Top

TP HCM quản chặt nguồn lực sẵn có

Cập nhật 28/04/2018 08:29

TP HCM đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút nguồn lực, trong khi lại lãng phí những nguồn lực hiện có

Ngày 27-4, HĐND TP HCM đã nghe UBND TP giải trình về giải pháp huy động và sử dụng các nguồn lực để đầu tư phát triển TP giai đoạn 2015-2020. Theo đánh giá của HĐND TP, việc huy động và sử dụng các nguồn lực để đầu tư phát triển của TP đã có những kết quả bước đầu nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so nhu cầu.

Dự án BT thiệt đơn thiệt kép sao cứ chăm bẵm!

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, nguồn lực quan trọng để đầu tư phát triển TP là từ sự phát triển của các doanh nghiệp (DN) nhưng kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017, lại cho thấy cơ cấu quy mô DN nhỏ và vừa chiếm hơn 16% và siêu nhỏ gần 83%. Điều này thể hiện sức cạnh trạnh của DN còn yếu, thiếu bền vững. Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư bằng hình thức BT, BOT chưa khai thác hiệu quả.

Trong khi đó, việc sử dụng nguồn lực sẵn có thì lại lãng phí. Nhiều dự án, công trình chậm triển khai; trong quá trình thực hiện phát sinh khối lượng hoặc chi phí, thay đổi nhân sự của nhà thầu, điều chỉnh tiến độ thực hiện, gia hạn hiệp định vay, điều chỉnh kế hoạch đấu thầu… chưa bảo đảm đầy đủ và kịp thời theo tiến độ dự án. Chưa kể, một nguồn lực lớn là đất đai thì việc quản lý, sử dụng và khai thác chưa đạt hiệu quả cao, có nơi còn chưa chặt chẽ, đúng quy định, gây lãng phí, thất thu cho ngân sách. Đó là cho liên doanh liên kết không đúng quy định; cho thuê theo đơn giá đã lạc hậu so với thực tế; có nhiều địa chỉ đất công bị lấn chiếm; việc sử dụng nhà công, đất công không đúng mục đích, cho thuê lại không đúng quy định.


Nếu quản lý tốt nguồn lực sẵn có thì TP HCM sẽ có thêm một khoản thu tương đối lớn để phục vụ cho sự phát triển Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đại biểu Cao Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, chỉ ra hiện nay có đến 118 khu đất chậm triển khai dự án, sử dụng không đúng mục đích, dự án có quyết định chấm dứt việc thực hiện, hết thời hạn thực hiện dự án. "Vậy vấn đề này xử lý ra sao và khai thác nguồn này cho đầu tư phát triển của TP như thế nào" - ông Bình đặt vấn đề. Đồng tình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng TP chưa đánh giá rõ việc sắp xếp nhà công đất công. Theo bà Tâm, hiện nay có những mặt bằng cho thuê giá rất rẻ hoặc đang bỏ trống, không đầu tư. Ngoài ra, bà Tâm cũng cho rằng thu hút theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao. Hình thức này ở TP HCM thường là đổi đất lấy hạ tầng - PV) bị "thiệt kép" mà sao cứ bám víu, chăm bẵm vào. "Chỉ định dự án không qua đấu thầu, thanh toán quỹ đất không qua đấu thầu. Đó là hai cái thiệt rồi. Tại sao TP mình không có giải pháp gì khác ngoài BT" - bà Tâm nêu.

Khắc phục kiểu "trên nóng dưới lạnh"

Phó Giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Thùy Trang cho biết qua rà soát đất công, nhà công đến ngày 31-12-2017 thì hiện tại TP đang quản lý 10.832 địa chỉ: tiếp tục sử dụng 6.697 địa chỉ, thu hồi 197 địa chỉ, bán nhà và chuyển mục đích sử dụng đất là 1.597 địa chỉ... Trung ương quản lý 2.000 địa chỉ: tiếp tục sử dụng 1.307 địa chỉ, thu hồi 132 địa chỉ, bán nhà và chuyển mục đích sử dụng là 150 địa chỉ..., còn lại chuyển giao cho nhà đất quản lý. "Phương án đã được phê duyệt, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện" - bà Trang khẳng định.

Tiếp lời bà Trang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm nhấn mạnh TP sẽ chỉ đạo nghiên cứu sớm nhất nhằm bổ sung vào các giải pháp huy động và sử dụng các nguồn lực để đầu tư phát triển TP đến năm 2020 nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Theo ông Liêm, giai đoạn 2016-2020, TP bố trí vốn đầu tư theo Luật Đầu tư công và các nghị định của Chính phủ có liên quan có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận tỉ lệ giải ngân vốn sau khi đăng ký còn thấp, việc cải thiện môi trường đầu tư chưa đạt yêu cầu, còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh", một số đơn vị chưa quan tâm đầy đủ vấn đề xã hội hóa còn trông chờ vào nguồn vốn ngân sách nhà nước nên chưa chủ động, chưa quyết liệt triển khai việc xúc tiến đầu tư...

Theo tính toán, giai đoạn 2016-2020, TP cần huy động đầu tư toàn xã hội hơn 1.800.000 tỉ đồng, trong đó chi cho đầu tư xây dựng cơ bản khoảng hơn 850.000 tỉ đồng nhưng khả năng cân đối ngân sách chỉ đáp ứng được 20%. Để hoàn thành mục tiêu trên, ông Liêm cho biết TP sẽ tiếp tục triển khai các đề án nội dung thực hiện theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP; đồng thời tổ chức rà soát và công khai các quy hoạch để phát huy hiệu quả đầu tư, đưa ra đấu giá đất công, tài sản công; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư...

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị sắp tới UBND TP quan tâm có chính sách và giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu tốt. Riêng về cơ chế đặc thù, bà Tâm yêu cầu phải làm rõ các giải pháp để phát huy cơ hội, tạo nguồn lực cho TP.

Kiếm tiền từ các công trình hạ tầng

Giải bài toán "cơ sở hạ tầng giao thông tạo ra nguồn thu như thế nào" từ đại biểu, Giám đốc Sở GTVT TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết tư duy chung của ngành giao thông trong nhiều năm qua là không chỉ chi mà còn phải tạo ra nguồn thu. Cụ thể, đã đầu tư trục đường Kinh Dương Vương và Điện Biên Phủ, sau đó chuyển nhượng lấy 1.000 tỉ đồng đó để đầu tư dự án khác và đặt các trạm thu phí ở xa lộ Hà Nội.

Theo ông Cường, sau khi tính toán và làm việc với UBND TP, sở rất muốn có một đề án về tài chính đô thị liên quan đến vấn đề hạ tầng giao thông. Phải trả lời được câu hỏi: Ai sẽ phải trả gì trong việc sử dụng hạ tầng đô thị? "Không phải mình tận thu nhưng có những cái hoàn toàn thu để đầu tư trở lại cơ sở hạ tầng giao thông như đấu thầu quảng cáo trên xe buýt hay quảng cáo ở những công viên đã thu tiền" - ông Cường nói.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ