Top

TP Hồ Chí Minh: Rắc rối việc tách thửa

Cập nhật 16/04/2008 09:00

Việc các địa phương tự đặt ra quy định về hạn mức đất được chia tách thửa có thể tốt cho việc quản lý nhưng lại hạn chế quyền của người sử dụng đất

“Có mảnh đất muốn chia lại cho con hoặc bán một phần lấy tiền dưỡng già cũng không xong, đất nông nghiệp phải từ 1.000 m2 trở lên mới được chuyển nhượng, nhà đất sau một năm cấp giấy chủ quyền mới được giao dịch... ”.

Tùy tiện đặt “lệ làng”

Đây là những “lệ” được các quận - huyện TPHCM đặt ra để dễ quản lý, tuy nhiên lại đẩy cái khó cho người dân.

Một số hộ dân ở quận 6 phản ánh về trường hợp nhà, đất của họ sau khi bán bớt một phần đã không được địa phương cấp giấy chủ quyền. Lý do được đưa ra là diện tích khuôn viên đất sau khi chia tách quá nhỏ, không phù hợp quy chuẩn xây dựng đô thị, gây khó khăn trong công tác quản lý xây dựng sau này. Giải thích này không được người dân đồng tình bởi hiện chưa có quy định nào cấm tách thửa đất có diện tích dưới 40 m2.

Trước phản ánh của người dân, UBND quận 6 đã có văn bản xin ý kiến UBND TPHCM và các ngành liên quan cho tạm ngưng tách thửa (trừ các trường hợp mua bán chuyển nhượng để hợp khối với nhà kế bên) hoặc giải quyết bình thường. Ông Trần Hữu Trí, Phó Chủ tịch UBND quận 6, cho biết: “Dù TP chưa có trả lời chính thức, song quận 6 buộc phải “mở cửa” xem xét cấp giấy cho các trường hợp trên để bảo đảm quyền lợi cho dân”.

Tại khu vực quy hoạch làng biệt thự ở quận Thủ Đức, nhiều người dân cũng phản ánh về những quy định chưa rõ ràng việc có cho phép tách các khuôn viên đất biệt thự ra thành nhiều phần để xây dựng nhà phố hay không. Anh Quang Trần, một người dân ở đây, cho biết làng đại học được quy hoạch từ trước giải phóng, sau năm 1975, Nhà nước phân bổ cho cán bộ và gần đây đã được hợp thức hóa. “Lúc bán nhà sở hữu Nhà nước, trong hồ sơ giấy tờ không hề quy định về việc không được phân chia, tách thửa khuôn viên đất. Đến khi muốn bán bớt một phần hoặc xây dựng thêm thì cán bộ nói không được vì đây là khu quy hoạch biệt thự”.

Tại các quận huyện còn nhiều đất nông nghiệp, một quy định khiến nhiều người dân phản ứng là chỉ được phép chuyển nhượng với diện tích từ 1.000 m2 trở lên. Theo giải thích của cán bộ, việc này nhằm ngăn chặn tình trạng chia đất nông nghiệp ra manh mún không sản xuất được. Điều đáng nói, các quy định này đều do địa phương tự đặt ra chứ luật không hề cấm những việc này.

Chờ họp!

Cuối năm 2007, Sở Tài nguyên - Môi trường đã có dự thảo quy định về diện tích được phép tách thửa tối thiểu đối với đất ở trong khu nội thành cũ là 36 m2. Còn các khu ở ngoại thành thì diện tích được phép chia tách thửa sẽ cao hơn mức trên. Song đến nay dự thảo về quy định này vẫn chưa được UBND TP thông qua. Mới đây, UBND TP lại chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn chỉnh quy định diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền, làm phá vỡ quy hoạch TP, tạo nên các khu nhà lụp xụp mới với hạ tầng kỹ thuật không bảo đảm.

Ông Đào Anh Kiệt, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, nhìn nhận: Việc chưa có quy định cụ thể về chia tách thửa đất không những gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong việc quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng mà còn gây khó khăn cho người dân.

Việc các địa phương tự đặt ra quy định về hạn mức đất được chia tách thửa có thể tốt cho việc quản lý nhưng lại hạn chế quyền của người sử dụng đất. Do đó, điều quan trọng hiện nay là cần tạo ra hành lang pháp lý thống nhất và cụ thể về vấn đề này để tránh mỗi địa phương tự đưa ra một cách hành xử khác nhau. Dự kiến trong tuần tới, UBND TP sẽ có cuộc họp xung quanh vấn đề hạn mức trong chia tách thửa.

Không tách thửa diện tích nhỏ hơn 36 m2

Theo dự thảo quy định diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa do Sở Tài nguyên - Môi trường trình UBND TP, các quận nội thành cũ (gồm quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình) diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất ở chưa có nhà là 60 m2, đất có nhà là từ 36 m2 đến 40 m2. Riêng đất phi nông nghiệp tối thiểu là 500 m2.

Các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, thị trấn các huyện và khu vực thuộc huyện được quy hoạch đô thị hóa, thì diện tích tối thiểu lần lượt là: đất ở chưa có nhà 80 m2, đất có nhà 60 m2 và 500 m2 đối với đất phi nông nghiệp. Riêng các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ (ngoại trừ khu thị trấn và khu quy hoạch đô thị hóa) thì đất ở chưa có nhà là 160 m2, đất có nhà 80 m2, còn đất nông nghiệp tối thiểu từ 500-1.000 m2 tùy loại.


Theo Người Lao Động