Top

TP HCM muốn Phú Mỹ Hưng chia lợi nhuận

Cập nhật 26/05/2015 09:23

Góp 18 triệu USD vào liên doanh Phú Mỹ Hưng - đơn vị vận hành khu đô thị đẳng cấp nhất TP HCM, song từ sau 2010 đến nay phía Việt Nam chưa được chia lợi nhuận.

Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP HCM cho biết qua rà soát hoạt động thực tế của các tổng công ty, công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước thuộc UBND Thành phố, có một số trường hợp doanh nghiệp Nhà nước liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài không được chia lợi nhuận dù đối tác liên doanh nhiều năm liền lãi lớn.

Nguyên nhân là tỷ lệ nắm giữ vốn của doanh nghiệp Nhà nước trong liên doanh không chi phối nên không quyết định được việc chia lợi nhuận này, dẫn đến doanh nghiệp Nhà nước bị giữ lại lợi nhuận không chia, ảnh hưởng đến việc nộp ngân sách trong tình hình khó khăn hiện nay.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng tọa lạc ở quận 7, TP HCM. Ảnh: Kha Thành Trí Đạt.

Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng là liên doanh giữa bên nước ngoài (Công ty Central Trading & Development Coporation - Đài Loan) và bên Việt Nam (Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận - doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND Thành phố) với vốn pháp định của Công ty liên doanh là 60 triệu USD. Trong đó, bên Việt Nam góp 18 triệu USD, chiếm tỷ lệ 30%, bên nước ngoài góp 42 triệu USD, chiếm tỷ lệ 70% vốn pháp định.

Theo UBND Thành phố, từ năm 2010 đến 2014, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng hoạt động kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận cao. Mặc dù bên Việt Nam đã nhiều lần biểu quyết yêu cầu đối tác liên doanh chia lãi. Tuy nhiên, do không có quyền chi phối nên không quyết định được việc chia lợi nhuận.

Trong khi đó, Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng vẫn quyết định không chia lợi nhuận cho các bên góp vốn. Uớc tính khoản lợi nhuận phải chia cho bên Việt Nam khoảng 1.444 tỷ đồng, ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách Nhà nước từ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của các công ty 100% vốn Nhà nước.

UBND Thành phố đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu điều chỉnh quy định về chia lợi nhuận đối với trường hợp liên doanh giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, cần quy định doanh nghiệp liên doanh phải chia lãi hàng năm sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận.

Trao đổi với VnExpress, đại diện Công ty Phú Mỹ Hưng cho biết, theo quy định tại Điều 61 Luật Doanh nghiệp năm 2005, Công ty chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên khi kinh doanh có lãi, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác; đồng thời vẫn phải bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận. Trong khi đó, Công ty phải đóng gần 6.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất trước khi đưa sản phẩm vào kinh doanh (quy định trước đây là khách hàng nộp khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu).

"Nếu Công ty chia lợi nhuận cho các thành viên, thì tài chính của Công ty sẽ thiếu hụt khoản này và buộc phải vay để bù vào với lãi suất khoảng 10% một năm. Tiền lãi này cấu thành chi phí của Công ty do vậy sẽ làm giảm lợi nhuận, cộng với các khoản vay hiện tại, gánh nặng trả lãi sẽ quá lớn. Chưa kể, cũng không thể vay được một số tiền lớn như vậy vì dư nợ của Công ty khi đó sẽ rất lớn", đại diện Phú Mỹ Hưng cho biết.

Theo vị đại diện, ngay cả đối tác nước ngoài trong liên doanh là Công ty Phu My Hung Asia Holdings Corporation (PMH AH), với tỷ lệ được chia lên đến 70% cũng chấp nhận chưa nhận khoản chia này, nhưng với điều kiện bên Việt Nam là Công ty TNHH TMV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận cũng chưa được nhận.

Chính vì vậy, Hội đồng thành viên Công ty đã biểu quyết với đa số đồng thuận sẽ chưa chia lợi nhuận của các năm 2010-2012 trong phiên họp ngày 8/5/2014.

Đại diện Phú Mỹ Hưng cho biết thêm đến đầu năm 2010, Công ty IPC (đại diện cho phía nhà nước trong liên doanh) đã nhận 2.425 tỷ đồng chia từ lợi nhuận của liên doanh. Bên cạnh đó, Phú Mỹ Hưng cũng nộp 7.071 tỷ đồng tiền thuế và 5.827 tỷ đồng tiền sử dụng đất.


DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress