Các dự án chính của TP HCM đến năm 2020 tập trung vào giao thông: làm đường mới, mở rộng phố, xây dựng metro, đường sắt, hàng không; dự kiến cần đến hơn 15 tỷ USD trong khi nguồn vốn ODA từ phía Nhật đang bị thắt lại với các dự án mới.
"Dân số hiện tăng gấp 2 lần so với năm 1985, quỹ đất dành cho giao thông thành phố đang quá thấp dẫn đến quá tải, gây ùn tắc kẹt xe liên miên", đại diện Sở Giao thông vận tải nêu thực trạng tại hội thảo kêu gọi đầu tư hạ tầng TP HCM sáng nay. Tỷ lệ quỹ đất giao thông thành phố hiện chỉ đạt 4,87% so với yêu cầu chuẩn là 20-24%.
Ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch UBND TP HCM, cũng nhìn nhận: "Mặt đường cho giao thông hằng năm chỉ thêm 1-2% nhưng lượng xe tăng 10-12% nên phát triển thành phố đang dần trở nên không cân đối".
Trước hiện trạng đó, theo nhiều chuyên gia, vấn đề sống còn của TP HCM là phát triển cơ sở hạ tầng, song việc tìm vốn đầu tư cũng đang trong tình trạng nan giải.
Vì vậy, để mời gọi đầu tư, TP HCM đã đưa ra danh mục 8 dự án "trăm triệu đô": đường song hành Hà Huy Giáp, dự án nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 15 (vốn 171 triệu USD)... Nặng tiền hơn, dự án đường vành đai 3 (giáp tuyến cao tốc liên vùng phía Nam) dài 8,4 km đòi phải có số vốn đầu tư 2,5 tỷ USD; đường trên cao số 3, năm nút giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh quận 7, tuyến metro 4, 5, 6... cũng hút một lượng vốn lớn.
"Trung bình mỗi năm TP HCM cần khoảng 1 tỷ USD để thực hiện đúng theo quy hoạch về giao thông", ông Lư Đình Phong, Phó giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM, khẳng định.
Cơ sở hạ tầng cho giao thông là "chìa khóa" chính cho TP HCM phát triển bền vững nên phải tập trung hút vốn đầu tư, song cấp thoát nước - xử lý nước thải cũng cần được quan tâm đúng mức cho một đô thị. Hiện thành phố đang cần tiếp gần 1,3 tỷ USD cho các dự án thoát nước, khoảng 3,5 triệu USD cho cấp nước.
"Thành phố có gần 100 km kênh rạch đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng nề, nước thải ngày càng tăng nhưng đến nay chưa có một nhà máy xử lý nào", ông Ngô Quang Mẫn, Trưởng phòng quản lý cấp thoát nước Sở Giao thông, cảnh báo.
Theo ông Mẫn, bên cạnh các dự án môi trường nước đang triển khai trên địa bàn thì TP HCM phải có 9 nhà máy xử lý nước thải cùng 2 dự án quan trọng cần vốn để triển khai. Trong đó dự án tiêu thoát nước kênh Tham Lương - Bến Cát "ngốn" hết 800 triệu USD, cộng thêm hơn 500 triệu USD nữa cho việc thu gom xử lý nước thải kênh Tân Hóa - Lò Gốm.
Còn về cấp nước, ông Lý Chung Dân, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cấp thoát nước Sài Gòn, cũng đưa ra 6 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 5.850 tỷ đồng. Đáng chú ý là các dự án xử lý bùn nhà máy nước Thủ Đức, sửa chữa tuyến cống nước sạch hiện hữu, xây dựng hệ thống chuyển tải...
"Ách tắc giao thông, ngập nước đang kiềm hãm tốc độ phát triển kinh tế của thành phố, nhưng hiện ngân sách không thể nào đáp ứng nổi cho các dự án hạ tầng cơ sở nên việc kêu gọi đầu tư là một sự cấp bách", ông Tín nói.
Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư
Dự án song hành đường Hà Huy Giáp (từ quốc lộ 1 đến cầu Phú Long giáp tỉnh Bình Dương).
Dự án nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 15 dài 40 km: vốn đầu tư 171 triệu USD. Đường vành đai 3 giáp tuyến cao tốc liên vùng phía Nam: 2,5 tỷ USD. Đường trên cao số 3 dài 8,5 km với 4 làn xe. Năm nút giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh quận 7. Tuyến metro số 4, 5, 6.
Dự án tiêu thoát nước Tham Lương - Bến Cát với vốn đầu tư 800 triệu USD. Dự án thu gom xử lý nước thải kênh Tân Hóa Lò Gốm 485 triệu USD.
Dự án Hệ thống cấp nước sông Sài Gòn giai đoạn II: 1.000 tỷ đồng. Mở rộng nhà máy nước Thủ Đức giai đoạn IV: 1.650 tỷ đồng. Khu xử lý bùn nhà máy nước Thủ Đức: 200 tỷ đồng. Sửa chữa tuyến cống nước sạch hiện hữu: 200 tỷ đồng. Xây dựng hệ thống chuyển tải mạng cấp 1: 2.800 tỷ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: