Top

Quy hoạch khu trung tâm TP.HCM: Ba câu hỏi cần được trả lời

Cập nhật 29/11/2007 15:00

Cuộc thi quốc tế quy hoạch khu trung tâm mở rộng của TP.HCM và dự án thành phố Sông Hồng tại Hà Nội hiện đang là hai sự kiện thu hút sự quan tâm của người dân.

Bài viết này đưa ra ba câu hỏi rất quan trọng trong vấn đề phát triển nhà cao tầng tại trung tâm đô thị, nhưng lại hiếm khi được đặt ra và được trả lời một cách nghiêm túc và rõ ràng.

Hệ quy chiếu để đánh giá hiệu quả chiến lược phát triển

Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là dự án sẽ được thiết kế cho mục đích nào và để phục vụ cho ai?

Để so sánh đánh giá các dự án quy hoạch một cách khách quan và toàn diện, trước hết, chúng ta có thể sử dụng một hệ quy chiếu để đánh giá với các tiêu chí theo công thức sau: Y = (X1 x X2 x X3 x X4)/T. Trong đó, Y là hiệu quả chiến lược phát triển; X1 là lợi ích cho quốc gia; X2 là lợi ích cho địa phương; X3 là lợi ích cho nhà đầu tư; X4 là lợi ích cho nhân dân; và T là kế hoạch đầu tư theo thời gian.

Một giải pháp thiết kế chỉ có thể được gọi là có hiệu quả cao về chiến lược phát triển, khi nó không những đáp ứng được lợi ích về đầu tư, mà còn được tính toán sao cho với thời gian, giá trị và lợi ích phục vụ cho nhân dân, cho địa phương, và nhất là cho quốc gia sẽ ngày càng được nâng cao. Nếu câu hỏi này không được đặt ra ngay từ đầu, có thể một ngày nào đó chính dự án đó lại trở thành gánh nặng trên vai của người dân địa phương.

Bảo vệ di sản kiến trúc

Các công trình cao tầng mới cần được xây dựng với vị trí, chiều cao, và hình thức bên ngoài như thế nào để không phá vỡ cảnh quan của khu vực xung quanh, các di tích lịch sử cần bảo tồn?

Người dân thành phố có lẽ vẫn còn nhớ cảm nhận đối với công trình trụ sở UBND TP.HCM khi nhìn từ trục Nguyễn Huệ đã khác nhau như thế nào khi so sánh giữa hai thời điểm trước và sau khi xây dựng các công trình cao tầng phía sau lưng.

Với tiềm năng của những khu đất trống gần bờ sông và tại Thủ Thiêm, việc khuyến khích định hướng đặt trọng tâm đỉnh cao của khu vực nhà chọc trời, cao tầng, về phía sông Sài Gòn và về phía Thủ Thiêm, vừa hợp lý về mặt khoảng thở cho không gian kiến trúc, vừa giúp giải tỏa áp lực xây dựng cao tầng hiện nay trên khu trung tâm hiện hữu đi chỗ khác, qua đó gián tiếp giúp cho việc bảo tồn khu vực này.
 
Đây là một kinh nghiệm quốc tế thường được áp dụng khi có nhu cầu mở rộng đại quy mô cho các đô thị có bề dày lịch sử văn hóa trên thế giới (như Paris, Thượng Hải, Boston) và rất nên được áp dụng cho không chỉ TP.HCM, mà còn cho các đô thị khác đang trong giai đoạn bùng nổ phát triển như Hà Nội, Đà Lạt hay Đà Nẵng.

Do đó, chúng ta vẫn còn cơ hội bảo vệ không gian quy hoạch xung quanh khu vực lịch sử Nhà thờ Đức Bà, dinh Thống Nhất, trường Lê Quý Đôn, Tòa án Nhân dân TP.HCM... bằng cách tạo ra những khống chế về tầng cao dạng lòng chảo với tâm là các công trình lịch sử tại đây và tạo được một không gian xanh chuyển tiếp giữa khu vực bảo tồn và khu vực xây dựng hiện đại.

Quy hoạch nhà cao tầng và hệ thống giao thông công cộng kết nối với mạng lưới các trung tâm

Việc quy hoạch nhà cao tầng và hệ thống giao thông công cộng sẽ đóng vai trò thế nào trong việc thiết kế khu trung tâm?

Đây là một câu hỏi chiến lược thường được hiểu sai, do đó mới có tình trạng phát triển giao thông công cộng có khi lại làm tình trạng ách tắc giao thông tồi tệ hơn. Cái nút của vấn đề là một thiết kế quy hoạch chỉ đơn giản “có” giao thông công cộng sẽ hoàn toàn không giống với việc thiết kế quy hoạch “với một chiến lược” sao cho giao thông công cộng và quy hoạch phải là hai yếu tố không thể tách rời ngay từ giai đoạn đầu phát triển.

Chiến lược định hướng phát triển đô thị trên hệ khung sườn giao thông công cộng là giải pháp mà hầu hết các đô thị mới và cũ trên thế giới đều hướng tới. Có thể nói các thành phố như Paris, New York, Vancouver, Montréal đạt được đánh giá cao về chất lượng sống là nhờ vào việc có được một hệ thống giao thông công cộng có hiệu quả tốt. Đặc biệt tại trung tâm Manhattan của thành phố New York, thống kê cho biết 75% dân số không cần có xe hơi nhờ có hệ thống giao thông công cộng tiện lợi .

Tại hầu hết các đô thị trên cả nước, bao gồm cả TP.HCM, tỷ lệ sử dụng phương tiện cá nhân hiện vẫn còn quá cao. Với đà gia tăng dân số hiện nay, tình trạng ách tắc sẽ trở thành căn bệnh mãn tính nếu không có một chiến lược mới về giao thông. Hà Nội và TP.HCM nên hướng tới mục tiêu ít nhất 50 - 75% dân số không cần xe gắn máy trong sinh hoạt hàng ngày, giống như New York đã làm thành công.

Để làm được việc này, đầu tiên quy hoạch kiến trúc các khu đô thị mới cần phải đi song hành với quy hoạch giao thông theo những nguyên lý riêng đã được kiểm chứng trên thực tế thành công tại nhiều thành phố Âu Mỹ về kích thước và hình dáng ô phố, mạng lưới giao thông métro và xe buýt đi đôi với hệ thống các cụm nhà cao tầng và hệ thống các công trình công cộng phục vụ quần chúng...

Nhiều nghiên cứu khoa học trong thập niên vừa qua tại các nước phát triển đã chứng minh được là giải pháp mở rộng đường và tăng số lượng bãi xe không những không làm giảm mà lại còn có thể làm gia tăng ách tắc giao thông.

Mục đích tối hậu không phải là “triệt tiêu” ách tắc giao thông trong giờ cao điểm (vì đó là điều không tưởng), mà là cung cấp cho người dân sự chọn lựa giữa sự tiết kiệm thời gian đi lại khi đi làm bằng xe công cộng, so với sự tiện lợi của phưong tiện cá nhân nhưng mất nhiều thời gian đi lại trong giờ cao điểm.

Kết luận

Ba vấn đề về hiệu quả chiến lược, bảo tồn di sản, và quy hoạch nhà cao tầng trên nền tảng khung sườn giao thông công cộng nói trên là những yếu tố quan trọng trong việc đánh giá sơ bộ các phương án dự thi thiết kế khu trung tâm hiện hữu mở rộng.


Khu vực trung tâm TP.HCM đang
rất cần một quy hoạch tổng thể.

Tuy nhiên, còn một số vấn đề chúng ta vẫn chưa thể bàn tới (do việc hạn chế khu vực ranh đất thiết kế), trong đó có vấn đề điều chỉnh quy hoạch kết nối không gian kiến trúc hai bên bờ sông, vấn đề xử lý các trục đi bộ và vị trí quảng trường hai bên sông sao cho có sự nối tiếp về không gian với các công trình lịch sử như chợ Bến Thành và trụ sở UBND thành phố; vấn đề tổ chức các giai đoạn phát triển quy hoạch làm sao để chính quyền xoay vòng vốn đầu tư nhanh nhất nhằm giảm thiểu nợ nước ngoài trong xây dựng hạ tầng; vấn đề hệ thống đại lộ và hệ thống giao thông công cộng nối liền trung tâm hiện hữu, mở rộng với trung tâm Thủ Thiêm và các trung tâm vệ tinh khác như Nam Sài Gòn, Làng đại học Thủ Đức, Khu công nghiệp Biên Hòa.

Có lẽ chúng ta cũng cần xem lại có nhất thiết phải giữ nguyên thiết kế Thủ Thiêm và hệ thống giao thông công cộng như “hiện trạng”, mặc dù chúng chưa được xây dựng hay không? Hay là nên cho phép các tác giả cùng ngồi lại với nhau để thảo luận, điều chỉnh, sao cho các dự án có được một tiếng nói chung và có sự hỗ trợ lẫn nhau?

Có nên chăng, nếu chúng ta có thêm một “vòng hai” của cuộc thi, trong đó các tác giả các phương án được đánh giá cao nhất trong vòng một sẽ phải tiếp tục đưa ra những điều chỉnh cần thiết (không loại trừ khả năng điều chỉnh thiết kế lại Thủ Thiêm ở bên kia sông và các khu vực khác nằm ngoài ranh đất thiết kế hiện nay) để giúp gia tăng sự hợp lý về mặt bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế, cũng như tính khả thi về mặt kết nối với hệ thống đa trung tâm của thành phố như là một tổng thể duy nhất?

Theo TBKTSG