM cũng không thể điều chỉnh giá đất cục bộ như những năm trước vì giá đất quá thấp sẽ dẫn đến việc sử dụng đất không có hiệu quả, không thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
 
Giá đất năm 2008 còn dùng làm căn cứ để tính tiền thuê đất và thuế chuyển quyền sử dụng đất nên phải có lộ trình điều chỉnh để tiến gần sát khu giá đất do Chính phủ quy định. Khi đó việc tính tiền thuê đất và đánh thuế đối với các nhà kinh doanh bất động sản sẽ phù hợp hơn.

Nếu được HĐND TP thông qua thì bảng giá đất mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2008. Những hồ sơ làm “giấy đỏ”, “giấy hồng” đang được giải quyết tại UBND các quận, huyện sẽ được tính giá đất phụ thuộc vào ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất.

Cổ phần hóa cũng dựa vào giá thị trường

 Bảng giá đất năm 2008 của TP.HCM chỉ áp dụng để: tính tiền thuê đất, thuế đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất; thu lệ phí trước bạ và tính tiền bồi thường đối với hành vi vi phạm.

 Từ 1/1/2008, khi nhà nước thu hồi đất thì sẽ bồi thường theo giá thị trường chứ không theo giá nhà nước. Tương tự, trường hợp nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa cũng dựa vào giá thị trường.



Theo Pháp Luật