Top

Dự án công viên trái cây lấn thô bạo sông Tiền

Cập nhật 30/10/2017 10:44

Dự án lấn sông Tiền làm công viên trái cây huyện Cái Bè với quy mô khoảng 9,78ha do Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Cái Bè làm chủ đang thi công với hơn 800m bờ kè đang gây lo ngại cho người dân và chuyên gia.

Khoảng nửa năm nay, người dân hai huyện Cai Lậy và Cái Bè (Tiền Giang) đặc biệt chú ý đến một dự án lấn sông, nằm tiếp giáp giữa sông Tiền và sông Cái Bè. Dự án được nhiều người nhắc đến đó chính là dự án công viên trái cây huyện Cái Bè, hiện đang được thi công 800m bờ kè.

Không ít người dân và các chuyên gia lo ngại công trình này sẽ làm thay đổi dòng chảy và gây sạt lở bên phía cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy.

6,8ha lấn sông

Ông Nguyễn Hoàng Thảo, giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Cái Bè (chủ đầu tư dự án), cho biết quy mô diện tích dự án dự kiến khoảng 9,78ha nằm tại khu vực tiếp giáp giữa sông Tiền và sông Cái Bè.

Theo chủ đầu tư, tuyến kè dọc sông Tiền từ khu nhà dân đến bờ kè hiện hữu ở ngã ba sông Cái Bè có tổng chiều dài 800m. Diện tích phần lấn sông khoảng 6,8ha và khoảng cách mở rộng trung bình từ bờ kè hiện hữu ra lòng sông Tiền là 110m (vị trí xa nhất là 160m) với tổng lượng cát cần san lấp là 695.388m3, tương đương 434.618 tấn.

Với quy mô dự án khá lớn nhưng chủ đầu tư vẫn lạc quan cho rằng không ảnh hưởng đến dòng chảy và giao thông thủy trong khu vực.

Lý do khu vực dự án là vùng nước nông, độ sâu mực nước dao động từ 1,278-1,294m vào mùa khô, chế độ thủy văn qua vùng dự án khá hiền hòa và không có xoáy, vận tốc dòng chảy dao động từ 0,2-0,9m/s.

Vẫn theo chủ đầu tư, phần lớn đất lấn sông nhằm phục vụ hạng mục công viên - vườn cây được phân bố thành 2 khu vực với tổng diện tích 54.149m2.

Trong đó, một khu để trồng các loại cây ăn trái như bưởi long Cổ Cò, xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, cam sành, cam xoàn, ổi... và khu còn lại được quy hoạch như công viên cây xanh kết hợp với mặt nước sông Tiền để du khách tham quan, ngắm cảnh.

Hơn 13.000m2 sẽ được sử dụng làm khu thương mại dịch vụ. Khu này khai thác các lô đất có vị thế thuận lợi giao thông, cảnh quan đẹp, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch chủ yếu là các quán ăn, quán nước.

Diện tích còn lại để phục vụ vào mục đích giao thông, sân bãi nội bộ, đất bãi đỗ xe phục vụ du lịch, đất cho cây xanh...


Dự án phân bố thành 2 khu vực với tổng diện tích 54,149m2. Các khu dùng cho trồng trái cây, khu thương mại dịch vụ với 13,000m2 và phục vụ giao thông, sân bãi… - Ảnh: NAM TRẦN

Vị trí dự án công viên trái cây Cái Bè - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Thay đổi dòng chảy, gây sạt lở

Đứng tại cầu tàu điểm du lịch Năm On trên cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy), ông Nguyễn Văn Tùng (63 tuổi, chủ khu du lịch Năm On) nhìn dòng nước cuồn cuộn sát chân cồn, nói: "Cứ đà này thì chẳng bao lâu nữa tất cả cơ nghiệp mà tui đã gầy dựng nhiều năm sẽ bị trôi xuống sông thôi".

Điểm du lịch Năm On nằm hơi chếch về phía hạ nguồn sông Tiền so với khu dự án công viên trái cây huyện Cái Bè bên kia sông Tiền. Theo ông Tùng, khoảng nửa năm nay, khi dự án tiến hành đóng cừ làm bờ kè thì dòng nước có sự thay đổi rõ rệt.

Nếu như trước đây những đám lục bình bị nước cuốn cách bờ khoảng vài chục mét thì nay đã tiến sát vào chân cồn. Tại điểm du lịch Năm On, có thể quan sát bằng mắt thường những xoáy nước cuồn cuộn vào chân bờ kè, điều mà cách đây không có. "Tôi đã thử dùng cây sào 5-6m để đo độ sâu ở bến tàu này nhưng không chạm đáy" - ông Tùng cho hay.

Cạnh điểm du lịch của ông Tùng là điểm du lịch Vườn MêKông do bà Nguyễn Thị Quế Hân làm chủ.

Bà Hân cho biết bà và một số người dân có đất ven sông cũng đang rất lo lắng trước tình trạng dòng chảy bị thay đổi. Mới đây bà đã thuê người làm lại bờ kè để hạn chế sạt lở nhưng vẫn không khỏi thấp thỏm khi dòng chảy đã tiến sát vào chân cồn.

Đi dọc tuyến đường trên cù lao Tân Phong, giáp mé sông Tiền có thể nhận thấy mức độ sạt lở khủng khiếp đến nhường nào khi chứng kiến những căn nhà bỏ hoang nằm chênh vênh bên mé sông, những nền nhà bị lở xuống sông mất một nửa...

Do đó, những lo lắng của người dân khi có một dự án làm thay đổi dòng chảy gây bất lợi cho họ không phải là không có căn cứ.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng việc lấn ra sông chắc chắn có ảnh hưởng đến dòng chảy.

"Do nằm ngay vị trí lõm của đoạn sông cong, nên chính bản thân công trình này cũng gánh chịu áp lực sạt lở chứ không chỉ phía cù lao Tân Phong. Sau khi có công trình này thì sẽ gia tăng áp lực phía bên kia bờ của vàm sông Cái Bè (phía hạ lưu sông Tiền), có thể gây gia tăng sạt lở chỗ mỏm đất đó".

Trong khi đó, TS Dương Văn Ni (khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Cần Thơ) cũng cho rằng về mặt kỹ thuật dự án công viên trái cây chắc chắn sẽ gây ra sạt lở ở phía bên kia sông Cái Bè và phía bên cù lao Tân Phong.

"Nếu chính quyền tổ chức hội thảo giải trình, các nhà khoa học sẽ sẵn sàng đóng góp ý kiến tham vấn" - TS Ni nói.


Những chiếc cọc bêtông được cắm làm kè lấn sông để thi công công viên trái cây huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - Ảnh: HỮU KHOA


Phần lớn đất lấn sông nhằm phục vụ hạng mục công viên, vườn cây - Ảnh: NAM TRẦN

Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Đức cho biết sẽ chỉ đạo khắc phục tình trạng sạt lở tại khu vực này - Ảnh: NAM TRẦN

Một ngôi nhà tại cồn Tân Phong, đối diện dự án lấn sông này đã bị sập vì sạt lở do khai thác cát tại khu vực này nhiều năm nay - Ảnh: NAM TRẦN

Được biết, diện tích phần lấn sông của dự án 6,8ha và khoảng cách mở rộng trung bình từ bờ kè ra lòng sông 110m. Tổng lượng cát cần san lấp 695,388m3, tương đương 434,618 tấn cát - Ảnh: NAM TRẦN

Cục Quản lý tài nguyên nước yêu cầu kiểm tra, báo cáo

Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - môi trường) vừa có văn bản gửi Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Tiền Giang đề nghị kiểm tra, báo cáo trước thông tin có dự án lấn sông ở huyện Cái Bè.

Văn bản nêu rõ: Cục Quản lý tài nguyên nước có nhận được phản ảnh về việc trên địa bàn thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đang triển khai nghiên cứu, đầu tư dự án xây dựng công viên trái cây.

Từ thông tin Cục Quản lý tài nguyên nước nhận được, dự án này dự định lấn một phần sông Cái Bè.

Vì vậy, để có đầy đủ thông tin nhằm xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Tiền Giang tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa tại nơi dự định đầu tư dự án.

Sau kiểm tra, khảo sát thực địa, Cục Quản lý tài nguyên nước yêu cầu gửi báo cáo liên quan đến quá trình thực hiện, đầu tư, ảnh hưởng của việc xây dựng dự án đến nguồn nước về Cục Quản lý tài nguyên nước để báo cáo lãnh đạo bộ.
 

Tỉnh sẽ chỉ đạo khắc phục tình trạng sạt lở

Bà Nguyễn Thị Kim Loan (53 tuổi, ấp Tân Thiện, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết: "Bờ sông sạt lở làm sập của tôi một căn nhà rồi, nhà hiện tại đã dời vào trong khoảng 30m nhưng vẫn lo sạt lở tiếp" - Ảnh: HỮU KHOA

Trả lời Tuổi Trẻ xung quanh việc các nhà khoa học và người dân lo ngại vấn đề lấn sông Tiền xây dựng dự án công viên trái cây Cái Bè sẽ làm thay đổi dòng chảy và gây sạt lở, ông Trần Thanh Đức - phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết:

- Dự án công viên trái cây huyện Cái Bè được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 3225/QĐ-UBND ngày 31-10-2016 với diện tích sử dụng đất là 93.844m2, nằm dọc sông Tiền. Trong đó phần diện tích xây dựng trên bãi bồi khoảng 65.000m2, phần còn lại là đất nông nghiệp của dân trong khu vực.

* Khi phê duyệt dự án, tỉnh có tính đến việc sẽ làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến sạt lở bờ sông phía cù lao Tân Phong không, thưa ông?

- Để có cơ sở đánh giá ảnh hưởng của dòng chảy cũng như tác động đến môi trường xung quanh dự án khi xây dựng bờ kè, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Cái Bè lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án này.

Ông Trần Thanh Đức - Ảnh: THANH TÚ

UBND huyện Cái Bè đã thuê đơn vị tư vấn có đủ chức năng lập báo cáo ĐTM cho dự án này, trước khi UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.

Qua quá trình nghiên cứu đánh giá tác động dòng chảy và vận chuyển bùn cát tại khu vực đã có kết luận: Khi có công trình, khu vực lân cận công trình ít chịu ảnh hưởng của dòng chảy, mức dao động lớn nhất 0,15m/s; về bồi xói, khu vực lân cận công trình bồi 0,5 - 0,9m/năm và ở hai đầu công trình là 1,2m/năm.

Tuy nhiên, sau một thời gian xây dựng công trình, thủy thạch động lực của vùng dự án có xu thế cân bằng và khi đó hiện tượng xói lở sẽ giảm. Báo cáo này đã được hội đồng thẩm định xem xét, thông qua, sau đó UBND phê duyệt ĐTM của dự án.

Trong quyết định này, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư dự án phải thực hiện đầy đủ các giải pháp, biện pháp, cam kết về bảo vệ môi trường đã nêu trong ĐTM.

* Thưa ông, trong cam kết bảo vệ môi trường của chủ đầu tư có nói là dự án không tác động nhiều đến dòng chảy, nhưng thực tế gần đây dòng chảy đã đạp mạnh sang phía cù lao?

- Việc sạt lở bờ sông thuộc cù lao Tân Phong có khả năng dòng chảy từ thượng nguồn (Mỹ Thuận) trước khi đi vào nhánh sông giáp giữa cù lao Tân Phong và huyện Cái Bè bị tác động bởi một dải cát bồi từ vàm Cái Thia xuống đến cửa sông Trà Lọt, kết hợp với dòng chảy của cửa sông Trà Lọt hướng thẳng vào bờ sông phía cù lao Tân Phong.

* Và UBND tỉnh Tiền Giang cũng như các ngành chức năng sẽ làm gì trước sự lo ngại của người dân, thưa ông?

- Như đã nói ở trên, trong thời gian tới, để ứng phó khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông thuộc cù lao Tân Phong, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chỉnh lại dòng chảy, hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông của cù lao Tân Phong như hiện nay.

Đồng thời, UBND tỉnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị nạo vét tại khu vực vị trí cù lao Tân Phong nằm ở giữa nhánh sông Tiền giáp giữa Tiền Giang và Vĩnh Long, hiện đã bồi lắng rất nhanh khiến dòng chủ lưu lệch hẳn về phía Tiền Giang, gây sạt lở tại cù lao Tân Phong và định kỳ phối hợp đo đạc, khảo sát trên đoạn sông giáp ranh Tiền Giang và Vĩnh Long.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ