Top

TPHCM dừng các dự án BT đang đàm phán

Cập nhật 30/10/2017 14:20

Cho rằng cần phải có quy trình rõ ràng, minh bạch và phát huy hiệu quả đất đai là tài sản của nhà nước nên TPHCM sẽ dừng tất cả các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) đang trong giai đoạn đàm phán, xin ý kiến để đợi quy trình mới.

Trạm thu phí BOT trên xa lộ Hà Nội - Ảnh: Anh Quân.

Đây là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM tại buổi họp về kinh tế-xã hội 10 tháng đầu năm 2017 diễn ra sáng nay (30-10).

Bàn về hiệu quả đầu tư các dự án BT, ông Phong cho biết trong tuần này thành phố sẽ tổ chức một cuộc hội thảo về triển khai các dự án BT trên địa bàn thành phố.

Theo đó, các nhà khoa học, chuyên gia sẽ đóng góp ý kiến, rà soát lại việc thực hiện các dự án BT thời gian qua, sau đó thành phố sẽ tập hợp và xây dựng một quy trình mới về thu hút đầu tư dự án BT trên địa bàn.

“Theo đó, các dự án BT đang đàm phán, xin ý kiến sẽ dừng lại hết, đợi có quy trình mới sẽ làm tiếp theo hướng minh bạch, rõ ràng. Cơ quan chức năng sẽ thông báo cho nhà đầu tư chậm lại một bước, đợi quy trình mới”, ông Phong nói tại cuộc họp sáng nay.

Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online tại cuộc họp báo sáng nay (30-10) về tác động của chủ trương dừng các dự án BT, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, 5 năm qua thành phố đầu tư 1 triệu tỉ đồng cho phát triển hạ tầng. Trong những năm tới thành phố có nhu cầu chi đến 500.000 tỉ đồng để phát triển hạ tầng nhưng ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 30% nên cần huy động thêm các thành phần khác.    

Gần đây nhất, có 18 dự án hạ tầng đang triển khai trên địa bàn thành phố theo hình thức BT, BOT với vốn đầu tư khoảng 59.000 tỉ đồng thực hiện theo các hình thức đầu tư nói trên. Ngoài ra, đang có khoảng 130 nhà đầu tư đăng ký tham gia các dự án theo hình thức đối tác công tư tại thành phố với tổng vốn khoảng 350.000 tỉ đồng.

Ông Sử Ngọc Anh cho biết sắp tới sẽ thực hiện theo các bước chặt chẽ, có cơ chế giám sát như định mức vốn công trình, đấu giá đất, quy trình triển khai minh bạch hơn...

Trước đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thông tin: thời gian qua nhờ thực hiện đầu tư theo hình thức BOT, BT mà thành phố đã huy động được nguồn lực vốn lớn từ tư nhân để phát triển hạ tầng. Ví dụ như các dự án đường Trường Sơn, cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, đường Tân Sơn Nhất Bình Lợi…

Theo chuyên gia, với các dự án thực hiện theo hình thức BT và BOT có 3 khâu quan trọng cần phải rút ra bài học trong quá trình thực hiện. Thứ nhất là khâu đề xuất dự án; thứ hai là quá trình thi công; thứ ba là việc quản lý chi phí.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG